Chứng khoán đang 'thử thách' sức chịu đựng nhà đầu tư
Biến động bất thường của thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây không chỉ khiến giới phân tích 'đau đầu', còn 'thử thách' sức chịu đựng của các nhà đầu tư cá nhân.
NĐT muốn rời bỏ thị trường
Ngày 22-9 được xem là phiên giao dịch mở đầu cho đợt bán tháo hoảng loạn nhất của NĐT kể từ đầu năm 2023 đến nay. Dù kết phiên với số điểm giảm gần 20 điểm, nhưng trong cả phiên giao dịch này NĐT liên tục “bán đổ, bán tháo”, xuất phát từ tin đồn liên quan đến nhân sự chủ chốt của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE).
Tuy nhiên, sau phiên giao dịch này, các chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK) đã có những dự báo không quá bi quan về TTCK ở tuần sau.
Đơn cử, CTCK V. cho rằng sau phiên lao dốc ngày 22-9, VN Index đã đánh mất vùng hỗ trợ 1.210 điểm và mở rộng nhịp giảm điểm. Thị trường sẽ không còn những phiên rớt mạnh như phiên 22-9, khi tin đồn liên quan đến HoSE đã được giải tỏa.
Bên cạnh đó, việc VN Index vẫn đang ở trên vùng hỗ trợ 1.175 điểm, là tín hiệu cho thấy chỉ số sẽ có diễn biến hồi phục trong tuần. Từ nhận định này, CTCK V. khuyến nghị NĐT quan sát diễn biến cung cầu trong nhịp hồi phục hiện tại. Đồng thời, cân nhắc khả năng hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu (CP) và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn để có thể phòng ngừa rủi ro.
Thế nhưng, trái ngược với nhận định của CTCK V., ở 2 phiên kế tiếp VN Index vẫn chịu áp lực bán tháo và tiếp tục sụt giảm mạnh hơn. Đơn cử, phiên giao dịch ngày 25-9, VN Index giảm gần 40 điểm và gãy luôn ngưỡng hỗ trợ 1.175. Thậm chí, VN Index xuyên thủng luôn mốc 1.150 điểm trong phiên giao dịch ngày 26-9.
Với nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân, phiên giao dịch ngày 26-9 mang đến cho họ quá nhiều cảm xúc tiêu cực. Nguyên nhân là trước đợt khớp lệnh ATC, chỉ số vẫn còn giao dịch trong trạng thái tích cực với hàng trăm mã giao dịch trên mức giá tham chiếu, sau chuỗi phiên bị bán tháo và giảm sâu.
Nhiều NĐT cho rằng VN Index đã kết thúc đợt điểu chỉnh và mạnh tay tung lệnh mua “bắt đáy”. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh cuối, hàng loạt lệnh bán giá sàn bất ngờ được đẩy lên bảng điện, khiến VN Index đang trong trạng thái tăng, quay đầu mất hơn 15 điểm khi chốt phiên. Nhiều NĐT lỡ mua vào giá cao trong phiên sáng bị thiệt hại nặng nề.
Đến phiên giao dịch ngày 27-9, VN Index tiếp tục đà suy giảm trước áp lực xả hàng từ bên nắm giữ. Đối mặt tình cảnh này, nhiều NĐT bày tỏ cảm xúc chán nản trên các diễn đàn CK khi thông báo: “bán hết CP nghỉ chơi CK”, hay “thị trường bị chi phối bởi các đội lái”, “NĐT cá nhân bị đội lái úp bô”.
Tuy nhiên, khi NĐT bi quan nhất, VN Index lại bất ngờ tăng vọt gần 16 điểm cũng trong phiên ATC. Dù VN Index đảo chiều mang lại cảm xúc hưng phấn, nhưng đâu đó cũng có những tiếng thở dài của NĐT lỡ bán cắt lỗ trong phiên sáng.
Tưởng chừng phiên tăng điểm ngày 27-9 là tín hiệu cho thấy thị trường kết thúc đợt lao dốc và bước vào giai đoạn hồi phục. Nhưng bất ngờ lại xảy ra trong phiên 28-9, VN Index bị nhấn chìm trong sắc đỏ, do bên nắm giữ ồ ạt xả hàng trong sự ngỡ ngàng của NĐT.
NĐT thua lỗ vì sao?
Trước đợt lao dốc vừa qua, TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với chuỗi tăng điểm ấn tượng. Sức hút của TTCK phần nào được thể hiện qua số lượng NĐT mở tài khoản mới trong tháng 8. Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản giao dịch CK của NĐT trong nước tính đến ngày 31-8 đạt trên 7,6 triệu tài khoản. Chỉ riêng trong tháng 8, số lượng mở mới hơn 188.000 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 7-2022.
Trên các diễn đàn CK, NĐT chia sẻ câu chuyện cụ ông tên S., (81 tuổi) rút sổ tiết kiệm 200 triệu đồng để đầu tư CK. Sau 3 tháng “lướt sóng”, cụ ông lãi hơn 40 triệu đồng (tương đương 20%). Thấy đầu tư CK hấp dẫn hơn gởi tiết kiệm, cụ S., tiếp tục rút hết số tiền còn lại trong ngân hàng, gom thêm 600 triệu đồng để bỏ vào CK.
Từ mục tiêu ban đầu là “lướt sóng”, NĐT được xem là lớn tuổi nhất TTCK hiện nay, trở thành NĐT dài hạn bất đắc dĩ sau loạt phiên lao dốc vừa qua.
Anh T., một NĐT có thâm niên trên TTCK, cho biết 3 phiên giảm vừa qua khiến danh mục CP của anh bị sụt giảm 20%. Sau phiên giao dịch ngày 26-9, nhân viên môi giới CTCK gọi điện thoại thông báo tài khoản anh T. tới mức cảnh báo, nếu không nộp tiền vào cân bằng tỷ lệ sẽ bị bán giải chấp.
Nhân viên môi giới khuyên anh T. bán cắt lỗ bởi thị trường đang rất xấu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm có được sau hơn 10 năm đầu tư, anh T. quyết định nộp thêm tiền vào tài khoản để mua quân bình giá thay vì cắt lỗ. Bởi theo anh T. thị trường không quá xấu để phải bán tháo, thậm chí còn có nhiều tín hiệu tích cực.
Quyết định của anh T. đã thành công khi danh mục đã gần về điểm hòa vốn nhờ số lượng CP được mua mới với giá thấp.
Giữa tháng 7, giám đốc một CTCK bất ngờ đưa ra nhận định có tới 90% NĐT thua lỗ khi đầu tư CK. Phát ngôn này khiến giới đầu tư bị sốc bởi con số này quá kinh khủng và nhiều người đã không đồng tình do thời điểm này TTCK vẫn đang tốt.
Tuy nhiên, nhận định này cũng nhận được nhiều ý kiến thuận chiều từ các chuyên gia CK. Theo chuyên gia K., ngay cả khi thị trường đi lên nhiều người vẫn không tránh khỏi thua lỗ.
Chuyên gia K. đưa ra các lý do khiến NĐT thua lỗ do tâm lý chủ quan, bỏ lỡ cơ hội vì thua lỗ trước đó, chọn sai CP và luôn cho rằng giá sẽ về đỉnh cũ, sử dụng đòn bẩy tài chính (marign) quá nhiều, bán khống (short sell), đầu tư với tâm lý “đánh nhanh thắng nhanh” và cuối cùng là cố dự báo biến động ngắn hạn của thị trường.
“Thị trường tăng nhưng nhiều người vẫn không thể kiếm lời vì họ giữ những CP với kỳ vọng quá lớn. Không chỉ NĐT ngắn hạn, những người có tầm nhìn dài hạn vẫn có thể mất tiền khi chọn sai CP” - chuyên gia này nhận định.
Trong đợt suy giảm vừa qua, NĐT cá nhân đua bán tháo cắt lỗ, trong khi bộ phận tự doanh của các CTCK và khối ngoại liên tục mua ròng trên sàn HoSE. Cụ thể, trong 3 phiên lao dốc, tự doanh mua ròng gần 1.000 tỷ đồng, còn khối ngoại mua ròng gần 1.200 tỷ đồng.