Chứng khoán Đông Nam Á chuẩn bị cho 'cú nhảy bungee' trong năm 2023?
Các thị trường chứng khoán Đông Nam Á sẽ chuyển động tương tự như một 'cú nhảy bungee' vào năm 2023, tức sẽ giảm sâu trước khi bật lại mạnh mẽ vào nửa cuối năm sau, theo nhận định của các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư JPMorgan.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích của JPMorgan, đứng đầu là Rajiv Batra, cho rằng các thị trường chứng khoán Đông Nam Á sẽ có đặc điểm chung là “sụt giảm mạnh, sau đó tăng trở lại nhanh chóng (cú bật nảy trong thị trường giả giá), rồi lại tiếp tục một đợt giảm khác cho đến khi cuối cùng thị trường chạm đáy”.
Họ ví quỹ đạo của chứng khoán Đông Nam Á trong năm tới như một “cú nhảy bungee”. Nhảy bungee (bungee jump) là một trò chơi mạo hiểm, tạo ra cảm giác mạnh với người chơi buộc dây đai quanh người rồi quăng mình từ một địa điểm cao xuống phía dưới mặt đất (hoặc mặt nước). Khi chỉ còn cách bề mặt tiếp xúc không xa, người chơi sẽ được kéo lên.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng diễn biến như vậy của thị trường cổ phiếu Đông Nam Á là do sức mua yếu trong bối cảnh chính sách các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, mức tiết kiệm thấp hơn và chi phí đi vay cao hơn của doanh nghiệp và hộ gia đình trong khu vực.
JPMorgan dự báo chỉ số MSCI ASEAN sẽ “kiểm tra lại các mức thấp nhất của năm nay và có khả năng xuống thấp hơn nữa” trong nửa đầu năm 2023, do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, điều kiện tài chính thắt chặt và hiệu ứng từ chính sách tái mở cửa của Trung Quốc mờ nhạt dần cùng các yếu tố khác.
Chỉ số MSCI ASEAN đã giảm 22% từ mức cao của tháng 2 xuống mức thấp nhất trong năm vào tháng 10. Chỉ số này gần đây đã tăng trở lại 10% nhờ các kỳ vọng Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế và khả năng xoay trục chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số MSCI ASEAN đo lường biến động của 170 cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình trên bốn thị trường mới nổi, một thị trường phát triển và một thị trường cận biên của ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.
Lãi suất của Fed dự kiến sẽ đạt 5% vào tháng 5-2023 và nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, theo nhận định của JPMorgan. “Nhưng trái ngược với niềm tin của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đã không định giá đầy đủ một cơn suy thoái cho đến khi nó xảy ra”, báo cáo của JPMorgan cho biết.
Các nền kinh tế định hướng thương mại như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi đà tăng trưởng toàn cầu chậm hơn trong thời gian tới và nhu cầu đối với hàng tiêu dùng lâu bền yếu hơn.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc khó có thể bù đắp được các sụt giảm kinh tế dự kiến ở các nền kinh tế trong khu vực ASEAN. Chẳng hạn, nền kinh tế Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi “sự sụt giảm đáng kể” trong xuất khẩu, đầu tư tư nhân và sản xuất. Báo cáo của JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Thái Lan từ 3,3% xuống còn 2,7%.
Singapore cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn hơn. “Chúng tôi cho rằng sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài sẽ tiếp tục kìm hãm lĩnh vực sản xuất hàng hóa của Singapore ngay cả khi lĩnh vực dịch vụ đã cung cấp một số bù đắp”, các nhà phân tích của JPMorgan nhận định. Họ cho rằng quyết định tăng thuế hàng hóa và dịch vụ sắp tới của Singapore, từ 7% lên 8%, cũng sẽ làm giảm nhu cầu và triển vọng của ngành tiêu dùng.
Hiệu ứng từ việc Trung Quốc tái mở cửa cũng chỉ ở mức khiêm tốn trong các điều kiện suy thoái toàn cầu. Trung Quốc đã nới lỏng nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với Covid-19 trong những tuần vừa qua, với việc giới chức trách công bố một loạt thay đổi sâu rộng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong nước, duy trì hoạt động kinh doanh và cho phép bệnh nhân Covid-19 được cách ly tại nhà.
Các nhà phân tích của JPMorgan nói với CNBC: “Những lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ bị lấn át bởi suy thoái kinh tế ở các thị trường phát triển”. Đồng thời, họ lưu ý các thị trường Đông Nam Á có mức độ tiếp xúc cao với xuất khẩu và nhu cầu từ các nền kinh tế của các thị trường phát triển.
Nhưng nếu Trung Quốc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, điều này sẽ là một “chất xúc tác tích cực” cho nền kinh tế Singapore. Du khách Trung Quốc chiếm khoảng 20% lượng khách nước ngoài đến thăm Singapore vào năm 2019, vì vậy sự trở lại của họ cũng có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với lĩnh vực tiêu dùng và lĩnh vực dịch vụ liên quan đến du lịch ở Singapore.
Tuy nhiên, JPMorgan ước tính đà tăng trưởng của Singapore vẫn có thể bị hạn chế do các điều kiện suy thoái toàn cầu và những thách thức về nhu cầu bên ngoài mà nước này phải đối mặt.
Theo báo cáo của JPMorgan, việc mở cửa lại toàn bộ biên giới từ Trung Quốc cũng sẽ bổ sung thêm “tiềm năng tăng trưởng” cho đà phục hồi du lịch của Thái Lan, nhưng có một số lo ngại điều đó có thể thúc đẩy lạm phát.
“Có lập luận cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sớm hơn dự kiến sẽ gây ra lạm phát. Tuy nhiên, dù du lịch có thể kích thích tăng lương và tiêu dùng, nhưng nó không có mối tương quan chặt chẽ với lạm phát ở các nước như Thái Lan, nơi bản chất của lạm phát chủ yếu là do nguồn cung”, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết thêm.
Theo CNBC
Chánh Tài