Chứng khoán hôm nay 28/7: Thanh khoản bùng nổ, VN-Index thiết lập kỷ lục mới
Với mức tăng hơn 26 điểm, VN-Index chốt phiên giao dịch hôm nay 28/7 tại mốc 1.557,42 điểm (+1,72%) – mức đỉnh cao mọi thời đại. Mức tăng 1,72% cũng đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất châu Á trong phiên 28/7.
Phiên giao dịch hôm nay 28/7 đánh dấu mốc 25 năm vận hành của thị trường chứng khoán. Dòng tiền lan tỏa mạnh trên thị trường đã giúp các nhóm ngành đua nhau khởi sắc, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giúp VN-Index tiếp đà tăng tốc. Sắc xanh vẫn là màu chủ đạo trên bảng điện tử và VN-Index tiếp tục leo lên những đỉnh cao mới.
Kết phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 26,3 điểm, tương đương 1,72%, lên hơn 1.557 điểm với 258 mã tăng, trong đó có 33 mã tăng trần, so với 81 mã giảm. Tương tự, VN30 ghi nhận 26/30 mã tăng, giúp chỉ số của rổ này thiết lập đỉnh cao mới là 1.695 điểm.

Không chỉ tạo mốc kỷ lục về điểm số, thị trường còn ghi nhận kỷ lục về thanh khoản với 1,85 tỷ cổ phiếu được sang tên trên sàn HoSE, tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 46.500 tỷ đồng. Nếu tính trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch phiên hôm nay đạt hơn 52.000 tỷ đồng, xấp xỉ 2 tỷ USD.
Về nhóm cổ phiếu đóng góp lớn, phải kể tới các cổ phiếu ngân hàng đua nhau “tím lịm”. Riêng SHB, VPB, LPB và EIB là các mã “công thần”, đóng góp tổng cộng tới 7,6 điểm tăng cho VN-Index. Theo sau, VIC, SSI, cổ phiếu “họ” Gelex như GEX và VIX,... cũng trở thành những bệ đỡ cho thị trường chung.
Không chỉ tích cực về mặt điểm số, thanh khoản trên sàn HoSE cũng ghi nhận sự bùng nổ với giá trị khớp lệnh lên tới 44.300 tỷ đồng – thiết lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh một phiên trong suốt 25 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) của VN-Index hiện đã tiệm cận mức trung bình 10 năm khi chỉ số này lập đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, nếu so với các đỉnh trong quá khứ, như năm 2018 (cao trào IPO và kỳ vọng nâng hạng) hay giai đoạn 2021 (tiền rẻ dồi dào), thì mức định giá hiện tại vẫn còn thấp hơn.
Điểm đặc biệt trong năm 2025, theo ông Minh, là thị trường đang được hỗ trợ đồng thời từ nhiều yếu tố: chính sách tiền tệ nới lỏng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2025–2030, và triển vọng nâng hạng thị trường. Những yếu tố này có thể giúp mặt bằng định giá vượt qua mức trung bình 10 năm trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức trung bình 10 năm vẫn là kháng cự đáng lưu ý - đây cũng chính là ngưỡng cản lớn trong cả giai đoạn 2023-2024. Do đó, sau chuỗi tăng mạnh vừa qua, thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật.