Chứng khoán Mỹ 'án binh bất động' chờ dữ liệu kinh tế quan trọng

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên đầu tuần, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ phản ứng của Fed trước dữ liệu lạm phát dự kiến sẽ sớm được công bố.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong ngày 11/3. Ảnh: CNBC

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong ngày 11/3. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số S&P 500 mất 0,11% xuống còn 5.117,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,41% về mức 16.019,27 điểm do các cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn. Cả 2 chỉ số này đều chứng kiến 2 phiên giảm liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones nhích 46,97 điểm (tương đương 0,12%) lên 38.769,66 điểm.

Nhiều cổ phiếu công nghệ ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên này, như Super Micro Computer sụt hơn 5% hay Nvidia hạ 2%. Cả hai cổ phiếu bị bán tháo khi nhà đầu tư trở nên hoài nghi về khả năng các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có còn nhiều dư địa để tăng hay không.

Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, giảm 4,4% khi chốt phiên.

Tâm lý của nhà đầu tư Phố Wall chuyển sang trạng thái thận trọng trước khi đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày 12/3 .

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia dự báo CPI trong tháng 2 tăng 0,4% so với tháng 1 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi - chỉ số không tính đến hai nhóm mặt hàng thường xuyên biến động là năng lượng và thực phẩm - được dự báo tăng 0,3% theo cơ sở tháng và 3,7% theo cơ sở năm.

Vào cuối tuần, thị trường còn nhận một báo cáo lạm phát khác là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Đây là hai trong số những báo cáo kinh tế quan trọng cuối cùng trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách tháng 3.

“Dường như thị trường đang lạc quan quá mức về khả năng Fed có thể giảm mạnh lãi suất trong năm 2024. Theo quan điểm của tôi, báo cáo lạm phát tháng 2 sẽ là một sự nhắc nhở nữa rằng Fed cần phải hành động cẩn trọng” - nhà kinh tế trưởng Lara Rhame của công ty FS Investments nói với đài CNBC.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vừa có tuần giảm điểm sau khi S&P 500 và Nasdaq Composite cùng lập kỷ lục trong tuần trước đó.

Cuộc họp chính sách sắp tới của Fed sẽ kết thúc vào ngày 20/3. Thị trường hiện đã gần như loại trừ khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp này - điều mà họ đã kỳ vọng vào đầu năm nay.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 97% Fed giữ nguyên lãi suất trong lần họp này.

Ngân hàng UBS dự báo một đợt điều chỉnh có thể sắp xảy ra. Giám đốc văn phòng đầu tư của UBS đánh giá: “Thị trường có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn, song chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên giữ thái độ trung lập đối với chứng khoán Mỹ.

Theo UBS, đầu tư dài hạn là chiến lược hợp lý vì “thị trường vẫn còn nhiều động lực tích cực”.

UBS cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế lành mạnh và lạm phát hạ nhiệt là hai lý do chính khiến thị trường chứng khoán có kết quả tốt trong dài hạn.

Cũng có quan điểm tương tự, Wolfe Research nhận định, thị trường chứng khoán Mỹ có thể đang trong giai đoạn chuyển tiếp gập ghềnh, nhưng đà tăng sẽ tiếp tục trong trung hạn.

Chiến lược gia Chris Senyek của Wolfe Research lưu ý rằng các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall không nên hoảng sợ trước diễn biến kém khả quan của thị trường. “Nhóm các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn trong trung hạn”.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-an-binh-bat-dong-cho-du-lieu-kinh-te-quan-trong.html