Chứng khoán Mỹ bán tháo sau tuyên bố thuế quan, Dow Jones 'bay' hơn 600 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang mạnh...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang mạnh bằng việc hai bên áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau và Tổng thống Donald Trump kêu gọi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.
Theo tin từ Reuters, cả ba chỉ số chính cùng kết thúc phiên trong trạng thái chìm sâu trong sắc đỏ, hoàn tất tuần giảm thứ tư liên tục của Phố Wall.
Những động thái "ra đòn" mới nhất của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thương chiến kéo dài đã châm ngòi cho một phiên bán tháo trên diện rộng. Trong đó, bị bán mạnh hơn cả là cổ phiếu của những công ty có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc, như các hãng sản xuất con chip và công nghệ.
Cổ phiếu Intel và Apple, hai thành viên của chỉ số công nghiệp Dow Jones, giảm tương ứng 3,9% và 4,6%.
Trung Quốc ngày 23/8 tuyên bố áp thuế quan bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa việc ông Trump áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Vài giờ sau, ông Trump đáp trả bằng tuyên bố tăng thuế bổ sung áp lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Diễn biến căng thẳng và kịch tính của thương chiến đã lấn át bài phát biểu được chờ đợi của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell. Trong bài phát biểu này, ông Powell nhắc lại cam kết rằng FED sẽ "hành động phù hợp" để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng không cam kết sẽ cắt giảm lãi suất nhanh chóng và liên tục như ông Trump yêu cầu.
Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã gọi ông Powell là "kẻ thù" của nước Mỹ.
"Ông Trump có vẻ như đang rất bực với phản ứng của Trung Quốc. Về cơ bản, ông ấy giận dữ với tất cả mọi thứ", Giám đốc đầu tư David Katz thuộc Matrix Asset Advisors nhận định. "Ông ấy nổi giận với Trung Quốc, ông ấy đổ lỗi cho ông Powell về tình trạng của thị trường và nền kinh tế".
"Nhưng ở thời điểm này, rõ ràng là những vấn đề của nền kinh tế Mỹ đều liên quan đến thương mại và hầu như chẳng liên quan gì đến FED", ông Katz nói với Reuters.
Ông Bernard Baumohl, Giám đốc điều hành Economic Outlook Group, đồng tình với quan điểm trên.
"Sai lầm lớn nhất là việc tin rằng giảm lãi suất 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm sẽ giúp phục hồi kinh tế", ông Baumohl nói. "Đừng bảo FED cứu nền kinh tế, vì họ sẽ không thể làm được điều đó vào thời điểm này.
Thương chiến Mỹ-Trung leo thang là nhân tố gây giảm điểm lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong những tuần gần đây.
Phiên giảm ngày thứ Sáu là phiên thứ ba có mức giảm trên 2% của chỉ số S&P 500 trong tháng 8 này. Trong vòng 4 tuần trở lại đây, chỉ số đã giảm 5,8%.
Đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm một lần nữa đảo ngược - một dấu hiệu kinh điển của suy thoái kinh tế. Trong 3 ngày qua, đường cong này thường xuyên rơi vào trạng thái đảo ngược.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 623,34 điểm, tương đương giảm 2,37%, còn 25.628,9 điểm. S&P 500 sụt 2,59%, còn 2.847,11 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 3%, "bốc hơi" 3%, còn 7.751,77 điểm.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chốt phiên trong trạng thái giảm. Cổ phiếu năng lượng và công nghệ là hai nhóm giảm mạnh nhất, với mức giảm trên 3%.
Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor, một thước đo của cổ phiếu con chip, sụt 4,4%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 4,52 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 5,27 lần.
Có tổng cộng 8,07 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức 7,58 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.