Chứng khoán Mỹ chao đảo vì lo ngại 'bom' nợ công

Chứng khoán Mỹ gần như đi ngang khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5 trong bối cảnh giới đầu tư quan ngại tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng của chính phủ liên bang.

Chứng khoán Mỹ tìm kiếm hướng đi đầy khó khăn trong phiên thứ Năm sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Donald Trump, dự kiến sẽ khiến nợ chính phủ liên bang tăng thêm hàng ngàn tỷ USD.

Chốt phiên này, chỉ số S&P 500 gần như không đổi, đóng cửa ở mức 5.842,01 điểm sau khi giảm nhẹ 0,04% ở đầu phiên. Chỉ số Dow Jones giảm 1,35 điểm, xuống còn 41.859,09 điểm. Ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,28%, đạt 18.925,73 điểm.

Cổ phiếu First Solar giảm hơn 4% trong phiên ngày 22/5. Ảnh: Greentechlead.com

Cổ phiếu First Solar giảm hơn 4% trong phiên ngày 22/5. Ảnh: Greentechlead.com

Diễn biến ảm đạm trên sàn Phố Wall diễn ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật gây tranh cãi, bao gồm việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng.

Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật thuế mới của Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ sít sao. Dự luật hiện đang chờ Thượng viện xem xét.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), dự luật này sẽ hiện thực hóa nhiều cam kết tranh cử của ông Trump, nhưng dự kiến có thể khiến nợ công, đang vào khoảng 36,2 nghìn tỷ USD, tăng thêm 3,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Ngày 22/5, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2023, đạt 5,161% trước khi giảm vào cuối phiên. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng tăng mạnh lên 4,629% trước khi giảm vào cuối phiên.

Lợi suất trái phiếu dài hạn được sử dụng làm tham chiếu cho các khoản vay tiêu dùng và có thể gây sức ép đối với nền kinh tế, vốn đã chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.

Một cuộc đấu giá không thuận lợi với lô trái phiếu kỳ hạn 20 năm cũng góp phần thúc đẩy sự gia tăng đột biến về lợi suất, khiến cổ phiếu bị bán tháo trong phiên 21/5. Nhu cầu về trái phiếu kho bạc có thể còn giảm hơn nữa nếu dự luật thuế được Thượng viện thông qua.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù dự luật thuế có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ làm gia tăng gánh nặng tài khóa và đẩy lợi suất đi lên.

“Trong ngắn hạn, dự luật thuế mới sẽ thúc đẩy GDP vào năm 2026 nhờ giảm thuế và tăng chi tiêu, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng”, ông Jed Ellerbroek - Giám đốc danh mục đầu tư tại Argent Capital Management, chia sẻ với CNBC.

Tuy nhiên, ông Ellerbroek cũng cảnh báo rằng về lâu dài, thâm hụt gia tăng sẽ làm suy giảm niềm tin vào trái phiếu chính phủ Mỹ và đẩy lợi suất tăng cao hơn nữa. “Trái phiếu Mỹ đang mất dần sức hấp dẫn và mức độ tin cậy khi thâm hụt ngân sách vẫn duy trì ở mức cực kỳ cao mà không có dấu hiệu cải thiện,” ông nói thêm.

Bên cạnh lo ngại về thâm hụt ngân sách, giới đầu tư còn đang theo dõi sát sao tác động của các mức thuế quan mới đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là giá cả tiêu dùng.

“Vấn đề lớn hôm nay là dự luật thuế, nhưng chúng tôi đang nhìn xa hơn tới các rủi ro lớn hơn, đó là thuế quan và lãi suất,” ông George Young, đối tác tại Villere & Co nhận định.

Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu thận trọng. Thống đốc Fed Christopher Waller hôm 22/5 cho biết, việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ nằm trong tính toán nếu chương trình nghị sự thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump ổn định.

“Nếu chúng ta có thể ổn định mức thuế quan ở khoảng 10% từ nay đến tháng 7, Fed sẽ có điều kiện để cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay” - Thống đốc Waller chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business. Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại về khả năng phải ứng phó với mức thuế cao hơn hiện tại.

Trong khi đó, ngân hàng Citi hôm 22/5 lên tiếng cảnh báo về triển vọng suy yếu của nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2025.

Theo nhà kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets của Citi, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã đẩy mạnh chi tiêu trước khi mức thuế mới có hiệu lực, dẫn đến khả năng sụt giảm nhu cầu trong thời gian tới. “Chúng tôi cho rằng giai đoạn hiện tại vẫn chỉ là ‘sự yên tĩnh trước cơn bão’, và tăng trưởng có thể sẽ chậm lại đáng kể từ quý 3 trở đi” - ông Sheets cho hay.

Trong báo cáo mới nhất, Wolfe Research nhấn mạnh rằng lợi suất dài hạn sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt chi phối thị trường trong thời gian còn lại của năm nay.

“Tình hình tài khóa dài hạn của Mỹ hiện đang trên một quỹ đạo không bền vững, và điều này đang bắt đầu khiến các nhà đầu tư trái phiếu phản ứng bằng cách đẩy lợi suất tăng” - chiến lược gia trưởng Chris Senyek của Wolfe Research cho biết. Với lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong năm tới và sự không chắc chắn về lạm phát cũng như chính sách của Fed, ông cho rằng lợi suất dài hạn sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng định hướng thị trường từ nay đến cuối năm.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-chao-dao-vi-lo-ngai-bom-no-cong.713307.html