Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Dow Jones giảm 2.200 điểm, S&P 500 mất 10% trong 2 ngày

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, chỉ số Dow Jones trên sàn chứng khoán Mỹ giảm hơn 2.200 điểm khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Tác động không chỉ dừng lại ở các chỉ số chính tại Mỹ, mà còn lan rộng sang các thị trường châu Âu và châu Á.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ ngày thứ hai liên tiếp vào phiên giao dịch ngày thứ 6, khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang sau động thái đáp trả từ phía Trung Quốc. Quyết định áp thuế mới lên hàng hóa Mỹ của Trung Quốc không chỉ khiến các nhà đầu tư thêm phần lo lắng, mà còn làm dấy lên nỗi sợ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang cận kề.

Trong làn sóng bán tháo ồ ạt chưa có dấu hiệu dừng lại, chỉ số Dow Jones đã rơi hơn 2.200 điểm, tương đương 5,5%, xuống còn 38.314 điểm - mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020, khi đại dịch Covid-19 còn đang làm rung chuyển các thị trường toàn cầu. Cú sụt giảm này nối tiếp đà lao dốc 1.679 điểm hôm thứ Năm, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này mất hơn 1.500 điểm trong hai phiên liên tiếp.

Chỉ số Dow Jones trong phiên ngày 4/4. Nguồn: CNBC.

Chỉ số Dow Jones trong phiên ngày 4/4. Nguồn: CNBC.

S&P 500 cũng không ngoại lệ khi lao dốc gần 6%, về mốc 5.074 điểm - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2020. Với việc đã mất hơn 17% kể từ đỉnh gần nhất, chỉ số chuẩn này đang cho thấy sự yếu ớt rõ rệt. Trong khi đó, Nasdaq Composite nơi tập trung các ông lớn công nghệ có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cũng bị cuốn vào vòng xoáy bán tháo, giảm gần 6% phiên thứ hai liên tiếp và chính thức rơi vào "thị trường gấu" sau khi mất tới 22% so với đỉnh hồi tháng 12.

Không chỉ các chỉ số chính bị ảnh hưởng, sắc đỏ lan rộng khắp thị trường khi chỉ còn vỏn vẹn 14 cổ phiếu trong rổ S&P 500 giữ được đà tăng. Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà lao dốc, với Apple giảm 7% trong ngày và mất tới 13% trong tuần. Nvidia cũng không tránh khỏi áp lực khi sụt 7%, còn Tesla thậm chí rớt tới 10%. Với mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc, ba cái tên này đang là tâm điểm của làn sóng trừng phạt thuế quan từ Bắc Kinh.

Không riêng gì nhóm công nghệ, các tập đoàn lớn có hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc như Boeing và Caterpillar cũng chung số phận khi lần lượt mất 9% và gần 6%, góp phần kéo Dow Jones ngày càng xa đáy cũ.

Giới đầu tư thêm phần hoang mang khi Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố áp thuế tới 34% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - một động thái bất ngờ khi thị trường vẫn kỳ vọng hai bên sẽ ngồi lại đàm phán trước khi hành động cứng rắn.

"Thị trường tăng giá đã chết, nó bị hủy hoại bởi những kẻ cuồng tín và những vết thương tự gây ra" - Emily Bowersock Hill, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của Bowersock Capital Partners, nhận định. "Dù thị trường có thể đang tiến gần đến đáy trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn lo ngại về tác động của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn".

Phản ứng của Trung Quốc không dừng lại ở các biện pháp thuế quan. Trung Quốc đã thêm nhiều công ty Mỹ vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy" với cáo buộc vi phạm cam kết thương mại và mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào DuPont, khiến cổ phiếu công ty này giảm gần 13% trong phiên.

Dòng tiền tiếp tục chảy về các tài sản an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới mốc 4%. Trong khi đó, chỉ số biến động CBOE - thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall bật mạnh lên trên 40, mức thường chỉ thấy trong các đợt khủng hoảng thị trường nghiêm trọng.

Bất chấp làn sóng phản đối từ phố Wall, Tổng thống Trump vẫn tỏ ra cứng rắn. Trong bài đăng trên Truth Social hôm thứ Sáu, ông khẳng định: “Chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi”.

Đó cũng chính là điều khiến các nhà đầu tư lo sợ nhất lúc này. “Bước vào cuối tuần, nỗi ám ảnh lớn nhất là cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục leo thang và Mỹ sẽ không rút lui” - Jay Woods, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Freedom Capital Markets, nhận xét.

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 đã giảm 9%, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid bùng phát vào đầu năm 2020.

Trong cùng diễn biến, thị trường chứng khoán quốc tế cũng chịu ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán châu Á kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ bao trùm. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 2,8%, chốt phiên ở mức 33.780,58 điểm, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ô tô tiếp tục hứng chịu áp lực bán mạnh.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như Toyota mất hơn 4%, trong khi Nissan và Honda đều trượt sâu hơn 5%. Ngay cả những tên tuổi công nghệ hàng đầu như Sony và SoftBank cũng không thoát khỏi đà giảm.

Không chỉ Nhật Bản, sắc đỏ cũng hiện diện tại hầu hết các sàn khu vực, từ Sydney, Singapore đến Bangkok, Seoul, Wellington, Mumbai và Manila.

Tại Việt Nam, thị trường cũng không thể giữ vững trước làn sóng bán tháo. Chỉ số VN-Index mất 19,17 điểm (tương đương 1,56%), lùi về mốc 1.210,67 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 3,97 điểm (tương đương 1,8%), dừng lại ở 216,97.

Thu Hương (tổng hợp)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-my-chi-so-dow-jones-giam-2200-diem-sp-500-mat-10-trong-2-ngay-173957.html