Chứng khoán Mỹ hụt hẫng vì Fed, Dow Jones bốc hơi hơn 300 điểm
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên cuối cùng của tháng 1 do cổ phiếu bị bán tháo sau khi Fed thông báo chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.
Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số Dow Jones sụt 317,01 điểm (tương đương 0,82%) xuống còn 38.150,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,61% về mức 4.845,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 2,23% xuống 15.164,01 điểm.
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1 được đánh giá là “khủng khiếp” đối với các chỉ số chính trên sàn Phố Wall. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 12/2023. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng chứng kiến ngày tồi tệ nhất lần lượt kể từ tháng 9/2023 và tháng 10/2023.
Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 31/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất như dự đoán của thị trường. Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí không tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC đã loại bỏ thông điệp sẵn sàng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát và trên đường quay về mức mục tiêu 2% của Fed.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ngân hàng Trung ương Mỹ chưa đủ tự tin để bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tới vào tháng 3.
Phát biểu của Chủ tịch Powell dường như đã dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng của thị trường về một đợt giảm lãi suất vào tháng 3. Ông Powel lưu ý rằng Fed cần có thêm dữ liệu đáng khích lệ về lạm phát để có thể đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm về mức đáy trong phiên ngay sau bình luận thận trọng của Chủ tịch Fed.
Trước cuộc họp này, thị trường kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 5 năm nay.
Oliver Pursche, Phó chủ tịch công ty tư vấn Wealthspire Advisors ở New York, cho biết: “Giới đầu tư thất vọng khi Fed báo hiệu chưa thể sớm nới lỏng chính sách”.
Tuy nhiên, Fed đã làm điều mà các nhà giao dịch mong muốn, đó là loại bỏ những cụm từ cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẽ duy trì xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Chúng tôi tin rằng lãi suất có thể đã đạt mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt này. Nếu nền kinh tế đi theo hướng như mong đợi thì nhiều khả năng Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vào một thời điểm nào đó trong năm nay” - ông Powell nói thêm.
Sau cuộc họp Fed, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm hơn 1% xuống 3,92%.
Ngoài cảnh báo cứng rắn của Fed, chứng khoán Mỹ còn chịu áp lực giảm điểm sau khi một loạt công ty công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) báo cáo kết quả kinh doanh.
Cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) lao dốc hơn 7%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 25/10/2023 do doanh thu quảng cáo đáng thất vọng dù lợi nhuận và doanh thu vượt dự báo.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ như Microsoft hay Advanced Micro Devices (AMD) cũng sụt gần 3%. Cả hai công ty đều dự báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng sau khi công bố báo cáo tài chính quý 4/2023.
Trong khi đó, cổ phiếu của Boeing lại tăng hơn 5% sau khi hãng sản xuất máy bay công bố kết quả kinh doanh tích cực hơn dự báo của giới phân tích. Giám đốc điều hành Dave Calhoun cho biết, sau những khó khăn liên quan đến dòng máy bay 737 Max 9, Boeing sẽ tập trung vào các vấn đề an toàn trong tương lai.
Phiên giảm mạnh trong ngày thứ Tư đã ảnh hưởng lớn đến kết quả trong tháng đầu năm của thị trường Phố Wall. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều kết thúc tháng 1 theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 1,6%, Dow Jones cộng 1,2% và Nasdaq Composite leo dốc 1%.