Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư lại bán tháo, Dow Jones rớt hơn 200 điểm
Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm điểm ở cuối phiên ngày 18/7 do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu khi Apple thông báo cắt giảm việc tuyển dụng và chi tiêu trong năm tới.
Đà hồi phục của sàn Phố Wall trong phiên giao dịch cuối tuần trước, với chỉ số Dow Jones tăng hơn 350 điểm, không được duy trì trong phiên giao dịch đầu tuần này.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 18/7, chỉ số Dow Jones sụt 215,65 điểm (tương đương 0,69%) xuống còn 31.072,61 điểm, giảm mạnh vào cuối phiên và xóa xạch mức tăng 356 điểm đã ghi nhận hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,84%, về mức 3.830,85 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,81% xuống còn 11.360,05 điểm.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh vào cuối phiên sau khi Bloomberg đăng tải thông tin Apple sẽ cắt giảm tuyển dụng và chi tiêu trong năm tới nhằm đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn. Giá cổ phiếu của công ty này sụt 2,1%.
Chuyên gia Peter Boockvar - Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, nhận định: “Khó khăn của Apple, công ty có giá trị vốn hóa lên tới 2.400 tỷ USD, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng lớn tới thị trường. Điều này củng cố thêm thực tế các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong bối cảnh lạm phát cao hiện tại”.
Theo chuyên gia Boockvar, hoạt động kinh doanh của “ông lớn” Apple được thị trường hết sức quan tâm nhằm có đánh giá rõ ràng hơn về cách công ty này đối diện với vấn đề tỷ giá hối đoái, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc và xu hướng người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, thay vì hàng hóa. “Người tiêu dùng không còn duy trì thói quen đổi laptop hay mua mới điện thoại mỗi năm” - chuyên gia này chia sẻ.
Báo cáo lợi nhuận tích cực của ngân hàng Goldman Sachs giúp thị trường khởi sắc ở đầu phiên dù một số chuyên gia Phố Wall liên tục cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng khi dự báo đây sẽ là một mùa báo cáo kết quả kinh doanh bất thường.
“Chúng tôi dự báo mức độ biến động trên thị trường vẫn ở mức cao khi nhà đầu tư đánh giá rủi ro suy thoái và khả năng đạt được hạ cánh mềm của nền kinh tế sau mỗi lần một dữ liệu kinh tế được công bố” – chuyên gia Scott Chronert của Citi lưu ý.
Goldman Sachs hôm 18/7 công bố doanh thu và lợi nhuận dễ dàng vượt kỳ vọng, ngay cả khi Giám đốc điều hành David Solomon cho biết rằng lạm phát đang trở thành “cơn gió ngược” với tăng trưởng kinh tế. Cổ phiếu Goldman Sachs có thời điểm tăng tới 5,6% trước khi thu hẹp đà tăng và khép phiên cộng 2,5%.
Bank of America công bố doanh thu hàng quý cao hơn kỳ vọng của giới phân tích, với cổ phiếu ngân hàng tăng điểm. IBM sẽ công bố kết quả kinh doanh sau khi kết thúc phiên ngày thứ Hai.
Một số doanh nghiệp lớn sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này bao gồm Johnson & Johnson, Netflix, Lockheed Martin, Tesla, United Airlines, Union Pacific và Verizon.
Mặc dù đối mặt với rủi ro suy thoái, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 được dự báo tăng 4,2% trong quý II so với cùng kỳ năm 2021, theo nghiên cứu thực hiện bởi FactSet. Doanh thu của nhóm này ước tính tăng 10,2%.
Kỳ vọng lợi nhuận cho cả năm 2022 vẫn ở ngưỡng cao với việc các chuyên gia tới từ FactSet ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 9,9%.
Nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong kỳ họp chính sách vào cuối tháng này. Một bài báo đăng tải trên tờ Wall Street Journal cuối tuần trước nhận định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% thay vì 1% như nhận định của một số chuyên gia.
Chuyên gia Jan Hatzius – nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, nói rằng ông kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%, đúng như tín hiệu mà nhiều quan chức ngân hàng trung ương Mỹ phát đi trước đó.
Tuy nhiên, quan ngại suy thoái bao phủ thị trường thời gian gần đây sau khi nhà đầu tư đón nhận dữ liệu lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ, khản năng tăng mạnh lãi suất của FED và tình trạng đảo ngược đường cong lợi suất.
Mark Haefele - Giám đốc đầu tư UBS Global Wealth Management, đánh giá: “Thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục biến động trong những tháng tới và diễn biến phần nhiều dựa vào kỳ vọng và quan ngại về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Tâm lý nhà đầu tư sẽ khó được cải thiện cho tới khi lạm phát cơ bản và toàn phần giảm xuống một cách bền vững”.