Chứng khoán Mỹ 'nín thở' đợi loạt dữ liệu quan trọng, giá dầu sụt 2%

Phiên đầu tuần phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về thời gian còn lại của mùa báo cáo tài chính, và cả sự thận trọng khi định giá cổ phiếu đã được đẩy lên mức rất cao...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (29/7) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư “lên dây cót” cho một tuần có nhiều báo cáo tài chính, số liệu kinh tế Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Giá dầu thô sụt 2% khi Israel bày tỏ mong muốn ngăn xung đột quân sự lan rộng ở Trung Đông.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,08%, đạt 5.463,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,07%, đạt 17.370,2 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 49,41 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 40.539,93 điểm.

Một loạt công ty công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 trong tuần này. Các báo cáo này có thể góp phần quan trọng quyết định liệu cổ phiếu công nghệ có thể hồi phục sau đợt bán tháo vào tuần trước hay không. Những ngày tới, các Big Tech sẽ công bố báo cáo bao gồm Microsoft, Meta Platforms, Apple và Amazon.

Một sự kiện quan trọng khác của tuần này là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với tuyên bố sau cuộc họp sẽ được đưa ra vào ngày thứ Tư, kèm theo một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này, nhưng thị trường chờ xem liệu Fed có phát tín hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 hay không.

Ngoài cuộc họp của Fed, tuần này còn có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày thứ Tư và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào ngày thứ Năm.

Ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đón báo cáo việc làm tháng 7 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Cùng với các số liệu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế, dữ liệu việc làm giữ vai trò quan trọng trong việc ra các quyết định lãi suất của Fed.

Theo chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA, biến động yếu của thị trường trong phiên đầu tuần phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về thời gian còn lại của mùa báo cáo tài chính, và cả sự thận trọng khi định giá cổ phiếu đã được đẩy lên mức rất cao.

“Không có gì là khó hiểu khi thị trường đang dao động. Tâm trạng của nhà đầu tư bây giờ là chờ xem. Tuần này có nhiều thông tin kinh tế quan trọng, gồm cuộc họp của Fed vào ngày thứ Tư và báo cáo việc làm vào ngày thứ Sáu. Ngoài ra còn có báo cáo tài chính của các công ty công nghệ vốn hóa lớn”, chiến lược gia cấp cao Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận xét.

Cổ phiếu Big Tech đã giữ vai trò dẫn dắt xu hướng tăng kéo dài của chứng khoán Mỹ, nhưng gần đây, triển vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 tăng lên đã thúc đẩy nhà đầu tư hướng sự quan tâm tới những cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình. Đây là những nhóm cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ môi trường lãi suất giảm.

“Nhà đầu tư đang chờ xem liệu dòng vốn có tiếp tục dịch chuyển khỏi cổ phiếu Big Tech để chảy sang các nhóm cổ phiếu khác, hay cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sẽ tiếp tục tỏa sáng”, bà Mahajan nói.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, giảm mạnh nhất phiên này là cổ phiếu năng lượng, với mức giảm 0,9%, do giá dầu sụt giảm.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,35 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 79,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,35 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, còn 75,81 USD/thùng.

Dầu tụt giá sau khi giới chức Israel cho biết họ muốn khu vực Trung Đông không rơi vào một cuộc chiến tranh tổng lực. Đây là phản ứng của Israel sau khi xảy ra một vụ tấn công tên lửa gây chết người vào cuối tuần vừa rồi nhằm vào khu vực Golan Heights do Israel kiểm soát.

Trao đổi với hãng tin Reuters ngày thứ Hai, hai quan chức Israel nói nước này muốn trả đũa Hezbollah - tổ chức phiến quân của Lebanon do Iran hậu thuẫn, bị Israel cho là đã gây ra cuộc không kích khiến 12 trẻ em và thiếu niên thiệt mạng - nhưng không muốn châm ngòi cho một cuộc xung đột trên diện rộng.

“Dù căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông nóng lên, nhưng không có gián đoạn về nguồn cung dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,8% và giá dầu WTI giảm 3,7% do mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc và hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

“Vấn đề kinh tế của Trung Quốc đang khiến dầu thô trở nên kém hấp dẫn”, nhà giao dịch Bob Yawger của ngân hàng Mizuho ở New York nhận định.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-nin-tho-doi-loat-du-lieu-quan-trong-gia-dau-sut-2.htm