Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc vì nỗi lo lãi suất và căng thẳng Trung Đông
Thị trường đã tăng điểm vào buổi sáng, nhưng sau đó hứng một 'gáo nước lạnh' khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng chủ chốt 4,6%, đạt mức cao nhất kể từ giưa tháng 11 năm ngoái...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (15/4), khi lợi suất trái phiếu tăng cao và mối lo về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông phủ bóng lên kết quả kinh doanh khả quan của ngân hàng Goldman Sachs và báo cáo doanh thu bán lẻ tốt hơn dự báo. Giá dầu giảm nhẹ do nhà đầu tư chờ những diễn biến tiếp theo sau khi Iran tấn công trả đũa Israel vào cuối tuần vừa rồi.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 248,13 điểm, tương đương giảm 0,65%, đóng cửa ở mức 37.735,11 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp, dù trong phiên có thời điểm tăng hơn 1%. Đây là chuỗi phiên giảm dài nhất của chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu thành viên kể từ tháng 6, xóa sạch thành quả tăng từ đầu năm và là một diễn biến gây sửng sốt vì cách đây mới vài tuần, chỉ số còn đạt gần mốc 40.000 điểm.
Chỉ số S&P 500 trượt 1,2%, còn 5.061,82 điểm, dù trong phiên có thời điểm tăng tới 0,88%. Chỉ số Nasdaq mất 1,79%, còn 15.855,02 điểm do loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa khác bị bán mạnh.
Thị trường đã tăng điểm vào buổi sáng, nhưng sau đó hứng một “gáo nước lạnh” khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng chủ chốt 4,6%, đạt mức cao nhất kể từ giưa tháng 11 năm ngoái.
Lợi suất tiếp tục xu hướng leo thang của thời gian gần đây sau khi số liệu thống kê của Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tăng 0,7% trong tháng 3 - dấu hiệu mới nhất cho thấy tiêu dùng vẫn mạnh bất chấp áp lực lạm phát. Tốc độ tăng này vượt xa mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Dù doanh thu bán lẻ khả quan là một chỉ báo tích cực về tình trạng của nền kinh tế Mỹ, dữ liệu này cũng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc tăng lãi suất. Kỳ vọng lãi suất này không có lợi cho các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu.
Áp lực bán tháo trong phiên này còn đến từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Vào đêm ngày thứ Bảy theo giờ địa phương, Iran dùng tên lửa và thiết bị bay không người lái (drone) tất công Israel, đánh dấu lần đầu tiên có một cuộc tấn công trực tiếp xuất phát từ lãnh thổ Iran nhằm vào Israel. Đây là động thái trả đũa của Tehran sau khi Israel vào đầu tháng này không kích lãnh sự quán Iran cở Sirya.
Dù cuộc tấn công trả đũa của Iran là điều đã được lường trước và Israel đã chặn được hầu hết số drone và tên lửa trong cuộc tấn công này, thị trường vẫn bất an với khả năng Israel có động thái đáp trả. Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
“Tất cả đều đang dõi theo tin tức từ Trung Đông. Mối lo về Trung Đông đang chi phối tâm lý nhà đầu tư”, Giám đốc đầu tư Alex McGrath của công ty NorthEnd Private Wealth phát biểu trên hãng tin Reuters.
Dù vậy, giá dầu thô đã chốt phiên đầu tuần trong trạng thái giảm nhẹ, sau khi Mỹ nhấn mạnh rằng nước này muốn tránh một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,25 USD/thùng, tương đương giảm 0,29%, chốt ở mức 85,41 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,35 USD/thùng, tương đương giảm 0,39%, còn 90,1 USD/thùng. So với thời điểm đầu năm, giá dầu WTI hiện đã tăng gần 14 USD/thùng, tương đương mức tăng gần 20%.
“Thị trường không cho rằng câu chuyện chiến tranh đã kết thúc. Israel vẫn có thể có một sự đáp trả mạnh tay đối với Iran”, trưởng chiến lược Helima Croft của công ty RBC Capital Markets nhận định với hãng tin CNBC.
Theo Phó chủ tịch Jorge Leon của công ty Rystad Energy, thị trường đang ước lượng khả năng Israel tiến hành một cuộc tấn công đối với Iran và liệu điều này có khởi đầu cho một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai nước. “Trong kịch bản xấu nhất, một cuộc tấn công đáp trả của Israel có thể châm ngòi cho một vòng xoáy leo thang căng thẳng, có tiềm năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng khu vực chưa từng có tiền lệ. Trong tình huống như vậy, phần bù rủi ro địa chính trị sẽ tăng mạnh”, vị chuyên gia nhận định trong một báo cáo.
Giá dầu tăng kéo theo áp lực lạm phát tăng, một lý do nữa để Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
“Lịch sử cho thấy các cú sốc địa chính trị chỉ gây ra biến động trong ngắn hạn chứ không khiến thị trường giảm trong dài hạn. Tuy nhiên, trong môi trường hiện nay, rủi ro về một thời kỳ biến động kéo dài đã tăng lên, vì có thể xuất hiện những cú sốc giá dầu do căng thẳng leo thang ở Trung Đông”, CEO Emily Bowersock của công ty Bowersock Capital Partners phát biểu với CNBC.
Cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên Dow Jones phiên này là Salesforce. Sau khi tin nói rằng Salesforce đang đàm phán để mua lại công ty quản lý dữ liệu Informatica, cổ phiếu hãng phần mềm này lao dốc hơn 7%. Trong khi đó, một trụ cột giữ cho Dow Jones không giảm sâu hơn là cổ phiếu Goldman Sachs với mức tăng gần 3%, sau khi nhà băng hàng đầu của Mỹ công bố kết quả kinh doanh quý 1 đạt kỳ vọng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong tuần trước do mối lo lạm phát cao và lãi suất cao dai dẳng. Cả Dow Jones và S&P 500 đều có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái.