Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giữ đà hồi phục, đảo ngược đợt bán tháo đầu tuần

Đây là tuần có biến động mạnh nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm đến nay...

Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/8), duy trì đà hồi phục sau phiên bán tháo dữ dội vào hôm thứ Hai và kết thúc tuần giao dịch trong trạng thái gần như lấy lại toàn bộ phần điểm số bị mất trong tuần. Giá dầu thô cũng tiếp tục đi lên và hoàn tất một tuần tăng mạnh, nhờ lạc quan về triển vọng kinh tế và khả năng lãi suất sớm giảm.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,47%, đạt 5.344,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,51%, đạt 16.745,3 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 51 điểm, tương đương tăng 0,13%, đạt 39.497,54 điểm.

Đến hết phiên này, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - chỉ còn thấp hơn 0,04% so với mức chốt của tuần trước. Trong phiên ngày thứ Sáu, có lúc chỉ số đã đạt tới trạng thái tăng tuần, nhưng cuối cùng để mất một phần thành quả tăng đó. Dow Jones - chỉ số của các cổ phiếu bluechip và Nasdaq - chỉ số với cổ phiếu công nghệ chiếm đa số giảm tương ứng 0,6% và 0,18% trong tuần này.

Đây là tuần có biến động mạnh nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm đến nay. Hôm thứ Hai, Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm và S&P 500 tụt 3%, đánh dấu phiên giảm tệ nhất kể từ năm 2022 của S&P 500.

Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ gây thất vọng mà Bộ Lao động nước này công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, cộng thêm mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã quá chậm trễ trong việc giảm lãi suất là những “thủ phạm” chính khiến nhà đầu tư ở Phố Wall bán tháo cổ phiếu. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là các quỹ phòng hộ (hedge fund) tháo chạy khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật, bằng cách bán các tài sản khác để mua vào đồng yên trả nợ.

Sau khi bán tháo vào đầu tuần, nhà đầu tư tìm cách đưa các chỉ số hồi phục. Hôm thứ Năm, động lực đã xuất hiện khi báo cáo thống kê thất nghiệp lần đầu hàng tuần khả quan hơn dự báo, giúp giải tỏa mối lo suy thoái kinh tế trước đó. Phiên ngày thứ Năm, S&P 500 tăng 2,3%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, Dow Jones tăng khoảng 683 điểm và Nasdaq tăng gần 2,9%.

Ở mức đáy phiên ngày thứ Hai, S&P 500 giảm gần 10% so với đỉnh cao gần nhất. Cùng với đó, Nasdaq chính thức rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh do giảm hơn 10% so với đỉnh gần nhất. Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall tăng lên mức đỉnh ghi nhận vào đầu đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính.

Nhà đầu tư đã quay trở lại bắt đáy cổ phiếu vì tin rằng mối lo suy thoái đã bị thổi phồng. Cùng với đó, đồng yên cũng giảm giá trở lại so với USD, giảm bớt áp lực bán cổ phiếu.

Không chỉ giá cổ mà giá trái phiếu kho bạc Mỹ cũng phiếu biến động mạnh tuần này. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm dưới 3,7%, rồi lấy lại mốc 4% trong phiên ngày thứ Năm. Cuối phiên ngày thứ Sáu, lợi suất của kỳ hạn này dao động quanh ngưỡng 3,94%.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong tuần này - Nguồn: Trading Economics.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong tuần này - Nguồn: Trading Economics.

Theo CEO Jay Hatfield của công ty Capital Advisors, biến động mạnh là một nét đặc trưng của chứng khoán Mỹ vào cuối mỗi mùa hè, khi không có nhiều thông tin kinh tế vĩ mô và mùa báo cáo tài chính bắt đầu khép lại. Ông cho rằng biến động đó không phải là chỉ báo về một nền kinh tế đang xấu đi, và chủ yếu do sự điều chỉnh vị thế của các quỹ phòng hộ thay vì các nhà đầu tư dài hạn.

“Bán tháo rồi hồi phục là chuyện bình thường trong hành vi của thị trường vào tháng 8 và tháng 9. Ngoài ra, biến động này còn do khối lượng giao dịch trên thị trường giảm xuống thấp, việc các quỹ phòng hộ điều chỉnh vị thế… Biến động đó không ảnh hưởng gì đến dự báo của chúng tôi về dài hạn”, ông Hatfield phát biểu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,5 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở mức 79,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,65 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở mức 76,84 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 3,5% và giá dầu WTI tăng hơn 4%.

Mối lo suy thoái kinh tế dịu đi, khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9, và bất ổn địa chính trị ở Trung Đông là những yếu tố đưa giá dầu đi lên trong tuần này, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng vào đầu tuần.

“Giá dầu thô đang trong trạng thái hồi phục. Căng thẳng địa chính trị có vẻ tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Mối lo suy thoái kinh tế hiện tại cũng không còn lớn như mấy hôm trước”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial phát biểu.

Diễn biến giá dầu Brent tuần này. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Diễn biến giá dầu Brent tuần này. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Hôm thứ Năm, một số quan chức Fed nói họ đã lạc quan hơn rằng lạm phát đang giảm nhiệt đủ để có thể hạ lãi suất. Ngoài ra, số liệu thống kê của Trung Quốc công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát tháng 7 của nước này cao hơn dự báo cũng có tác dụng hỗ trợ giá dầu, vì được xem là một tín hiệu của sự khởi sắc tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên nếu giá dầu lại vượt 80 USD/thùng”, nhà phân tích Pierre Veyret của công ty ActiveTrades nhận xét.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-cung-giu-da-hoi-phuc-dao-nguoc-dot-ban-thao-dau-tuan.htm