Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt hồi phục

Thị trường chứng khoán Mỹ đã lấy lại được đà phục hồi ấn tượng vào 6/8, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng hơn 1% sau khi những lo lắng về suy thoái kinh tế đã phần nào được xoa dịu...

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 294,39 điểm (+0,76%) lên 38.997,66 điểm, S&P 500 thêm 53,7 điểm (+1,04%) thành 5.240,03 điểm và Nasdaq Composite leo 166,77 điểm (+1,03%) lên 16.366,86 điểm.

Tất cả các lĩnh vực chính của S&P 500 đều kết thúc ở mức cao hơn, với bất động sản và tài chính tăng mạnh nhất.

Nhà sản xuất chip hàng đầu Nvidia cũng phục hồi gần 4%, trở thành động lực chính giúp S&P 500 và Nasdaq tăng điểm.

“Xu hướng của thị trường lập tức đảo chiều, có thể nhìn thấy rõ ở Nasdaq và S&P khi mọi người quay trở lại với kỳ vọng rằng lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ cho cổ phiếu”, Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments cho biết.

Tính từ đầu năm đến nay, Nasdaq vẫn ghi nhận mức tăng hơn 9%, được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của các công ty công nghệ và tâm lý lạc quan về trí tuệ nhân tạo.

Ở một số diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Uber tăng vọt 11% sau khi báo cáo doanh thu và lợi nhuận cốt lõi của công ty vượt qua ước tính của Phố Wall.

Caterpillar cũng nhích thêm 3% nhờ lợi nhuận quý 2 ấn tượng, phần lớn được hỗ trợ bởi giá thiết bị tăng cao hơn đã bù đắp cho nhu cầu suy giảm ở Bắc Mỹ.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,52 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,48 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ đã bác bỏ mọi ý kiến cho rằng dữ liệu việc làm tháng 7 yếu hơn dự kiến đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đang hướng tới suy thoái. Tuy nhiên, họ cùng thừa nhận rằng Fed sẽ cần cắt giảm lãi suất để tránh nguy cơ này xảy ra.

Hiện tại, thị trường đặt cược khoảng 75% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một phiên giao dịch đầy biến động vào phiên đầu tuần khi bị bao trùm bởi tâm lý tiêu cực và giới đầu tư thu hẹp các giao dịch bằng đồng yên, vốn được sử dụng để tài trợ cho việc mua cổ phiếu trong nhiều năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất vào tuần trước.

Sự kiện đáng chú ý tiếp theo là là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole (Wyoming) vào ngày 22-24 tháng 8.

GIÁ DẦU TĂNG TRỞ LẠI

Trên thị trường năng lượng, giá dầu cũng phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều tháng khi các nhà đầu tư tập trung vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 18 cent, tương đương 0,2%, ở mức 76,48 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 26 cent, tương đương 0,4%, lên 73,20 USD/thùng. Cả hai chỉ số này đều chấm dứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp.

Lo ngại về khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu, cùng với sản lượng giảm tại mỏ dầu Sharara của Libya, đã có những tác động trực tiếp lên giá.

Đà sụt giảm gần đây của tồn kho dầu thô và nhiên liệu tại các trung tâm giao dịch lớn cũng phần nào hỗ trợ cho giá dầu. Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, thị trường dầu vẫn thiếu hụt, với tồn kho dầu toàn cầu giảm khoảng 400.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024 và dự kiến giảm thêm khoảng 800.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm, theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Dù EIA hạ dự báo giá dầu trung bình cho năm nay và năm sau do những lo ngại kinh tế, nhưng cơ quan này vẫn kỳ vọng giá sẽ tăng trong những tháng tới, dự kiến giá dầu Brent sẽ dao động từ 85 đến 90 USD/thùng vào cuối năm.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-dong-loat-hoi-phuc-post553857.html