Chứng khoán Mỹ xanh rực sau cuộc họp Fed, giá dầu nhảy vọt vì tin Trung Đông

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31/7), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất và nhấn mạnh bước tiến trong tiến trình giảm lạm phát...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô nhảy hơn 4% do tin một thủ lĩnh của lực lượng Hamas thiệt mạng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,58%, đạt 5.522,3 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,64%, đạt 17.599,4 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 99,46 điểm, tương đương tăng 0,24%, đạt 40.842,79 điểm.

Trong phiên, có thời điểm Dow Jones tăng 1,1%; S&P 500 tăng 2,1% và Nasdaq tăng 3,2%, nhưng sau đó các chỉ số đã thu hẹp mức tăng.

Việc Fed không thay đổi lãi suất trong lần họp này là một quyết định không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường. Tại buổi họp báo sau cuộc họp Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói nếu dữ liệu tiếp tục mang lại niềm tin rằng lạm phát đang giảm tốc, Fed có thể sẵn sàng để hành động.

“Nếu phép thử đó được đáp ứng, chúng tôi có thể đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp tháng 9”, ông Powell nói.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết định trong Fed - thể hiện quan điểm lạc quan. FOMC nói rằng trong những tháng gần đây, tiến trình đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed đã có tiến bộ.

“Thông qua tuyên bố ngày hôm nay, Fed chuẩn bị tinh thần cho thị trường về những đợt cắt giảm lãi suất sắp tới. Với tốc độ lạm phát cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, Fed có thể giảm lãi suất mà vẫn giữ được lãi suất danh nghĩa cao hơn tỷ lệ lạm phát. Thị trường sẽ phản ứng tích cực với chuyển biến tinh tế này trong tuyên bố của Fed”, nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach của công ty LPL nhận định với hãng tin CNBC.

Báo cáo việc làm khu vực tư nhân do công ty dịch vụ tuyển dụng ADP công bố ngày thứ Tư cũng cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc, phù hợp với nỗ lực giảm lạm phát của Fed. Tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục giảm trong tháng 7 và tốc độ tăng của tiền lương giảm xuống mức thấp nhất 3 năm.

Theo báo cáo này, các công ty tư nhân của Mỹ có thêm 122.000 công việc mới trong tháng 7, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 1, so với mức 155.000 công việc mới của tháng 6 và mức dự báo 150.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tiền lương tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 6.

Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 7 - một điểm dữ liệu nữa có thể tiếp tục cho thấy thị trường việc làm dần nới lỏng, tạo điều kiện cho Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9.

Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn có màn trở lại ngoạn mục trong phiên ngày thứ Tư sau những phiên bán tháo gần đây. Nvidia tăng 12,8%, hồi lại một phần mất mát trong tháng 7 và đây cũng là phiên tăng mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ ngày 22/2. Động lực tăng của cổ phiếu Nvidia phiên này đến từ kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn dự báo của một hãng chip khác là AMD - báo cáo làm dấy lên sự lạc quan về cổ phiếu chip.

Nhiều cổ phiếu Big Tech khác như Apple, Meta Platforms và Amazon cũng tăng. Trái lại, cổ phiếu Microsoft giảm hơn 1% vì kết quả kinh doanh gây thất vọng.

Dù tăng mạnh phiên này, Nasdaq vẫn hoàn tất một tháng giảm điểm, với mức giảm 0,8%. Trong khi đó, S&P 500 tăng 1,1% trong tháng qua và Dow Jones tăng 4,4% - đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 12. Kết quả trái ngược của các chỉ số phản ánh việc nhà đầu tư trong tháng 7 đã bán mạnh cổ phiếu công nghệ và chuyển vốn sang các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,09 USD/thùng, tương đương tăng 2,66%, chốt ở mức 80,72 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,18 USD/thùng, tương đương tăng 4,26%, chốt ở mức 77,91 USD/thùng.

Đây là phiên tăng mạnh nhất của dầu WTI kể từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, tính cả tháng 7, giá dầu Brent giảm gần 7% và giá dầu WTI giảm gần 4%.

Có hai nguyên nhân chính đưa giá dầu tăng mạnh phiên này: một là dữ liệu thống kê về lượng dầu tồn kho và hai là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông lại nóng lên.

Báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn trữ thương mại của nước này giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, nhiều gấp hơn 3 lần mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của lượng dầu tồn trữ ở Mỹ, chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ tháng 1/2021.

“Hoạt động xuất khẩu dầu diễn ra mạnh mẽ đã bù lại sự suy giảm hoạt động của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Xuất khẩu dầu sôi động khiến lượng dầu thô tồn trữ giảm liền 5 tuần qua”, nhà phân tích Matt Smith của công ty dữ liệu Kpler phát biểu, cho rằng dữ liệu này “hỗ trợ nhẹ” cho giá dầu.

“Rủi ro địa chính trị vẫn là động lực chính cho giá dầu tăng ngày hôm nay”, ông Smith nói.

Căng thẳng ở Trung Đông gia tăng trở lại sau khi Chính phủ Israel hôm thứ Ba tuyên bố lực lượng của nước này đã tiêu diệt chỉ huy cấp cao nhất của lực lượng Hezbollah trong một cuộc không kích nhằm vvào thủ đô Beirut của Lebanon để trả đũa vụ tấn công tên lửa nhằm vào Israel vào tuần trước.

Ngày thứ Tư, một vụ ám sát đã nhằm vào thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh của lực lượng Hamas khi ông này đang ở Tehran, Iran, khiến vị thủ lĩnh thiệt mạng.

Trước khi tăng trở lại trong phiên này, giá dầu Brent và WTI đã giảm 1,4% trong phiên ngày thứ Tư, đóng cửa ở mức thấp nhất trong 7 tuần do khả năng sắp có một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza - một diễn biến sẽ giúp giải tỏa căng thẳng ở Trung Đông.

“Những diễn biến mới ở Trung Đông chỉ có thể giúp giá dầu hồi phục tạm thời. Trừ phi hạ tầng dầu khí bị tấn công, sự tăng giá dầu này khó duy trì”, nhà phân tích độc lập Gaurav Sharma ở London nhận định với hãng tin Reuters.

Giá dầu vẫn đang chịu ảnh hưởng bất lợi từ sự suy yếu nhu cầu dầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Kết quả khảo sát công bố ngày thứ Tư cho thấy hoạt động sản xuất ở nước này trong tháng 7 giảm 3 tháng liên tiếp.

Ngoài ra, công suất khai thác dầu dự trữ đang ở mức cao của các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng là một nguồn áp lực đối với giá dầu. Liên minh OPEC+ giữa OPEC và đồng minh gồm Nga dự kiến vào tháng 10 tới sẽ bắt đầu rút lại một chương trình cắt giảm sản lượng.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-xanh-ruc-sau-cuoc-hop-fed-gia-dau-nhay-vot-vi-tin-trung-dong.htm