Chứng khoán ngày 31/7: PVI, BID và HPG có gì đặc biệt?

Các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị gì cho các cổ phiếu PVI, BID và HPG trước phiên ngày 31/7?

Khuyến nghị Mua PVI với giá mục tiêu 64.000 đồng/cp

Chứng khoán Mirae Asset: Lợi nhuận quý 2 giảm nhẹ, 6T tăng trưởng 13%. Quý 2/2024 công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.831 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ (svck), trong khi chi phí giá vốn ghi nhận 1.564 tỷ đồng tăng mạnh hơn với mức 16,5% đã kéo lãi gộp của PVI về mức 267 tỷ đồng (+5% svck). Doanh thu từ hoạt động tài chính thấp hơn cùng với sự gia tăng của chi phí tài chính (lỗ tỷ giá) đã kéo LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) Q2/24 giảm nhẹ về mức 279 tỷ đồng (-10% svck). Tính chung nửa đầu năm, PVI đã ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu thuần đạt 3.744 (+15,2% svck) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 639 (+13,1% svck).

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Nửa đầu năm 2024 hoạt động kinh doanh thu phí bảo hiểm gốc của PVI đạt 7.069 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 24,4% svck, gấp hơn 2 lần so với mức trung bình toàn thị trường là 11,23%. Trong khi đó hoạt động tái bảo hiểm đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt 3.637 tỷ đồng. Chúng tôi lưu ý khoản chi phí giá vốn tăng mạnh do công ty tăng trích lập dự phòng bồi thường tư 50 tỷ đồng trong Q2/23 lên 253 tỷ đồng, tính chung 6T/2024 khoản chi phí này đạt 398 tỷ đồng, tang 2,2 lần svck.

Hoạt động tài chính ổn định. Doanh mục đầu tư tài chính của PVI cuối quý 2 ghi nhận tổng giá trị 14.289 tỷ đồng (+18,2%), trong đó 10.657 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và 3.632 tỷ đồng đầu tư dài hạn. Về cơ cấu tài sản, Tiền gửi bao gồm ngắn hạn và dài hạn có tỷ trọng lớn nhất với giá trị 71,59%; Đầu tư trái phiếu nắm giữ đến hạn chiếm 17,92% và cuối cùng các khoản đầu tư cổ phiếu và trái phiếu ngắn hạn chiếm 10,7%. Việc lãi suất tiền gửi giảm đã có ảnh hưởng nhẹ (-14 tỷ đồng khoảng 4,3% tổng doanh thu tài chính) đến phần lãi tiền gửi của PVI. Ảnh hướng chính làm doanh thu tài chính PVI giảm trong kì là do Q2/23 PVI ghi nhận lãi từ đầu tư cổ phiếu hơn 54 tỷ đồng so với mức chỉ 5 tỷ đồng trong Q2/24. Nhìn chung ảnh hưởng của việc giảm lãi suất huy động đến hoạt động tài chính của PVI là không đáng kể.

Tỷ lệ cổ tức hấp dẫn. Năm 2023, PVI dự kiến chi gần 750 tỷ đồng chia cổ tức 32% bằng tiền mặt, tỷ suất cổ tức trên thị giá 6,03%, là mức sinh lời hấp dẫn so với lãi tiền gửi hiện nay.

Định giá: Sau kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2024, chúng tôi kỳ vọng PVI sẽ có mức LNST tăng trưởng 12% so với năm 2023, EPS đạt 4.576 đ/cp. Kỳ vọng mức P/E mục tiêu đạt 14,1 lần (trung bình 5 năm), giá mục tiêu của PVI tương ứng đạt 64.000 đ/cp.

Khuyến nghị: PVI phù hợp với NĐT theo quan điểm mua và nắm giữ hưởng cổ tức, NĐT có thể xem xét tích lũy PVI tại vùng 52.500 – 53.500.

BID – NIM cải thiện so với quý trước; NOII tăng mạnh

Chứng khoán Vietcap (VCSC): Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) đã công bố KQKD nửa đầu năm 2024 với với thu nhập thuần từ HĐKD (TOI) đạt 37,4 nghìn tỷ đồng (+8% YoY) và LNTT đạt 15,5 nghìn tỷ đồng (+12% YoY), lần lượt hoàn thành 47% và 48% dự báo năm 2024 của chúng tôi. Tương ứng LNTT quý 2/2024 đạt 8,2 nghìn tỷ đồng (+17% YoY; +10% QoQ). Nhìn chung, KQKD nửa đầu năm 2024 của BID phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 đạt 5,9% (tổng dư nợ cho vay tăng 5,9%; số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm 6,7% so với quý 4/2023 và chiếm 0,4% tổng dư nợ tín dụng) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 13,0%. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 của BID nhìn chung tương đương với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 6,0%. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 của BID theo ngành: nông, lâm, ngư nghiệp (9,4%); sản xuất và chế biến chế tạo (4,2%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước (6,1%); xây dựng (-4,7%); bán buôn và bán lẻ (5,2%); dịch vụ (2,5%).

Tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng nửa đầu năm 2024 đạt 6,0%, so với dự báo cả năm của chúng tôi là 13,0% YoY. Tỷ lệ CASA tương đối ổn định so với quý trước, đạt 18,9%.

NIM nửa đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng NIM quý 2/2024 cải thiện so với quý trước. NIM nửa đầu năm 2024 giảm 13 điểm cơ bản YoY đạt 2,49%, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu do lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) giảm 143 điểm cơ bản. Chúng tôi cho rằng điều này có thể một phần do (1) các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, (2) thu hồi nợ xấu thấp hơn YoY và/hoặc (3) chất lượng tài sản giảm nhẹ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu trong hầu hết nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, NIM quý 2/2024 tăng 12 điểm cơ bản QoQ từ mức cơ sở thấp trong quý 1/2024, chủ yếu nhờ chi phí huy động giảm 36 điểm cơ bản mà chúng tôi cho rằng đến từ việc (1) lãi suất tiền gửi của các ngân hàng quốc doanh chưa tăng trong nửa đầu năm 2024 và (2) tiền gửi khách hàng huy động vào năm trước tiếp tục được gia hạn với mức lãi suất thấp hơn. Chúng tôi tin rằng NIM của BID có tiềm năng hoàn thành dự báo NIM năm 2024 hiện tại của chúng tôi là 2,57%.

Thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng mạnh với diễn biến khả quan trong quý 2/2024. NOII nửa đầu năm 2024 đạt 9,0 nghìn tỷ đồng (+28% YoY), hoàn thành 49% dự báo cả năm của chúng tôi, được thúc đẩy bởi (1) thu nhập phí ròng (NFI) thuần tăng 14% YoY, (2) lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối tăng mạnh 119% YoY và (2) lợi nhuận từ giao dịch và đầu tư chứng khoán tăng 124% YoY. NOII quý 2/2024 tăng 48% QoQ nhờ (1) lợi nhuận từ hoạt động giao dịch ngoại hối duy trì mức cao và (2) khoản lãi bất thường trị giá 512 tỷ đồng từ bán chứng khoán đầu tư.

Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) nửa đầu năm 2024 đi ngang YoY ở mức 32,4% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 34,9%. Trong nửa đầu năm 2024, chi phí nhân viên và chi phí quản lý hành chính lần lượt tăng 8% YoY và 12% YoY. Thông thường, CIR của BID sẽ cao hơn trong các quý cuối năm, chúng tôi cho rằng nguyên nhân có thể do tính thời vụ trong việc ghi nhận một số khoản chi phí.

Tỷ lệ nợ xấu quý 2/2024 đi ngang QoQ trong bối cảnh ngân hàng tận dụng bộ đệm dự phòng để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu quý 2/2024 đạt 1,52% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 1,20%, dựa trên kỳ vọng của chúng tôi về (1) tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và nợ xấu được xử lý cao hơn trong nửa cuối năm 2024 và (2) tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm. Tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng dự phòng trong nửa đầu năm 2024 đạt 0,65% so với tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng dự phòng trong quý 1/2024 là 0,18%. Ngoài ra, Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) quý 2/2024 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua là 132,2% (-21 điểm phần trăm QoQ; -20 điểm phần trăm YoY).

Chi phí dự phòng nửa đầu năm 2024 đi ngang YoY và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi (hoàn thành 48% dự báo cả năm của chúng tôi). Chi phí dự phòng quý 2/2024 tăng 22% QoQ, chúng tôi cho rằng nguyên nhân một phần do các khoản nợ Nhóm 2 tiếp tục được chuyển sang nợ xấu. Tỷ lệ nợ Nhóm 2 giảm 46 điểm cơ bản QoQ xuống còn 1,59%.

Khuyến nghị Mua HPG với giá mục tiêu 33.500 đồng/cp

Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Dự án Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư 85,000 tỷ đồng, được triển khai trên 280 ha tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Dự án này sẽ sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao với công suất 5.6 triệu tấn mỗi năm, nhằm phục vụ các ngành công nghiệp ô tô, đồ gia dụng và xây dựng. Phân đoạn 1 sẽ hoạt động vào đầu Q1.2025 và phân đoạn 2 vào cuối năm 2025, sử dụng công nghệ từ Tập đoàn Primetal. Khi hoàn thành, dự án sẽ nâng tổng công suất sản xuất thép thô của Hòa Phát lên trên 14.5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8.6 triệu tấn HRC.

Nhu cầu thép cán nóng vẫn còn dư địa để Hòa Phát tăng theo đuổi mục tiêu vận hành hết công suất Dung Quất 2. Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép toàn cầu tăng 1.7% năm 2024 và 1.2% năm 2025, ngoại trừ Trung Quốc. Đến hết tháng 06.2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 8.8 triệu tấn thép, chủ yếu là HRC và có xu hướng cao hơn các năm trước do thép cán nóng HRC Trung Quốc đang gặp khó về đầu ra.

Dự kiến sau khi hoàn thành và vận hành 100% công suất vào cuối 2026, dự án Dung Quất 2 sẽ đóng góp thêm vào doanh thu Tập đoàn khoảng 80,000 tỷ đồng/năm. Trong đó, LNST từ riêng dự án Dung Quất 2 ước tính đóng góp thêm cho Tập đoàn từ 9,000 đến 10,000 tỷ đồng mỗi năm từ sau 2026. Tuy nhiên, ở những năm đầu, dự kiến kết quả kinh doanh sẽ có độ trễ. Lợi nhuận hoạt động ròng sau thuế (NOPAT) cũng có sự phân hóa trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp. Chủ yếu dòng tiền thuần FCFF sẽ chịu áp lực lớn khi giải ngân đầu tư cho kỳ cuối dự án

Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp định giá chính cho dự án Dung Quất 2 là DCF và EVA với tỷ lệ đóng góp là 50% ở mỗi phương pháp và đưa ra giá bổ sung mục tiêu từ dự án này cho mỗi cổ phiếu là 11,300 đồng/CP. Như vậy chúng tôi ước tính giá mục tiêu cũng như giá trị hợp lý của HPG ở mức 33,500 đồng/CP trong trường hợp Hòa Phát có thể vận hành trơn tru dự án Dung Quất 2, upside 21% so với giá đóng cửa ngày 23/07/2024.

Rủi ro:

• Giá nguyên vật liệu thép là than cốc và quặng sắt có mức biến động rất lớn, đặc biệt là giá than cốc, có thể khiến biên lợi nhuận của Hòa Phát ảnh hưởng đáng kể.

• Bắt đầu từ 2026, cơ chế CBAM sẽ chính thức vận hành. Điều này có thể khiến khả năng cạnh tranh của thép châu Á nói chung và thép Hòa Phát nói riêng gặp khó khăn.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/chung-khoan-ngay-317-pvi-bid-va-hpg-co-gi-dac-biet-218141.html