Chứng khoán nửa cuối năm 2025 đón sóng nâng hạng, chọn mặt gửi vàng

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào nửa cuối năm với nhiều kỳ vọng lớn khi dòng tiền ngoại quay lại, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc và triển vọng nâng hạng ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần tỉnh táo trước những biến động tiềm ẩn, nhất là trong giai đoạn giao thời của chính sách thương mại toàn cầu.

Dòng tiền mới và câu chuyện tái định giá thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến vào giai đoạn bản lề của một chu kỳ tăng trưởng mới khi hàng loạt yếu tố hỗ trợ bắt đầu đồng pha. Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 - 1.758 điểm trong 6 đến 8 tháng tới, tức tăng từ 6% đến 23% so với thời điểm ngày 9/7/2025. Dự phóng này dựa trên ba trụ cột chính: Tăng trưởng EPS 15 - 21%, thanh khoản dồi dào và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9 tới.

Thị trường chứng khoán dự báo cuối năm đón sóng mới nhờ dòng tiền đầu tư của khối ngoại.

Thị trường chứng khoán dự báo cuối năm đón sóng mới nhờ dòng tiền đầu tư của khối ngoại.

VDSC cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay đang được nâng đỡ bởi nhiều nhóm ngành trụ cột. Trong đó, ngân hàng, tiện ích, bất động sản và nguyên vật liệu được đánh giá là động lực chính cho đà tăng EPS toàn thị trường. Riêng nhóm ngân hàng được dự báo sẽ hồi phục mạnh nhờ chính sách tín dụng nới lỏng, cải thiện biên lãi ròng và chi phí dự phòng giảm.

Một yếu tố không thể bỏ qua là sự trở lại của dòng tiền nước ngoài. Trong nửa đầu tháng 7, giá trị mua ròng của khối ngoại tại sàn HOSE đạt gần 11.500 tỷ đồng, cao nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng cuối năm 2022. Nhóm phân tích của Chứng khoán An Bình (ABS Research) đánh giá, đây là sự đảo chiều đáng chú ý sau một thời gian dài bán ròng, đặc biệt khi nó diễn ra đồng thời với sự suy yếu nhanh của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Kỳ vọng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tháng 9/2025 đang tạo ra lực đẩy tâm lý rõ rệt. Đại diện của FTSE từng khẳng định, việc nâng hạng sẽ giúp cổ phiếu Việt Nam lọt vào tầm ngắm của các quỹ ETF toàn cầu, với dòng vốn bị động có thể lên tới 1 tỷ USD, chưa kể lượng vốn từ các quỹ chủ động nếu Việt Nam duy trì được độ hấp dẫn về vĩ mô, lợi nhuận và định giá.

Cũng theo VDSC, bên cạnh kỳ vọng nâng hạng, chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động, linh hoạt sẽ tiếp tục giữ vai trò hỗ trợ quan trọng cho thị trường. Việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và cải cách thể chế, trong đó có tái cấu trúc đơn vị hành chính và hợp nhất bộ máy quản lý, không chỉ tạo hiệu ứng kích thích kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư.

Dòng vốn nội, đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân, vẫn là lực đỡ chủ đạo cho thị trường. Đây cũng là nhóm có tâm lý phản ứng nhanh, sẵn sàng luân chuyển dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và hưởng lợi rõ ràng từ chính sách vĩ mô như hạ tầng, ngân hàng, thép, bất động sản và tiêu dùng.

Định vị tháng 7 và chiến lược chọn cổ phiếu trước đỉnh sóng

Dù triển vọng dài hạn đang được củng cố, thị trường vẫn không tránh khỏi những dao động ngắn hạn, nhất là khi đà tăng hơn 20% của VN-Index từ tháng 4 đến nay đã tạo ra mặt bằng giá mới. Nhóm phân tích của ABS Research cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc chốt lời các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng trong thời gian qua và xoay vòng dòng tiền sang các mã đầu ngành, có nền tảng vững và định giá còn hấp dẫn.

Những chính sách và cải cách của Chính phủ sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Nguồn: VDSC

Những chính sách và cải cách của Chính phủ sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Nguồn: VDSC

Các nhóm ngành được ABS khuyến nghị tập trung trong tháng 7 bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, thép và công nghệ. Đây là các lĩnh vực được dự báo sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách nới lỏng lãi suất, đầu tư công và hiệu ứng nâng hạng thị trường. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu nằm trong rổ FTSE Vietnam Index như SSI, HCM có khả năng dẫn sóng khi dòng vốn ETF giải ngân.

VDSC cũng đánh giá cao các doanh nghiệp có lợi thế nội tại rõ ràng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay. Với nhóm ngân hàng, các mã như MBB, VPB, VCB đang được xem là lựa chọn tiêu biểu nhờ tiềm năng mở rộng tín dụng và cải thiện tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE). Trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, tiếp cận được dòng vốn và có khả năng bàn giao sản phẩm như KDH, NLG cũng được xem là điểm đến an toàn.

Với nhóm vật liệu xây dựng, cổ phiếu HPG, dẫn đầu ngành thép xây dựng được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư công trọng điểm. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có tỷ lệ nội địa hóa cao như ngành dệt may, thủy sản cũng có thể hưởng lợi nếu Việt Nam duy trì được điều kiện thuế quan thuận lợi sau đàm phán với Mỹ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo như REE, GEG hay nhà thầu xây lắp có năng lực như PC1 đang được kỳ vọng có bước tăng trưởng mới khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư vào hệ thống điện gió, điện mặt trời và lưới truyền tải thông minh trong giai đoạn 2025 - 2030.

Trong kịch bản tích cực, nếu tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hai con số trong 5 - 7 năm tới, thị trường chứng khoán hoàn toàn có thể bùng nổ như các nền kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc hay Brazil trước đây.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư của Dragon Capital, khi đó lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng bình quân 25 - 30% mỗi năm, định giá thị trường sẽ được tái định hình và chỉ số VN-Index có thể tăng từ 2 đến 5 lần trong chu kỳ dài hạn.

Hải Yên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chung-khoan-nua-cuoi-nam-2025-don-song-nang-hang-chon-mat-gui-vang-20250716202720736.htm