Thuế quan của Mỹ đang làm chao đảo các công xưởng tại Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chạy đua để thích ứng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chạy đua để thích ứng.

Velong Enterprises, một công ty chuyên thiết kế, phát triển, sản xuất và tiếp thị đa sản phẩm trên toàn thế giới, đã áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1” vào năm 2018, theo đó chuyển một số hoạt động sang Campuchia sau khi ông Trump lần đầu áp thuế quan lên Trung Quốc.

Velong hiện có một nhà máy và 400 công nhân ở Campuchia, một nhà máy ở Ấn Độ với 300 nhân viên, cùng các quan hệ đối tác liên doanh khác.

Velong Enterprises là một mô hình hợp tác kinh doanh bắt đầu vào năm 2005 khi ông Jacob Rothman, một người Mỹ, kết hợp công ty thương mại của mình ở Thượng Hải với một nhà máy nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc do ông Iven Chen sở hữu. Cơ sở sản xuất chính của Velong ở Trung Quốc đã phải gánh chịu chi phí khổng lồ.

Doanh thu cả năm của công ty, thường đạt khoảng 160 triệu USD, đang trên đà sụt giảm 20%. Ông Rothman cho biết công ty có thể phải sa thải tới 30% lực lượng lao động, vốn có thời điểm đạt đỉnh khoảng 1.000 nhân viên.

Nỗ lực thích ứng của Velong cũng đang được nhân rộng trên khắp lĩnh vực sản xuất rộng lớn của Trung Quốc, khi chính sách thuế quan của ông Trump gây khó khăn cho các công ty xuất khẩu.

Chẳng hạn, một nhà sản xuất đồ chơi có trụ sở tại Thâm Quyến đã vận chuyển 90 bộ khuôn, một số bộ nặng hơn 700 kg, đến một nhà máy họ thuê ở nước ngoài khi thuế quan có thời điểm tăng vọt lên 145% vào tháng Tư.

Sau đó, công ty lại phải chuyển chúng trở về Trung Quốc khi nước này và Mỹ đạt được thỏa thuận đình chiến 90 ngày.

Tương tự, một nhà sản xuất các sản phẩm cho thú cưng ở Quảng Đông đang tìm kiếm các thị trường khác cho mặt hàng bát ăn, sau khi các đơn đặt hàng từ Mỹ bị đình trệ do những diễn biến xoay chuyển liên tục của các cuộc đàm phán thương mại.

Tình hình vẫn còn nhiều bất ổn khi chính sách thuế quan của ông Trump giờ đây còn nhắm vào cả các trung tâm sản xuất thay thế. Campuchia phải đối mặt với mức thuế 36%, trong khi Ấn Độ đang đàm phán để giảm mức thuế đề xuất 26% xuống dưới 20%. Tổng thống Mỹ cho biết mức thuế hiện được ấn định là 55% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Chen cho biết Velong đang tìm cách phát triển ở các thị trường khác như châu Âu, nơi đang chiếm khoảng 30% doanh thu của công ty. Tuy nhiên, thị trường châu Âu quá phân mảnh, khi các quốc gia có các thị hiếu khác nhau, nên không thể thay thế được thị trường Mỹ.

Nói về các mức thuế của Tổng thống Trump, ông Rothman cho rằng các loại thuế này sẽ không thể đưa ngành sản xuất quay trở lại Mỹ, và người tiêu dùng Mỹ sẽ “lãnh đủ 100% các mức thuế” thông qua việc giá cả tăng cao.

Minh họa một cách hình ảnh, ông nói rằng nước Mỹ không muốn sản xuất những chiếc xẻng lật thức ăn, mà họ chỉ muốn ăn burger (bánh mì kẹp). Vì vậy, theo ông, việc đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ là điều không thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thue-quan-cua-my-dang-lam-chao-dao-cac-cong-xuong-tai-trung-quoc-post1050346.vnp