Chứng khoán phái sinh: Mất đà

VN-Index vừa có tuần thứ hai giảm điểm, dòng tiền đứng ngoài chưa tham gia khiến bên nắm giữ cổ phiếu dần mất kiên nhẫn, tạo áp lực lên lực cung.

Thị trường bước vào “vùng trũng” thông tin”

Sau quãng thời gian giao dịch thăng hoa trong tháng 1/2023, hiện nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu trở về quan điểm giao dịch thận trọng, khi các thông tin hỗ trợ đẩy giá tăng chưa xuất hiện. Lúc này, câu chuyện về trạng thái suy thoái kinh tế dần chiếm phần lớn sự quan tâm của dòng tiền. Thực tế, đường cong lãi suất cũng đã xác nhận các thị trường bước vào chu kỳ suy thoái.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản/

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản/

Dựa vào xu hướng từ tài sản đại diện suy thoái là lãi suất trái phiếu Mỹ, các tín hiệu đầu tiên về “bão kinh tế” bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, lãi suất trái phiếu sau nhiều tuần nằm tại vùng giảm mạnh đã hướng lên khu vực phục hồi. Lo ngại này được khẳng định khi giá dầu, kênh tài sản đại diện cho câu chuyện phục hồi kinh tế, di chuyển nhanh về lại kênh giảm. Dưới góc độ cung cầu, có thể thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng để sản xuất đã hụt nhanh trong ngắn hạn.

Xét về nhóm các tài sản rủi ro cao, hiện tại, chứng khoán và vàng vẫn duy trì giao dịch lành mạnh. Nhưng khách quan nhìn nhận, trong tuần giao dịch gần nhất, các tài sản gần như mất đà tăng, nếu có tăng trưởng thì hầu hết chỉ đến từ xu hướng tăng giá của tháng 1/2023. Hiện tượng “mất đà tăng” này thể hiện rõ với chỉ số tại thị trường Thượng Hải, khi giao dịch tích lũy trong khu vực tăng mạnh. Với chỉ số VN-Index, khả năng rung lắc trong các phiên giao dịch kế tiếp đang khá rõ nét, khi vận động giá ngắn hạn hướng về vùng suy yếu.

Tâm lý thận trọng thể hiện rõ với VN30

Ở góc độ kỹ thuật, chỉ số VN30 đã chính thức mất đà tăng. Điều này đến từ thanh khoản giao dịch trong tháng 2/2023 khá “lặng lẽ”, trước áp lực bán chốt lời tăng cường từ các vị thế mua ngắn hạn trước Tết.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Vận động mẫu hình nến từ đồ thị giá VN30 có thể thấy rõ mẫu hình nến giảm tiếp diễn. Chi tiết hơn, các nến giảm Marubozu đỏ đặc và không mang “bóng nến” cho thấy, dòng tiền mua bắt đáy chưa xuất hiện. Đây là lý do chính khiến bên nắm giữ cổ phiếu chịu áp lực tâm lý và trên sàn phái sinh, bên bán (Short) tạo sức ép, dẫn tới giá xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 50% từ Fibo. Qua đó, chỉ số này xác nhận đà giảm ngắn hạn và chuẩn bị tiếp cận ngưỡng hỗ trợ quan trọng là vùng giá 1.040.

Cơ hội để VN30 phục hồi trong thời điểm này không nhiều khi nhìn vào bức tranh thanh khoản. Cụ thể, giá giảm đều đi cùng với thanh khoản hụt đi sau mỗi phiên, cho thấy dòng tiền đứng ngoài chưa thật sự tham gia bắt đáy. Bên cạnh đó, động lượng RSI xuyên thủng kênh hỗ trợ mạnh, khẳng định các vị thế nắm cổ phiếu hiện tại trở nên mất kiên nhẫn, có thể làm gia tăng lực bán trong các phiên tiếp theo.

Biến động mạnh sẽ tạo cơ hội “lướt sóng” phái sinh

Khi VN30 xác nhận mất đà tăng, chắc chắn bên Short sẽ tìm cách tạo sức ép với hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng VN30F2302 (VN30F1M). Điều này thể hiện khá rõ trên đồ thị kỹ thuật ngắn hạn.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Sau pha “tăng kiệt sức” được xác nhận vào ngày 27/2/2023, áp lực bán bắt đầu xuất hiện. Bên Short nhanh chóng lấp lại khoảng trống giá (GAP) được tạo ra, trước khi tạo Bull trap (bẫy tăng giá) vào đầu tháng 2/2023 và triển khai áp lực bán phủ rộng hợp đồng này cho đến phiên gần nhất.

Nhưng điều này cũng không dễ dàng để nhà đầu tư đặt lệnh Short, khi vận động giá “lặng lẽ” trong suốt phiên và bất ngờ giảm trong phiên ATC. Đây cũng là một gợi ý cho chiến lược bám theo xu hướng lúc này sẽ phù hợp hơn các lệnh lướt sóng ngắn trong phiên.

Nhìn về góc độ chỉ báo xu hướng MACD, nhà đầu tư đang nghiêng về bên Short. Vùng phân kỳ dương từ Histogram đã nhanh chóng chuyển sang hướng tiêu cực sau khi cú lấp GAP. Đồng thời, bên Short cũng hành động quyết liệt, thể hiện qua phân kỳ âm từ chỉ báo động lượng RSI.

Áp lực bán tăng cường thậm chí còn xuyên thủng nền hỗ trợ tâm lý quan trọng từ Fibo 1.065 và xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn cho hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng. Ngay cả khi RSI đưa ra các tín hiệu đảo chiều tăng, bên mua (Long) với tâm lý bị ảnh hưởng từ lo ngại trạng thái kinh tế và thiếu hụt động lực tăng trưởng đã không thể giữ vững được vùng hỗ trợ tiếp theo từ Fibo 50%, vùng giá 1.050.

Nhìn chung, vận động thị trường lúc này nghiêng về trạng thái ủng hộ cho bên bán ngắn hạn với hợp đồng VN30F1M. Do vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc thực hiện mở lệnh bán trong những thời điểm giá phục hồi về mặt kỹ thuật.

Cụ thể, điểm hành động bán hợp lý tại các vùng kháng cự tâm lý quan trọng, đặc biệt là vùng giá 1.050. Trong trường hợp thị trường đón nhận được dòng tiền tham gia bắt đáy, lệnh bán nên được quản trị tại điểm giá cao hơn 1.060, với mục tiêu hướng về vùng thấp hơn 1.034.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-phai-sinh-mat-da-post314977.html