Chứng khoán – phân vân giai đoạn cuối năm

Sau chuỗi phục hồi mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn giằng co đi ngang…Trong bối cảnh TTCK trong nước vẫn đang chịu tác động khá lớn từ các yếu tố rủi ro vĩ mô toàn cầu, việc khối ngoại mua ròng bền bỉ và dài hạn là điểm sáng của thị trường. Bởi thông thường, khối ngoại có xu hướng đầu tư trong trung và dài hạn; đồng thời, dòng tiền ngoại bao gồm cả các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và có sự phân tích đánh giá kỹ lưỡng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ở thế giằng co trong nửa tháng qua. Ảnh: LÊ VŨ

Thị trường chứng khoán Việt Nam ở thế giằng co trong nửa tháng qua. Ảnh: LÊ VŨ

Phân vân cuối năm

Chỉ số Dow Jones của Mỹ sau chuỗi tăng mạnh mẽ trong tháng 10 và tháng 11, đã điều chỉnh giảm trở lại kể từ đầu tháng 12 đến nay, với mức sụt giảm hơn 5,3% tính đến phiên giao dịch đầu tuần này (19-12).

Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng ở thế đi ngang giằng co trong hơn nửa tháng qua cùng với thanh khoản sụt giảm, cho thấy dòng tiền có dấu hiệu suy yếu. Trong tuần trước, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE chỉ còn 734 triệu cổ phiếu/phiên, giảm hơn 28% so với tuần trước đó.

Chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư hiện đang thận trọng hơn, nhất là khi VN-Index nói chung và nhiều mã cổ phiếu nói riêng đã trải qua đợt phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối tháng 11, nên cũng có thể đối mặt với áp lực chốt lời, nhất là khi chiến lược của không ít nhà đầu tư hiện nay vẫn đang ưu tiên lướt sóng ngắn hạn trong bối cảnh vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Đặc biệt, càng về gần thời điểm cuối năm, tâm lý nhà đầu tư càng ngần ngại và phân vân hơn trước xu hướng của thị trường chưa rõ ràng.

Đáng lưu ý là không như những lần trước, đợt tăng lãi suất mới đây nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã không tác động quá lớn đến thị trường trong nước, do mức tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,5 điểm phần trăm của Fed đã được dự báo trước, thậm chí quyết định này còn được xem là tích cực khi xác nhận kế hoạch làm chậm lại lộ trình thắt chặt chính sách của Fed. Trước đó Fed đã có đến bốn lần liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm mỗi lần.

Nối bước ngay sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 2,5%. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên mức tăng lần này đánh dấu sự giảm đà đáng kể so với mức 0,75 điểm phần trăm trong hai lần tăng trước.

Quyết định tăng lãi suất chậm lại của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu cho thấy lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh. Đây được xem là một tín hiệu tích cực cho các thị trường.

Thực tế là bất chấp việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước liên tục đi xuống trong thời gian gần đây, đồng thời nhà điều hành đang phát tín hiệu có thể mua ngoại tệ trở lại. Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây dự báo dự trữ ngoại hối sẽ hồi phục lên mức 102 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2023, từ mức khoảng 89 tỉ đô la Mỹ hiện nay.

Ngoài ra, trước khả năng lộ trình thắt chặt của các ngân hàng trung ương sẽ chậm dần lại và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, chuyên gia VNDirect cho rằng NHNN chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới. Đáng lưu ý là mới đây các ngân hàng cũng đã đạt được đồng thuận trong giảm lãi suất tiền gửi cũng như lãi suất cho vay để giữ ổn định nền kinh tế và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Lực đỡ cho thị trường

Việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục mua ròng, cùng với việc nới thêm room tín dụng hay những tín hiệu giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đang là những động lực hỗ trợ cho TTCK Việt Nam. Hiện các nhà đầu tư tổ chức cũng tin rằng những gì tồi tệ nhất, sóng gió nhất đã qua đi trên TTCK Việt Nam.

Đơn cử như trong báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây, ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của Quỹ đầu tư Vietnam Holding Limited (VNH) cho rằng, tháng 11 là một chặng đường gập ghềnh đối với chứng khoán toàn cầu nhưng chúng ta đã kết thúc một năm đầy sóng gió trên thị trường vốn Việt Nam. Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và quỹ này kỳ vọng mức tăng trưởng GDP là 8% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023.

Thống kê cho thấy sau khi đã bán ròng khoảng 6.614 tỉ đồng trong quí 1-2022, trước lo ngại xung đột Nga – Ukraine leo thang và Fed bắt đầu nâng lãi suất, nhà đầu tư nước ngoài đã dần quay lại tích cực hơn kể từ tháng 4 và mua ròng mạnh trong đợt giảm giá sâu của TTCK vào tháng 11 vừa qua, với giá trị đạt 16.900 tỉ đồng trên ba sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5-2018 (22.800 tỉ đồng). Còn tính từ đầu tháng 12 đến phiên ngày 19-12, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 9.657 tỉ đồng trên toàn thị trường, trong đó riêng sàn HOSE đánh dấu mua ròng 13 phiên liên tiếp.

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, trong bối cảnh TTCK trong nước vẫn đang chịu tác động khá lớn từ các yếu tố rủi ro vĩ mô toàn cầu, việc khối ngoại mua ròng bền bỉ và dài hạn là điểm sáng của thị trường. Bởi thông thường, khối ngoại có xu hướng đầu tư trong trung và dài hạn; đồng thời, dòng tiền ngoại bao gồm cả các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và có sự phân tích đánh giá kỹ lưỡng.

Mới đây nhất, quỹ VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) đã nhất trí thông qua: (1) thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index; (2) thay đổi mục tiêu đầu tư và (3) thay đổi chiến lược đầu tư chính. Theo đó, với việc thay đổi chỉ số cơ sở, VNM ETF dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của Việt Nam lên 100%, tương đương với khoảng hơn 100 triệu đô la Mỹ sẽ đổ vào mua cổ phiếu Việt Nam. Ngày có hiệu lực dự kiến là 17-3-2023.

Đối với những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà đã gây ra áp lực thanh khoản và lan tỏa sang thị trường cổ phiếu trong thời gian qua, hiện Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Theo đó, nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu, thời gian đáo hạn trái phiếu… sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, khi Nghị định 65 được sửa đổi sẽ có tác động tích cực tới TTCK. Vì ngoài việc lùi thời điểm thực hiện một số quy định, dự thảo sửa đổi cũng dự kiến cho phép doanh nghiệp chuyển đổi hoặc bổ sung tài sản khác, nhờ đó giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để xoay xở. Như trước đây, doanh nghiệp bảo đảm cho trái phiếu phát hành bằng cổ phiếu, nay có thể bổ sung bằng bất động sản hoặc tài sản khác.

Một trong những rủi ro tiềm ẩn có thể tác động xấu lên thị trường và tâm lý nhà đầu tư vẫn là nguy cơ phát hiện thêm các sai phạm mới trên thị trường, từ đó tiếp tục mạnh tay xử lý vi phạm của các doanh nghiệp và khởi tố điều tra lãnh đạo doanh nghiệp.

Gần đây nhất, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đối với ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt về tội danh “thao túng chứng khoán”.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-phan-van-giai-doan-cuoi-nam/