Chứng khoán phiên 25/1: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu nào trong phiên ngày 25/1?

Cổ phiếu IDC, PHR được khuyến nghị

Chứng khoán MB (MBS):

Kết thúc năm 2023, tổng diện tích đất công nghiệp cả nước đạt 89,2 nghìn ha (tăng 1,5% so với năm trước) với mức tăng chủ yếu ở thị trường miền Bắc. Tổng diện tích đất khu công nghiệp đã cho thuê đạt khoảng 51,8 nghìn ha, tăng 2,8 nghìn ha (tăng 5,7%), tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%.

Tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%. Giá cho thuê ở miền Nam ổn định ở mức 168 USD/m2 trong khi giá cho thuê tại miền Bắc tăng 10% đạt 123 USD/m2.

Những xu hướng sẽ định hình thị trường Bất động sản Khu công nghiệp trong năm 2024: KCN truyền thống dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Đầu tư vào dự án công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường đang là xu thế hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang thị trường loại 2 nhờ nguồn cung còn lớn, giá thuê thấp.

Nhiều yếu tố hỗ trợ đi cùng thách thức mới trong phát triển Bất động sản Khu công nghiệp: Chúng tôi nhận thấy Ấn Độ và Indonesia đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao. CAGR vốn FDI vào Việt Nam 2018-2022 chỉ đạt 4%, trong khi Ấn Độ và Indonesia lần lượt đạt 9% và 13%.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu làm mất đi lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI và sẽ ảnh hưởng tới ngành Bất động sản Khu công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ những hiệp định thương mại đã ký kết, chi phí lao động và điện năng hấp dẫn. Việc nâng tầm lên đối tác chiến lược với Mỹ cũng sẽ giúp thu hút đầu tư vào phát triển công nghệ cao.

Chúng tôi ưa thích mã IDC và PHR: Do doanh nghiệp có (1) quỹ đất sạch, sẵn sàng cho thuê, cũng như vị trí giao thông thuận lợi; đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn (2) tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp (3) Định giá hấp dẫn với chính sách cổ tức cao.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MSB

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC):

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có lợi thế chi phí vốn thấp khi sở hữu tỷ lệ CASA cao và cơ cấu vay liên ngân hàng cũng ở mức cao trong hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ cũng như giúp giảm chi phí vốn của ngân hàng. Ngoài ra, chi phí huy động giảm mạnh và tỷ lệ CASA cải thiện khi nền kinh tế phục hồi trở lại cũng là yếu tố hỗ trợ cho chi phí vốn thấp của ngân hàng.

Chiến lược tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và SMEs dưới sự tư vấn của McKinsey mang đến sự đa dạng hóa trong danh mục cho vay của ngân hàng. Trong kế hoạch tài chính từ năm 2023 – 2027, MSB cũng đặt ra mục tiêu tổng tỷ trọng của khách hàng cá nhân và SMEs không nhỏ hơn 60% tổng dư nợ. Với tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ, kỳ vọng MSB có thể mở rộng NIM cũng như thu hút thêm CASA và thu nhập dịch vụ trong tương lai.

Tầm nhìn chuyển đổi số: Từ năm 2018, dưới sự tư vấn của McKinsey và BCG, MSB đã đẩy mạnh đầu tư cho số hóa nhằm bắt kịp với mô hình kinh doanh hiện đại của hệ thống ngân hàng thế giới. Việc chuyển đổi số không những giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động mà còn giúp tăng trải nghiệm người dùng, từ đó đóng góp vào kết quả kinh doanh trong những năm sau.

Tiềm năng của FCCOM: Việt Nam là thị trường màu mỡ cho mảng tài chính tiêu dùng với cơ cấu dân số vàng. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đã tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường cho vay tiêu dùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Tận dụng cơ hội này, MSB có thể đẩy mạnh dư nợ tiêu dùng thông qua kết hợp với ngân hàng số TNEX khi nền kinh tế dần hồi phục.

BVSC kỳ vọng tổng thu nhập hoạt động của MSB năm 2023, 2024 lần lượt đạt 12.822 tỷ đồng (tăng 20,0% so với năm trước) và 14.748 tỷ đồng (tăng trưởng 15%); lợi nhuận trước thuế đạt 6.210 tỷ đồng (tăng trưởng 7,3%) và 7.740 tỷ đồng (tăng trưởng 24,6%).

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho MSB với mức giá mục tiêu là 16.700 đồng/cp, tương đương mức lợi suất 18,4%.

Rủi ro: Bối cảnh vĩ mô thế giới vẫn còn nhiều bất định có thể tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng. Mảng kinh doanh trái phiếu Chính phủ (TPCP) có thể không mang lại kết quả tốt như các năm trước khi MSB đã hiện thực hóa lợi nhuận trong năm 2022 và 2023.

TCM được khuyến nghị chờ mua

Chứng khoán Kỹ thương (TCBS): Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2023 ước đạt 14,4 tỷ USD (giảm 17,3% so với cùng kỳ) khi tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp ở mức tương đối cao đã tác động đến chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ.

Theo đó, doanh thu và LNST của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã sụt giảm mạnh hơn so với trung bình ngành, đạt 3.324,8 tỷ đồng (giảm 23,3% so với cùng kỳ) và 131,9 tỷ đồng (giảm 52,8% so với cùng kỳ) dù công ty đã thực hiện đa dạng hóa sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Sang năm 2024, lượng đơn hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện tích cực hơn khi công ty hiện đã nhận khoảng 98% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng trong quý I.

TCBS đưa ra khuyến nghị chờ mua đối với TCM.

Hà Thảo

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/chung-khoan-phien-251-co-phieu-nao-duoc-khuyen-nghi-200314.html