Chứng khoán phiên cuối tuần 7/6: Thị trường ảm đạm, cổ phiếu Vận tải biển 'nổi sóng' kéo VN-Index tăng thêm hơn 4 điểm
Sau 3 phiên đi ngang, khi có thông tin liên quan đến việc ECB hạ lãi suất lần đầu tiên từ 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những nhịp bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên sáng cuối tuần 7/6. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực cầu suy yếu, thị trường thiếu các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và áp lực bán ngay kháng cự luôn thường trực, đã khiến VN-Index chỉ chạm ngưỡng 1.290 rồi nhanh chóng 'quay xe'. Đóng cửa, sàn HoSE có 180 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 4,02 điểm (+0,31%), lên 1.287,58 điểm.
Tổng thanh khoản của thị trường chứng khoán phiên 7/6 vẫn tiếp tục giảm mạnh so với phiên trước. Tính riêng trên HoSE, tổng giá trị giao dịch đạt mức 15.341 tỷ đồng, giảm 25%.
Khối ngoại lại tiếp tục bán ròng nhưng đã có dấu hiệu suy giảm so với phiên trước đó. Theo đó, khối ngoại bán ròng 475,34 tỷ đồng trên sàn HoSE, lực bán tập trung vào các mã: STB (-76,86 tỷ đồng), HDG (- 70,38 tỷ đồng), GMD (- 64,84 tỷ đồng)… Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị 1 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thị trường tăng điểm nhẹ, nhưng điểm số tăng không quá đáng kể. Chốt phiên, sàn HNX có 99 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,81 điểm (+0,33%), lên 244,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75,9 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt hơn 1.346 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,55%) lên 98,86 điểm với 226 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 95,7 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt hơn 1.104 tỷ đồng.
Một trong những điểm sáng nhỏ chính là việc dòng tiền vẫn luân chuyển khá nhịp nhàng và tạo những "con sóng" cho thị trường. Nếu trong phiên trước là sóng cổ phiếu ngân hàng, rồi đến sóng cổ phiếu ngành thép…, thì trong phiên hôm nay, các cổ phiếu ngành vận tải biển khởi sắc, đồng loạt đua nhau tăng mạnh.
Cụ thể, ngay từ đầu phiên sáng, khi có thông tin về tắc nghẽn cảng biển lan rộng tại châu Á, giá cước container dự kiến neo cao đến quý III/2024, đã giúp một cổ phiếu của CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) kéo sát trần với mức tăng 13,45% lên mức giá cao nhất kể từ đầu năm, tại 27.000 đồng/cp với thanh khoản bùng nổ, đạt hơn 724 nghìn đơn vị, gấp hơn 4 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch vừa qua.
Các cổ phiếu khác trong ngành như VTO tăng trần thành công với thanh khoản đạt gần 2,4 triệu đơn vị, HAH tăng 3,75% và khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị, một mã nhỏ là PVP đóng cửa tăng 2,26%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón vẫn duy trì mức tăng tích cực dù DCM hạ nhiệt khi đóng cửa chỉ còn tăng 1,96%, với sự đóng góp của DPM tăng 1,96%, BFC tăng 2,74%, LAS tăng 3,14%
Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm nhẹ so với thị trường, bởi PVD giảm 0,31%, BSR giảm 0,42%, PVB và PLX cùng giảm trên dưới 1%.
Ở nhóm bất động sản, các cổ phiếu phân hóa khả mạnh khi TCH có mức tăng điểm khả tốt, đóng cửa tăng 3,09%, KDH tăng 2,19%, NLG giữ được sác xanh, trong khi cổ phiếu tăng nóng nhịp vừa rồi là NHA đã có phiên bán tháo với thanh khoản lớn, gần 2,7 triệu đơn vị và kết phiên với mức giảm 5,54%, HDG cũng giảm trên dưới 1%.
Về mức độ ảnh hưởng, TCB, SAB, FPT là 3 mã cổ phiếu đóng góp tích cực vào chỉ số chung với mức đóng góp lần lượt là 0,94 điểm, 0,75 điểm và 0,74 điểm. Ngược lại, VCB, BID, VPB là những mã có tác động tiêu cực nhất, nhưng mức tác động không đáng kể. Tại nhóm VN30, các cổ phiếu cân bằng với tỷ lệ tăng/giảm là 13/12. Chỉ số VN30 tăng 5,75 điểm lên mức 1.308,03 điểm.