Chứng khoán tăng liên tiếp, mốc 1.300 điểm có dễ chinh phục?
Khép lại tháng 3, chứng khoán trong nước nối dài chuỗi tăng điểm 5 tháng liên tiếp. VN-Index đang đứng trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm, giới phân tích dự báo thận trọng tại vùng điểm này và khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua mới, tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm.
Tuần qua, chứng khoán đón nhận nhiều tin tức tích cực về tình hình kinh tế trong nước với nhiều điểm sáng và cũng là tuần giao dịch đặc biệt khi toàn bộ nhà đầu tư tại VNDirect phải đứng ngoài thị trường.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020 - 2023. Moody’s nâng hạng tín nhiệm đối với các ngân hàng Việt Nam. Nhóm ngân hàng, dẫn đầu là TCB có phản ứng tích cực, trở thành đầu kéo VN-Index tăng mạnh nhất tuần qua.
Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định không vội hạ lãi suất cũng mang lại tâm lý tích cực thị trường chứng khoán. Dow Jones trở lại đỉnh lịch sử trong khi thị trường chứng khoán ở nhiều quốc gia, khu vực cũng ghi nhận đà tăng... đã giúp chứng khoán Việt Nam ghi nhận tháng tăng điểm thứ 5 liên tiếp.
Ông Phạm Bình Phương - chuyên viên phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, dẫn dắt đà tăng của VN-Index tuần qua là 2 mã cổ phiếu ngân hàng TCB và VPB, mức tác động lần lượt là 2,3 điểm và 1,85 điểm. Trong 3 phiên cuối tuần, VN-Index vượt thành công mốc 1.290 nhưng áp lực bán sau đó đã đẩy chỉ số chính lùi lại chốt tuần tại 1.284 điểm, tăng 2,29 điểm (+0,18%) so với cuối tuần trước.
Khối ngoại duy trì áp lực bán mạnh trong tuần với tổng giá trị bán ròng 4.720 tỷ đồng. MSN là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 1.500 tỷ đồng, tiếp đến là VND 807 tỷ đồng và VHM xếp thứ 3 với giá trị 738 tỷ đồng.
Ông Phương cho rằng, áp lực bán vùng trên 1.290 hiện khá lớn và rủi ro điều chỉnh đang dần xuất hiện. Giai đoạn hiện tại, VN-Index có thể duy trì giằng co trong khoảng 1.285 – 1.310 điểm.
Chuyên gia từ Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định, thị trường đã có 5 tháng tăng điểm liên tiếp, do vậy, các cổ phiếu có mức tăng bình quân hấp dẫn sẽ kích thích nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, với việc dòng tiền nội vẫn hỗ trợ mạnh bất chấp đà bán ròng của khối ngoại nên thị trường vẫn giữ vững trên mốc 1.280 điểm.
Phiên giảm điểm cuối tuần qua có thể là tín hiệu không tích cực về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, một phiên giảm điểm chưa đủ dấu hiệu để xác nhận thị trường đơn thuần chốt lời, hay có dấu hiệu phân phối. Trong bối cảnh ấy, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng.
VN-Index tiếp tục tăng điểm tuần thứ 3 liên tiếp nhưng vẫn chưa vượt cản 1.300 điểm. Nhóm phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường đã hình thành nền tích lũy đủ tốt để vượt cản, nhưng có thể khoảng thời gian tích lũy trong kênh 1.250-1.300 điểm sẽ còn kéo dài, bởi ngưỡng cản 1.300 điểm là cản mạnh và quan trọng.
Chứng khoán SHS nhận định, thời gian tích lũy càng dài, quá trình vượt cản càng tin cậy. Nhà đầu tư ngắn và trung hạn đều có thể tham gia vào thị trường ở giai đoạn hiện tại với kỳ vọng VN-Index sẽ bùng nổ vượt cản xác nhận uptrend (xu hướng tăng).
Chuyên gia từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), KB Việt Nam (KBSV) đưa góc nhìn thận trọng hơn, khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua mới lúc này, tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm.
Theo KBSV, nhiều khả năng VN-Index tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong những phiên tới và bỏ ngỏ rủi ro xuất hiện những nhịp phân phối tiêu cực. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.