Chứng khoán tăng mạnh, có lo ngại nguy cơ bong bóng?
Bất chấp dịch bệnh COVID-19 đang quay trở lại và diễn biến phức tạp, dòng tiền vẫn đang ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu liên tục tăng nóng…Một số ý kiến bắt đầu lo ngại về nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán.
Một số ý kiến bắt đầu lo ngại về nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán.
Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 5/2021 tăng vọt lên mức 113.674 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).
Cũng trong tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 433 tài khoản, thấp hơn khoảng 100 tài khoản so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 633 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.
Như vậy, tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.
Trước đợt giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng “nóng” trong suốt một thời gian dài. Đà tăng có thể nói là mạnh nhất kể từ đợt bùng dịch thứ nhất vào hồi đầu năm 2020 cho đến nay.
Việc chứng khoán tăng mạnh dẫn đến các nhận định là thị trường đang tăng tới mức tiềm ẩn nguy cơ nổ “bong bóng”, và đang đi ngược với sự phát triển của nền kinh tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,68% so với đầu năm, cách rất xa mục tiêu tăng 11,9% mà ngành ngân hàng đặt ra cho cả năm 2021. Điều này cho thấy dòng tiền vào kênh tiết kiệm đang bị chia sẻ với các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Chính dòng tiền cá nhân chảy mạnh vào thị trường đã giúp chỉ số chứng khoán liên tục thăng hoa trong thời gian qua khiến nhiều người liên tưởng tới diễn biến của thị trường cổ phiếu Trung Quốc giai đoạn 2015.
Cụ thể, từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2015, số lượng tài khoản mở mới trên thị trường Trung Quốc ghi nhận con số 30 triệu. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng từ 2.000 điểm lên 5.500 điểm chỉ trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, sau đó rơi mạnh trong vòng 3 tháng sau đó, thổi bay 5.200 tỷ USD giá trị vốn hóa, do nhiều nhà đầu tư bán tháo để thanh lý các giao dịch ký quỹ.
Hiện tượng tại Trung Quốc cách đây hơn 5 năm khiến nhiều người lo sợ thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn này có thể sẽ ‘ vỡ bong bóng.
Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cần nhìn vào chu kỳ tăng trưởng của hai thị trường ở hai thời điểm để thấy có sự khác biệt. Thực tế, cú vỡ của bong bóng chứng khoán Trung Quốc năm 2015 phần nào bắt nguồn từ việc nền kinh tế nước này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế chậm lại là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi, mặc dù mức định giá không phải đắt nếu so với các thị trường trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, mọi chuyện sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng với sự đầu cơ quá mức có thể hình thành từ nhà đầu tư cá nhân.
Nguy cơ bong bóng chứng khoán được nhiều nước cảnh báo, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bong bóng tài sản có thể xảy ra tại một số nước có các gói cứu trợ lớn, Chính phủ bơm “tiền tươi” ngập thị trường, người dân mang tiền đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguy cơ bong bóng khó xảy ra do các gói cứu trợ chủ yếu bằng cơ chế chứ không phải bằng tiền mặt.