Chứng khoán Techcombank và tham vọng vươn ra thế giới
TCBS là công ty chứng khoán hiếm hoi ở Việt Nam suy nghĩ tới việc đầu tư sang thị trường nước ngoài.
CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) mới đây công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) năm 2025, trong đó đề xuất thực hiện đầu tư gián tiếp tại thị trường nước ngoài với mức vốn dự kiến 3.000 tỷ đồng.
TCBS cho biết kể từ năm 2025, công ty dự kiến sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường nước ngoài, từ đó đầu tư gián tiếp tại các thị trường này nhằm đa dạng hóa danh mục, tận dụng cơ hội tăng trưởng từ những thị trường tài chính lớn nhất thế giới.
Thị trường đầu tư bao gồm những quốc gia được những tổ chức phân loại quốc tế như MSCI, FTSE Russell phân loại là thị trường phát triển và thị trường mới nổi.
Nguồn vốn đầu tư đến từ vốn chủ sở hữu của công ty và các nguồn vốn khác nếu có. Công cụ dự kiến đầu tư bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu, tín phiếu được xếp hạng tín nhiệm quốc tế và các công cụ tài chính khác như chứng khoán phái sinh, chứng chỉ quỹ đầu tư chuyên biệt khác.
Về hình thức đầu tư, TCBS chọn hình thức trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư thông qua việc ủy tác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
TCBS là công ty hiếm hoi ở Việt Nam suy nghĩ tới việc đầu tư sang thị trường nước ngoài.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, đa phần các công ty chứng khoán trong nước mới chỉ đầu tư các sản phẩm tài chính trong nước. Cùng với đó là các công ty chứng khoán nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chứ chưa có chiều ngược lại.
Cùng với kế hoạch xuất ngoại, TCBS cũng trình nhiều tờ trình quan trọng tại ĐHCĐ 2025. Theo đó, công ty sẽ xin ý kiến về việc niêm yết 5.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng đã được HĐQT thông qua phát hành vào cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, TCBS cũng sẽ trình đại hội về phương án sử dụng 1.376 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho 25 nhà đầu tư chuyên nghiệp là lãnh đạo cấp cao và các tổ chức/cá nhân có đóng góp quan trọng.
Theo phương án đề xuất, doanh nghiệp sẽ dùng 482 tỷ đồng cho môi giới chứng khoán và cho vay margin. Còn lại gần 895 tỷ đồng dùng vào hoạt động tự doanh.
TCBS là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Cuối năm 2024, tổng tài sản TCBS đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.
Cơ cấu chủ yếu là các khoản cho vay hơn gân 26.000 tỷ đồng, tăng 56% và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) hơn 17.600 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng cộng hai khoản mục này đã chiếm đến 82% tổng tài sản.
Tại các tài sản tài chính AFS, phần lớn nguồn lực của TCBS dành để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, giá trị hơn 15.300 tỷ đồng, tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với năm trước đó.
TCBS cũng là công ty chứng khoán đứng số một thị phần môi giới trái phiếu tại Việt Nam.
Đáng chú ý, quy mô nợ vay margin của TCBS cũng lập kỷ lục mới trong năm 2024, đạt gần 26.000 tỷ đồng.
Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 22% lên hơn 9.300 tỷ đồng. Lợi nhuận kế hoạch tăng trưởng 20% lên hơn 5.700 tỷ đồng.