Chứng khoán toàn cầu lao dốc

Báo cáo việc làm tháng 7 đáng thất vọng của Mỹ làm dấy lên lo ngại nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể đang rơi vào suy thoái

Đợt bán tháo làm rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới ngày 5-8 khiến giới đầu tư do dự "bắt đáy" cổ phiếu giá rẻ. Nỗi lo gia tăng về viễn cảnh kinh tế Mỹ suy thoái và kết quả kinh doanh thất vọng của các công ty công nghệ đe dọa khiến giá cổ phiếu tiếp tục giảm.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán châu Á lao dốc mạnh trong ngày đầu tuần. Làn sóng bán tháo lớn đến mức khiến một số sàn giao dịch phải tạm "ngắt mạch".

Tại Nhật Bản, theo đài CNN, chỉ số Nikkei 225 của các cổ phiếu hàng đầu giảm đến 4.451 điểm, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Biến động ở Nhật Bản bắt đầu vào tuần trước khi Ngân hàng Trung ương (BOJ) tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay và công bố kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu.

Các nhà giao dịch dự đoán sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay khi BOJ cố gắng kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đã giảm tới 10,8%, kích hoạt cơ chế ngắt mạch lần đầu tiên kể từ tháng 3-2020. Đây là biện pháp hạn chế giao dịch được kích hoạt khi chỉ số giảm hoặc tăng hơn 8%, tạm dừng giao dịch cổ phiếu và sản phẩm phái sinh trong 20 phút.

"Thị trường đã bước vào vùng cực kỳ sợ hãi trong bối cảnh cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn tại Mỹ sụt giảm, nỗi lo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và sự sụt giảm mạnh ở các thị trường châu Á" - ông Kim Dae-jun, nhà phân tích tại Công ty cung cấp dịch vụ tài chính Korea Investment Securities (Hàn Quốc), đúc kết.

Các nhân viên tại Sở Giao dịch chứng khoán Nagoya ở TP Nagoya - Nhật Bản hôm 5-8. Ảnh: Reuters

Các nhân viên tại Sở Giao dịch chứng khoán Nagoya ở TP Nagoya - Nhật Bản hôm 5-8. Ảnh: Reuters

Cũng tại châu Á, các chỉ số S&P/ASX 200 của Úc, Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) và Shanghai Composite của Trung Quốc cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Còn tại châu Âu, nhiều chỉ số chứng khoán quan trọng cũng chứng kiến đà giảm lúc mở phiên ngày 5-8, như STOXX 600, CAC 40 (Pháp), IBEX (Tây Ban Nha), FTSE 100 (Anh)… Điều này cũng xảy ra với các chỉ số chứng khoán tương lai ở Mỹ.

Theo đài CNBC, báo cáo việc làm tháng 7 gây thất vọng của Mỹ được công bố ngày 2-8 đã làm dấy lên lo ngại nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể đang rơi vào suy thoái, từ đó khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn lo lắng Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang suy giảm. Tại cuộc họp vào tuần rồi, FED quyết định duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ. Theo Reuters, các thị trường giờ đây dự báo FED sẽ không chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 mà mức cắt giảm có thể lên đến 0,5 điểm %.

Trước mắt, các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ trong vòng 12 tháng tới lên 25%, so với mức 15% trước đó. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng mối đe dọa suy thoái bị hạn chế nhờ phạm vi nới lỏng chính sách của FED.

Dự báo mới nhất của ngân hàng này là FED sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần vào các tháng 9, 11 và 12 với mức cắt giảm là 0,25 điểm % mỗi lần. "Tiền đề cho dự báo của chúng tôi là tăng trưởng việc làm sẽ phục hồi trong tháng 8 và FED sẽ đánh giá mức cắt giảm 0,25 điểm % là đủ để đối phó với bất kỳ rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế nào" - các chuyên gia của Goldman Sachs giải thích.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo nếu báo cáo việc làm trong tháng 8 tiếp tục yếu như tháng 7, khả năng FED cắt giảm 0,5 điểm % vào tháng 9 là rất cao.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) thậm chí kém lạc quan hơn khi dự báo xác suất kinh tế Mỹ suy thoái là 50%. Ông Michael Feroli, chuyên gia của JP Morgan, kỳ vọng FED sẽ cắt giảm 0,5 điểm % tại cuộc họp tháng 9, sau đó có thêm một lần cắt giảm 0,5 điểm % nữa vào tháng 11. Giới đầu tư cũng ngày càng tin rằng các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ nới lỏng mạnh mẽ hơn.

VN-Index bốc hơi gần 50 điểm

Ở thị trường trong nước, kết quả phiên giao dịch ngày 5-8, VN-Index rớt tổng cộng hơn 48 điểm, lùi sâu về 1.188,07 điểm; HNX giảm mạnh 8,85 điểm, còn 222,71 điểm. Một loạt cổ phiếu dòng bất động sản đóng cửa với giá sàn; cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, công nghệ… đều lao dốc mạnh. Toàn thị trường có 754 mã giảm giá, 148 mã tăng giá và 127 mã giảm giá sàn.

Thanh khoản trên sàn HoSE xấp xỉ 24.000 tỉ đồng. Thị trường chứng khoán có phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 4-2024 đến nay. Với phiên giảm mạnh hôm 5-8, thị trường chứng khoán đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 4 đến nay. Áp lực giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu cuối tuần qua và đà bán tháo của các thị trường lớn ở châu Á ngày đầu tuần khiến giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam lo lắng.

Nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng và không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi VN-Index thủng đáy, trong nhiều tháng qua sau phiên phục hồi mạnh vào cuối tuần trước. Một loạt cổ phiếu đã bốc hơi 40%-50% chỉ trong vài tuần qua, bất chấp những thông tin tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 của doanh nghiệp niêm yết; dữ liệu kinh tế trong nước phục hồi, khởi sắc…

Thái Phương

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chung-khoan-toan-cau-lao-doc-19624080520452377.htm