Chứng khoán toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong một năm
Chứng khoán toàn cầu chạm mức cao nhất trong một năm, còn giá đô la Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong năm tháng, khi giới đầu tư ngày càng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào đầu năm sau.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 28-12, chỉ số MSCI All-Country World Index, theo dõi gần 3.000 cổ phiếu tiêu biểu ở 48 thị trường phát triển và mới nổi, tăng 0,46%, lên mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 10-2022. Trong khi đó, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY), theo dõi biến động giá của đồng bạc xanh so với một rổ sáu ngoại tệ mạnh, giảm 0,51%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27-7. Cùng ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm về mức thấp nhất trong năm tháng.
Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,21%, trong khi hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi ngang. Còn tại châu Âu, chỉ số Stoxx tăng 0,21%. Tại châu Á, Chỉ số MSCI AC Asia-Pacific, không bao gồm Nhật Bản, theo dõi hơn 1.300 cổ phiếu có vốn hóa lớn và trung bình ở bốn thị trường phát triển và chín thị trường mới nổi, tăng 1%, lên mức cao nhất trong bốn tháng.
Chỉ số cổ phiếu bluechip CSI300 của Trung Quốc tăng 0,35% sau khi dữ liệu cho thấy, lợi nhuận của các ngành công nghiệp ở nước này tăng với tốc độ hai con số trong tháng 11, đồng thời hoạt động sản xuất tổng thể cải thiện. Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Tuy nhiên, các chỉ số cổ phiếu của Nhật Bản đang hướng tới mức tăng hàng năm lớn nhất trong một thập niên trong bối cảnh đồng yen suy yếu, doanh nghiệp tăng tốc cải cách quản trị và các dấu hiệu cho thấy lạm phát tăng ổn định. Chỉ số chuẩn Topix của chứng khoán Nhật Bản dự kiến đạt mức tăng hàng năm là 25% và chỉ số Nikkei 225 dự kiến sẽ tăng 28% trong năm nay, đánh dấu các mức tăng tốt nhất kể từ năm 2013.
Triển vọng của thị trường chứng khoán Nhật Bản trở nên sáng sủa hơn khi nhà đầu tư giải pháp thay thế cho cổ phiếu ở Trung Quốc. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy với các công ty cải cách quản trị để cải thiện giá trị doanh nghiệp. Tình trạng suy yếu của đồng yen cũng giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu bao gồm các hãng xe. Nhờ các quyết định đặt cược của tỉ phú Warren Buffett, cổ phiếu của các tập đoàn thương mại của Nhật Bản lên các mức cao kỷ lục.
Thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến tích cực trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng kỳ vọng rằng, các ngân hàng trung ương của phương Tây như Fed và ECB sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2023.
“Lạm phát giảm nhanh, có thể khiến Fed phải giảm lãi suất sớm và nhanh chóng. Chúng tôi dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất ba đợt liên tiếp, mỗi đợt 25 điểm cơ bản, vào tháng 3, tháng 5 và tháng 6 của năm 2024. Sau đó, Fed sẽ giảm lãi suất mỗi đợt 25 điểm qua từng quí, cho đến khi lãi suất xuống biên độ 3,25-3,5% vào quí 3-2025. Dự báo của chúng tôi là sẽ có 5 đợt giảm lãi suất vào năm 2024 và 3 đợt giảm nữa vào năm 2025”, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, viết trong một báo cáo.
Các nhà phân tích khác nhấn mạnh, rủi ro lớn đối với các thị trường là lãi suất có thể không giảm sớm như kỳ vọng. “Nếu Fed giảm lãi suất vì lạm phát đã giảm mạnh đến mức đến Fed không muốn chính sách tiền tệ vô tình quá thắt chặt, đó có lẽ là một kịch bản tốt”, Lou Brien, nhà chiến lược thị trường của DRW Trading ở Chicago, nói. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu Fed giảm lãi suất vì nền kinh tế suy yếu, đó là kịch bản không tốt cho thị trường chứng khoán.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường đang đặt cược 80% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 3-2024, và sẽ giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản trong cả năm 2024, tương đương với sáu đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản.
Cùng ngày, giá dầu Brent và dầu Tây Texas (WTI) lần lượt giảm 1,81% và 2,02% về mức 76,6 và 74,04 đô la Mỹ mỗi thùng. Cổ phiếu của Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, giảm giá hơn 4,5% và các cổ phiếu vận tải biển khác cũng giảm giá, đánh mất một phần thành quả tăng giá trong tháng này nhờ các kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn hàng hải ở Biển Đỏ sẽ đẩy giá cước vận chuyển container tăng cao.
Dữ liệu lịch trình mới nhất của Maersk cho thấy, hầu hết tàu container của hãng hoạt động giữa châu Á và châu Âu giờ đây sẽ đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Hồi giữa tuần trước, Maersk và các hãng vận tải biển khác đã chuyển hướng hàng trăm tàu container, đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng của Nam Phi để tránh nguy cơ bị phiến Houthi tấn công ở Biển Đỏ.
Theo Reuters, Bloomberg