Chứng khoán tuần 13/1 - 17/1: VN-Index có thể về vùng 1.200 điểm trước nhiều áp lực
VN-Index liên tục trong sắc đỏ; Lịch trả cổ tức; Nhà đầu tư lưu ý vùng 1.200 điểm...
VN-Index giảm 24 điểm
Thị trường tiếp tục kết thúc 1 tuần giao dịch chìm trong sắc đỏ với lực bán chiếm ưu thế, tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30. VN-Index giảm về 1.230 điểm, tổng 5 phiên giao dịch, VN-Index đã giảm 24 điểm, trong đó, riêng phiên cuối tuần, chỉ số đã giảm hơn 15 điểm.
Thanh khoản yếu với 12.900 tỷ đồng trên cả 3 sàn: HOSE, HNX và UPCoM, trong đó sàn HOSE đạt 11.235 tỷ đồng với 338 mã giảm (4 mã nằm sàn) ,78 mã tăng (4 mã tăng trần) và 40 mã đi ngang.
Rổ VN30 với 27/30 mã giảm mạnh. Ngoài ra, cổ phiếu HAP (Hapaco, HOSE) cũng đảo chiều giảm sàn, YEG (Yeah1, HOSE) tiếp tục giảm hết biên độ. Nhiều mã vốn hóa vừa và lớn như TCH Tài chính Hoàng Huy, HOSE), PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE), VIX (Chứng khoán VIX, HOSE), DXG (Bất động sản Đất Xanh, HOSE),... giảm trên 3%.
Trong đó, đáng chú ý, NVL (Novaland, HOSE) giảm mạnh 3,2%, thủng mốc 10.000 đồng/cp, xác lập mức đáy lịch sử với thanh khoản 8,7 triệu đơn vị.
Về giao dịch khối ngoại, trạng thái mua ròng xuất hiện vào đầu tuần nhưng nhanh chóng bán mạnh với lũy kế 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài đã bán 1.314 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Các chuyên gia đánh giá, chứng khoán Việt Nam đang trải qua tuần giao dịch kém sắc khi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư (NĐT) tăng mạnh, đi kèm thanh khoản nhiều phiên về mức thấp nhất hơn 1 năm qua khiến chỉ số chính "phá" đáy ngắn hạn 1.240 điểm.
Dabaco được kỳ vọng dẫn đầu kết quả kinh doanh quý 4/2024 và cả năm 2024
Theo báo cáo phân tích từ Chứng khoán FPT (FPTS), Dabaco (DBC, HOSE) là doanh nghiệp được dự báo "vô địch" tăng trưởng lợi nhuận trong quý 4/2024. Theo đó, DBC được dự phóng lợi nhuận sau thuế tăng 3.557% (tương ứng gấp 36 lần). Cả năm 2024, Dabaco có thể ghi nhận 766 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 2.964% so với cùng kỳ.
Đối với một vài nhóm ngành triển vọng, FPTS cho rằng, với nhóm ngân hàng, VPBank (VPB, HOSE) sẽ là "ngôi sao" tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho quý 4/2024 với mức tăng 77%, đạt mức 4.800 tỷ đồng. Kế tiếp là MBBank (MBB, HOSE) cũng đạt kết quả ấn tượng, với mức tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt là 32% trong quý 4/2024.
Tổng cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế VPBank và MBBank được dự báo tăng lần lượt 73% và 10%.
Với nhóm Bán lẻ, Thế giới di động (MWG, HOSE) được dự báo tăng trưởng 1.566% về lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2024, con số này thậm chí còn tăng lên tới hơn 2.500% cho cả năm 2024.
Đối với ngành dầu khí, FPTS dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành sẽ có sự phân hóa. Những cái tên tăng trưởng dương như PV DRILLING (PVD, HOSE), Petrolimex (PLX, HOSE), PV TRANS (PVT, HOSE) với mức tăng nhẹ dưới 10%. Trong khi đó, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp khác trong nhóm dầu khí "đi lùi" như Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS, HNX), PV GAS (GAS, HOSE).
Những nhóm ngành tiềm năng của kỷ nguyên mới
Trong báo cáo chiến lược với chủ đề "Kỷ nguyên mới", SSI Research đánh giá những cải cách đang được thực thi bắt đầu từ cuối năm 2024 bao gồm thực hiện tinh gọn bộ máy Chính phủ, quyết tâm đẩy nhanh đầu tư công vào hạ tầng, và giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, nếu thành công, sẽ là ba yếu tố trong nước có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng 2025.
Môi trường chính sách có khả năng duy trì thuận lợi cho ngành bất động sản khi lãi suất sẽ không tăng quá nhiều từ mức hiện tại cùng tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy mạnh, thúc đẩy đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tăng giá bất động sản.
Dựa vào những phân tích trên, SSI Research đặt kỳ vọng vào các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công nghệ thông tin trong năm nay. Ngành bán lẻ vẫn là ngành ưu tiên lựa chọn trong năm 2025, với kỳ vọng tiêu dùng nội địa sẽ dần hồi phục và tăng trưởng về dài hạn.
Đồng thời, SSI Research kỳ vọng VN-Index có thể chạm mức 1.450 điểm vào cuối năm 2025.
SSI Research điểm danh những cổ phiếu có triển vọng tích cực năm 2025: HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), MWG (Thế giới Di động, HOSE), FPT (FPT, HOSE), DPR (Cao su Đồng Phú, HOSE), CTD (Cotecoons, HOSE), NT2 (Dầu mhis Nhơn Trạch 2, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), ACV (Hàng không Việt Nam, HOSE) và KDH (Nhà Khang Điền, HOSE).
Nhận định và khuyến nghị
Ông Phạm Duy Hiếu, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, nhận định, VN-Index khép lại tuần với mức giảm 24.11 điểm (-1.92%), đóng cửa tại 1,230.48, thị trường phản ánh tâm lý thận trọng của NĐT trong bối cảnh thị trường liên tục giảm điểm, khối ngoại bán ròng trở lại trước sự biến động từ đồng USD mạnh lên.
Dù vậy, thị trường vẫn duy trì trong vùng biên độ an toàn 1.200 - 1.300 điểm, mở ra cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư trung và dài hạn.
Trước mắt, nền tảng vĩ mô vững chắc vẫn sẽ là cơ sở cho sự đi lên của thị trường chứng khoán, bất chấp những bất lợi ngắn hạn.
Cụ thể, GDP quý 4/2024 tăng trưởng 7,55%, mức cao nhất trong năm, khẳng định sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế; Tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%, vượt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước, cho thấy nhu cầu vay vốn gia tăng, thúc đẩy vòng quay kinh tế; Dòng vốn FDI bùng nổ: Tháng 12/2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về FDI, đặc biệt là dòng vốn chảy vào bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN).
Song, thị trường đứng trước một số áp lực như áp lực tỷ giá khi đồng USD tăng giá, cùng với việc đồng VND chịu áp lực mất giá, kéo theo dòng tiền khối ngoại tiếp tục rút ròng mạnh trong tháng 12.
Vì vậy, trong ngắn hạn, NĐT được khuyến nghị, quan sát thị trường tại vùng 1.200 điểm, đây là cơ hội để gia tăng cổ phiếu với mức giá chiết khấu, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện tăng trưởng tốt từ nội tại doanh nghiệp với định giá hấp dẫn. Như các ngân hàng quốc doanh với tín dụng tăng trưởng cao; khả năng kiểm soát tốt nợ xấu tốt: CTG (VietinBank, HOSE), BID (BIDV, HOSE); Bất động sản khu công nghiệp: Hưởng lợi từ làn sóng FDI, tập trung vào các mã như SIP (Sài Gòn VRG, HOSE), BCM (Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, HOSE), IDC (IDICO, HNX).
Chứng khoán BSC khuyến nghị, trong những phiên giao dịch tới, chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống vùng hỗ trợ 1.210 - 1.220 điểm hoặc xa hơn là 1.200 - 1.205 điểm.
Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, về mặt kỹ thuật, chỉ số đang phát tín hiệu có khả năng giảm về vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm, cũng là vùng giá mục tiêu của mô hình hai đỉnh nhỏ, công ty kỳ vọng chỉ số sẽ tạo đáy trở lại trong vùng này. Chiến lược chung cho NĐT là giữ tỷ trọng ở mức trung bình và quan sát tín hiệu tại vùng hỗ trợ để cân nhắc tham gia trở lại khi có diễn biến tích cực.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 8 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 13/1 đến 17/1/2025, trong đó, 4 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu, 2 doanh nghiệp phát hành thêm và 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu trong tuần này.
Tỷ lệ cao nhất là 150%, thấp nhất là 4%.
1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
CTCP Mía Đường Lam Sơn (LSS, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền 14/1, tỷ lệ 7%.
2 doanh nghiệp phát hành thêm:
CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền 17/1, tỷ lệ 40%.
CTCP Xây dựng DIC Holdings - DIC Cons (DC4, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền 14/1, tỷ lệ 50%.
1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu:
CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền 15/1, tỷ lệ 150%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.