Chứng khoán tuần 16/9 - 20/9: Một số nữ lãnh đạo bán mạnh cổ phiếu

VN-Index giảm hơn 22 điểm qua 1 tuần giao dịch, loạt nữ lãnh đạo bán mạnh cổ phiếu, thị trường chờ tín hiệu quan trọng, cổ phiếu ACB được kỳ vọng tăng 28%, lịch trả cổ tức.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

/9VN-Index giảm 22,25 điểm

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index giảm 22,25 điểm (tương đương mức giảm 1,75%) xuống còn 1.251,71 điểm.

Dòng tiền đổ vào thị trường có phần kém sôi động, giảm 21,3% so với giá trị giao dịch trung bình, giao dịch quanh mức 15.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên xuống còn 10.000 tỷ đồng (12/9), thấp nhất trong gần 1 năm qua.

Nhóm cổ phiếu "trụ" đồng loạt quay đầu, xuất hiện nhiều cái tên "lớn" trong top những cổ phiếu (cp) có ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số VN-Index: SSB (SeABank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), VNM (Vinamilk, HOSE), VIC (Vingroup, HOSE), NVL (Novaland, HOSE),…

Loạt cổ phiếu "trụ" quay đầu giảm tuần qua (Ảnh: SSI iBoard)

Loạt cổ phiếu "trụ" quay đầu giảm tuần qua (Ảnh: SSI iBoard)

Khối ngoại cũng bán ròng trở lại vào phiên cuối tuần qua. Riêng phiên 13/9, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 189 tỷ đồng cổ phiếu VHM (Vinhomes, HOSE), MWG (Thế giới Di động, HOSE) là 124,3 tỷ đồng…

Cổ phiếu NVL tiệm cận vùng đáy lịch sử (Ảnh: SSI iBoard)

Cổ phiếu NVL tiệm cận vùng đáy lịch sử (Ảnh: SSI iBoard)

Nhóm cổ phiếu bất động sản gây chú ý khi lần lượt giảm mạnh. Điển hình là NVL (Novaland, HOSE) giảm hơn 11% giá trị trong tuần qua, xuống còn 11.500 đồng/cp. Mức giá hiện tại chỉ cách đáy lịch sử khoảng 1.500 đồng.

"Điểm sáng" xuất hiện tại nhóm cổ phiếu nông nghiệp khi có nhiều mã tăng mạnh ngược dòng thị trường: AGM (Xuất Nhập khẩu An Giang,HOSE), DBC (Dabaco, HOSE), PAN (Tập đoàn Pan, HOSE),…

Như vậy, từ phiên giao dịch đầu tháng 9 tới nay, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh gần 30 điểm với hầu hết các phiên đều kém lạc quan, "sắc đỏ" đóng vai trò làm chủ đạo trên thị trường.

Nữ lãnh đạo bán mạnh cổ phiếu

Bà Trương Nguyễn Thiên Kim đã báo cáo bán ra 13,2 triệu cổ phiếu VCI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap. Giao dịch được thực hiện từ ngày 4/9 đến 11/9 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.

Ước tính theo giá đóng cửa, bà Kim thu về khoảng 600 tỷ đồng sau khi hoàn tất giao dịch trên. Sau giao dịch, bà Kim còn nắm giữ hơn 9,6 triệu cổ phiếu VCI, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,18% vốn.

Bà Kim là vợ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vietcap Tô Hải. Hiện, ông Tô Hải đang nắm hơn 99,1 triệu cổ phiếu VCI (tỷ lệ 22,44%).

2 nữ lãnh đạo: bà Trương Nguyễn Thiên Kim (trái) và bà Đặng Huỳnh Ức My (phải) đồng loạt bán mạnh cổ phiếu (Ảnh: ST)

2 nữ lãnh đạo: bà Trương Nguyễn Thiên Kim (trái) và bà Đặng Huỳnh Ức My (phải) đồng loạt bán mạnh cổ phiếu (Ảnh: ST)

Ngoài ra, bà còn được biết tới là chủ chuỗi Katinat và Phê La; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP D1 Concepts; Thành viên Ban kiểm soát CTCP Bến xe Miền Tây (WCS, HNX); Thành viên HĐQT CTCP Sữa Quốc Tế (IDP, UPCoM).

Cùng động thái trên, bà Đặng Huỳnh Ức My cũng vừa đăng ký bán toàn bộ 110.419 cổ phiếu SCR (HOSE) của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land, từ ngày 18/9 đến 17/10. Mục đích là cơ cấu danh mục đầu tư.

Hiện tại, SCR đang giao dịch quanh mức 5.390 đồng/cp, chưa bằng một nửa giá trị sổ sách là 12.314 đồng/cổ phiếu. Từ đầu tháng 4 đến nay, SCR đã giảm khoảng 32%. Nếu so với mức giá đầu năm 2022, thị giá SCR đã giảm 78%.

Cổ phiếu ngân hàng ACB được kỳ vọng tăng 28%

Theo Chứng khoán SSI, trong quý 2/2024, tăng trưởng tín dụng của ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu, HOSE) đạt 12,8% so với đầu năm, lên 550,2 nghìn tỷ đồng.

Nợ xấu ACB tăng 10,5% so với quý trước nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức 1,48% nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định.

Diễn biến cổ phiếu ACB tại sàn 6 tháng qua (Ảnh: SSI iBoard)

Diễn biến cổ phiếu ACB tại sàn 6 tháng qua (Ảnh: SSI iBoard)

Về hoạt động kinh doanh thẻ, tỷ lệ thẻ đang hoạt động tại ACB đã tăng lên 70% vào cuối quý II/2024, với hơn 5,5 triệu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, chi tiêu trên mỗi thẻ cũng tăng 8% so với quý trước, lên hơn 4 triệu đồng sau khi duy trì ổn định trong 3 quý liên tiếp.

SSI nhận định, thu nhập từ phí thẻ và các dịch vụ liên quan sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 tại thời điểm mà nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi.

Dựa vào những yếu tố trên, SSI dự báo, lợi nhuận sau thuế của ACB trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 22 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và 26 nghìn tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ).

Công ty đưa ra khuyến nghị Mua với ACB tại giá mục tiêu là 31.200 đồng/cp, kỳ vọng tăng 28% so với mức giá phiên 13/9.

Chứng khoán "chờ tín hiệu" từ Fed

Giao dịch "ảm đạm" tuần qua được giới phân tích cho rằng, đến từ tâm lý thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng. Cụ thể, thị trường đang chờ tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Việc Fed hạ lãi suất sẽ là yếu tố hỗ trợ cho chu kỳ tăng của thị trường chứng khoán thế giới trong dài hạn, kỳ vọng cũng sẽ có những tác động tích cực tới thị trường chứng khoán trong nước.

Trong tháng 9, Chứng khoán Yuanta nhận định, Fed có khả năng sẽ giảm lãi suất, cùng với đó, tỷ giá USD/VNĐ đã hạ nhiệt là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Dòng tiền có thể gia tăng trở lại sau khi Fed có thể bắt đầu quyết định giảm lãi suất trong kỳ họp tuần sau.

Nhận định và khuyến nghị

Ông Đỗ Thanh Sơn, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, thị trường đang trải qua nửa đầu tháng 9 buồn nhiều hơn vui, VN-Index giảm 2,5% kể từ đầu tháng, thanh khoản "mất hút" khiến nhà đầu tư bối rối.

Thị trường đang trải qua tháng 9 không mấy khả quan

Thị trường đang trải qua tháng 9 không mấy khả quan

Theo ông, dường như thị trường không còn ở mức rẻ như nhà đầu tư thường kỳ vọng, thực chất các nhóm ngành sản xuất nói riêng và định giá nhóm midcap không còn ở mức rẻ nữa. Các cổ phiếu cần có biểu hiện rõ hơn trong câu chuyện kinh doanh để nhà đầu tư xem xét chấp nhận 1 mức định giá cao. Ngoài ra, thị trường đang chịu áp lực từ động thái bán ròng của khối ngoại, song, lực bán được cho là sẽ sớm suy giảm vào cuối tháng 9 nhờ vào dòng vốn đã có tín hiệu trở lại khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, câu chuyện hấp dẫn của thị trường phần lớn vẫn "bấu víu" vào các nền tảng cơ bản và mang tính tác động lên bức tranh chung: Tăng trưởng EPS 2024 tích cực - 2025 sẽ phụ thuộc vào tình hình suy thoái toàn cầu; Sự phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam, phản ánh qua GDP (kỳ vọng 2024 ở mức 6 - 6.5%; Điều kiện chính sách tài khóa, tiền tệ của CP vẫn ủng hộ cho việc đầu tư lẫn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về dài hạn, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ không quá xấu trong những tháng cuối năm, nhưng, cần trông chờ nhiều vào các biểu hiện rõ nét hơn của nền kinh tế.

VN-Index có lẽ sẽ chưa thể thoát khỏi biên độ lớn 1.200 – 1.300 điểm trong ngắn hạn và cơ hội đầu tư sẽ phân hóa, nhà đầu tư được khuyến nghị, xem xét lựa chọn những cổ phiếu: (1) có câu chuyện rất riêng, (2) dòng tiền ủng hộ, (3) định giá còn ở mức "hấp dẫn". Trong đó, một vài cổ phiếu có thể xem xét: Ngành bất động sản: PDR – AGG; Ngân hàng: CTG (VietinBank, HOSE); Bán lẻ thiết yếu: MSN (Masan, HOSE).

Chứng khoán SSI cho biết, chỉ số đang giằng cơ trong biện độ hẹp 1.248 – 1.255 điểm, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy đà giảm ngắn hạn vẫn tiếp diễn, VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục dao động trong vùng 1.245 – 1.254 điểm.

Chứng khoán DSC đánh giá, thị trường vẫn có điểm sáng khi giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 1.250 điểm, thanh khoản thấp trong bối cảnh điều chỉnh không phải là tín hiệu xấu. Điều quan trọng lúc này là thị trường cần kiểm tra "cung" thành công trước khi tiến tới kiểm tra "cầu" tại vùng kháng cự trên. Tuần tới, thị trường sẽ đối diện với nhiều sự kiện quan trọng như cuộc họp chính sách của Fed, đáo hạn phái sinh, và các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục. Đây sẽ là "phép thử" để đánh giá cung - cầu thực sự của thị trường.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 31 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 4-6/9, trong đó, 25 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp thực hiện quyền mua và 1 doanh nghiệp trả kết hợp

Tỷ lệ cao nhất là 50%, thấp nhất là 1%.

2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:

CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng tàu (HDC, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/9, tỷ lệ 15%.

CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/9, tỷ lệ 25%.

1 doanh nghiệp thực hiện quyền mua:

CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (TNH, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/9, tỷ lệ 13,8%.

1 doanh nghiệp trả kết hợp:

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB, HOSE) trả cổ tức bằng hình thức tiền mặt và phát hành thêm, với hình thức phát hành thêm, ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/9, tỷ lệ 7%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền

* Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-16-20-9-mot-so-nu-lanh-dao-ban-manh-co-phieu-20240916064308682.htm