Chứng khoán tuần mới (từ 19 đến 23/5): Thận trọng trước sóng gió vĩ mô

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch từ ngày 13 đến 17/5/2025 với diễn biến tích cực, khi chỉ số VN-Index tăng mạnh 34,09 điểm, tương đương 2,69%, lên mức 1.301,39 điểm.

Khối ngoại có tuần giao dịch đột phá khi mua ròng mạnh. Đây là tín hiệu đáng chú ý sau nhiều tuần giao dịch ảm đạm trước đó, cho thấy xu hướng quay trở lại của dòng vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần (16/5), áp lực chốt lời đã xuất hiện rõ rệt khi chỉ số đảo chiều giảm hơn 11 điểm sau chuỗi tăng nóng. Nhiều cổ phiếu lớn chịu áp lực điều chỉnh, đặc biệt là các mã đã tăng mạnh trong những phiên trước. Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ, bình quân đạt khoảng 18.500 tỷ đồng mỗi phiên – phản ánh tâm lý thận trọng, chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ cả chính sách tiền tệ và tình hình quốc tế.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là hiện tượng bình thường và có tính chu kỳ sau một nhịp tăng mạnh. Trên thực tế, nhiều chuyên gia và tổ chức đầu tư lớn đã chủ động hạ tỷ trọng trong tuần qua, với mức nắm giữ hiện tại phổ biến ở 60–80% danh mục, thậm chí có nơi chỉ còn 30%, nhằm bảo toàn lợi nhuận và chờ cơ hội tái cơ cấu danh mục.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng biên độ tăng tốt của chỉ số và cổ phiếu đủ lớn để kích hoạt nhu cầu chốt lời, ngay cả trong điều kiện không xuất hiện thông tin tiêu cực nào. Vì vậy, nhịp giảm phiên cuối tuần không phản ánh rủi ro hệ thống, mà đơn thuần là sự điều chỉnh kỹ thuật sau một đợt hồi phục mạnh.

Từ góc độ kỹ thuật, việc VN-Index vượt mốc 1.300 điểm là một tín hiệu quan trọng xác lập lại xu hướng tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với việc chỉ số đang tiếp cận vùng cản quanh 1.310–1.320 điểm, nguy cơ rung lắc trong các phiên tới là hoàn toàn có thể xảy ra nếu dòng tiền không đủ mạnh để duy trì đà tăng.

Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, chuyên gia tư vấn thuộc Công ty chứng khoán VietCap nói. Tuần qua, áp lực chốt lời lan rộng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, bất động sản, thép. Phiên cuối tuần cho thấy bên mua đang tỏ ra yếu thế hơn so với bên bán, nhất là khi khối ngoại quay lại bán ròng sau ba phiên mua ròng liên tiếp, một phần do vấn đề về giới hạn room nước ngoài chưa được nới lỏng. Dù vậy, nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò nâng đỡ chỉ số, với một số mã như MBB, ACB giữ được đà tăng ổn định.

Từ góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang vận động trong vùng kháng cự mạnh quanh 1.315 – 1.325 điểm, với vùng hỗ trợ gần là 1.300 – 1.275 điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường có thể xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh trong tuần tới, nhất là ở nhóm cổ phiếu điện, chứng khoán và vật liệu cơ bản. Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ, bình quân đạt khoảng 18.500 tỷ đồng mỗi phiên – phản ánh tâm lý thận trọng, chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ cả chính sách tiền tệ và tình hình quốc tế.

Trên thị trường quốc tế, Mỹ ghi nhận chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 giảm mạnh 0,5% – mức giảm sâu nhất trong vòng một thập kỷ. Dữ liệu này phản ánh việc các doanh nghiệp đang phải hấp thụ chi phí thuế quan, qua đó giúp giảm áp lực lạm phát ngắn hạn nhưng lại báo hiệu khả năng biên lợi nhuận đang bị thu hẹp đáng kể. Cùng lúc đó, thông tin từ Trung Đông cho thấy các quốc gia vùng Vịnh cam kết đầu tư gần 2.000 tỷ USD vào Mỹ, bao gồm các hợp đồng quốc phòng quy mô lớn, giúp củng cố thêm vị thế kinh tế và địa chính trị của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gia tăng.

Tại Nhật Bản, GDP quý I/2025 nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức suy giảm do tiêu dùng nội địa yếu và xuất khẩu chậm lại. Các tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ vẫn chưa phản ánh hết, trong khi đàm phán thương mại song phương Mỹ–Nhật tiếp tục vấp phải nhiều rào cản. Đáng chú ý, trong một phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp ở Ả-rập Xê Út, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp dụng mức thuế quan mới trong vòng “hai đến ba tuần tới”, đồng thời nhấn mạnh nước này “không thể gặp từng quốc gia trong số 150 nước đang muốn đạt thỏa thuận thương mại với chúng tôi”. Phát ngôn này lập tức tác động đến tâm lý giới đầu tư toàn cầu, khiến khẩu vị rủi ro suy giảm.

Trong nước, loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân bắt đầu phát huy hiệu quả. Nghị quyết 68 đưa ra các cam kết rõ ràng như giảm tần suất thanh tra còn tối đa một lần mỗi năm, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu và cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ tài chính như giảm tiền thuê đất và hỗ trợ vay ưu đãi cho dự án xanh đã tạo thêm động lực cho khu vực tư nhân phục hồi sau đại dịch.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc. Trong tháng 4, ghi nhận 21 đợt phát hành với tổng giá trị hơn 34.000 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng dẫn đầu với 14 đợt, huy động 21.000 tỷ. Đáng chú ý, nhóm bất động sản cũng có dấu hiệu ấm lại với 5 đợt phát hành, tổng trị giá 12.500 tỷ đồng – cho thấy niềm tin nhà đầu tư đang dần trở lại với kênh trái phiếu doanh nghiệp sau thời gian dài trầm lắng.

Bước sang tuần giao dịch từ 20 đến 24/5/2025, giới phân tích dự báo thị trường sẽ tiếp tục diễn biến giằng co, với khả năng kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.260–1.270 điểm. Áp lực chốt lời vẫn hiện diện, trong khi dòng tiền có xu hướng thăm dò và chưa cho thấy tín hiệu bứt phá rõ rệt. Những yếu tố nhà đầu tư cần theo dõi trong tuần tới bao gồm diễn biến vĩ mô trong nước như CPI, tiến độ giải ngân đầu tư công, cũng như các tín hiệu từ kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu kinh tế Trung Quốc.

Trước các yếu tố bất định như thuế quan mới từ Mỹ và khả năng điều chỉnh từ các thị trường lớn, nhiều chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời dần các vị thế ngắn hạn, tránh mua đuổi và hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này. Tuần tới, xu hướng chủ đạo có thể là tích lũy - giằng co, và chỉ nên tham gia mua mới nếu xuất hiện các tín hiệu kỹ thuật rõ ràng tại vùng hỗ trợ.

Minh Khang

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/chung-khoan-tuan-moi-tu-19-den-235-than-trong-truoc-song-gio-vi-mo-727608.html