Chứng khoán tuần này: Đang có tín hiệu hình thành đáy

Thanh khoản tại những phiên tăng điểm chưa có sự gia tăng ấn tượng cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang giữ tâm lý thận trọng và chưa sẵn sàng trở lại mặc dù thị trường đã có mức chiết khấu đáng kể, khoảng 12%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

VN-Index tiếp tục trải qua tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp sau khi nỗ lực bứt phá khỏi kháng cự là đường SMA 100 ngày không thành. Diễn biến này đã khiến chỉ số nhanh chóng mở khoảng trống giá xuống và hình thành mẫu hình nến giảm có biên độ lớn để đưa thị trường lùi về gần hỗ trợ quan trọng là đường SMA 200 ngày. Đà giảm sau đó đã chững lại và có tín hiệu tích cực khi đã 2 lần thành công bật tăng trở lại.

Kết tuần vừa rồi, VN-Index đóng cửa ở mức 1.128,54 điểm, giảm 25,61 điểm (-2,22%) so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 15.747 tỷ đồng, giảm 19,38%. Khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân đảo chiều sang mua ròng cùng tổ chức trong nước lần lượt 492 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.

Tuần qua, khối ngoại tập trung bán ròng mạnh nhất ở MSN (184 tỷ đồng), CTG (123 tỷ đồng), VCI (86 tỷ đồng)… Ngược lại, mua ròng mạnh nhất ở SSI với giá trị 131 tỷ đồng, kế đến là VRE 110 tỷ đồng, VIX 71 tỷ đồng…

Nhóm bất động sản tiếp tục diễn biến kém tích cực khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,90%)... tuy nhiên đã có phần cải thiện theo hướng phân hóa khi nhiều mã thu hút dòng tiền ngắn hạn như TCH (+2,16%), HHS (+1,75%), VHM (+1,21%), HDC (+0,65%)...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình với CTS (-9,34%), WSS (-5,80%), VCI (-5,45%), BSI (- 4,88%)... ngoài một số mã tăng giá khi có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý 3 như BVS (+3,91%), SSI (+3,62%), PSI (+2,08%)...

Tương tự tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh, ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB (-9,92%), TPB (-5,88%), EIB (-5,01%), BID (- 4,85%), TCB (-4,99%)... ngoài STB (+0,98%), BVB (+0,96%) phục hồi nhẹ.

Chiều ngược lại ghi nhận ở các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su, như DTD (+13,36%), VGC (+9,91%), TIP (+7,53%), GVR (+3,59%)...

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tuần thứ tư điều chỉnh mạnh khiến VN-Index đánh mất các ngưỡng hỗ trợ uptrend tại 1.150 điểm và 1.135 điểm, tuy nhiên phiên phục hồi tốt cuối tuần phát đi tín hiệu thị trường có thể kết thúc nhịp điều chỉnh.

Do chỉ số vẫn chưa lấy lại được mốc hỗ trợ 1.135 điểm và thị trường điều chỉnh mạnh với biên độ rộng thời gian qua, VN-Index sẽ cần nhiều thời gian để tìm điểm cân bằng mới và tích lũy chặt chẽ trở lại. "Những nỗ lực phục hồi trong thời gian tới sẽ mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn", SHS nhận định.

Về tình hình vĩ mô, SHS cho rằng kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và nguy cơ suy thoái vẫn xuất hiện tại một số quốc gia/khu vực, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước vẫn chưa cho thấy sẽ sớm kết thúc.

"Với tình hình vĩ mô hiện tại, nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp", SHS nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán cho rằng, trong ngắn hạn thị trường đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới. Trong trung, dài hạn thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro không cao.

Với góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, trong khung tuần, VN-Index đã đánh mất hỗ trợ là đường SMA 200 tuần và cận dưới của kênh giá tăng (bắt đầu từ tháng 11/2022). Cùng với đó, thanh khoản tiếp tục sụt giảm mặc dù chỉ số đã lùi về các mức hỗ trợ quan trọng, cho thấy dòng tiền mua mới đã suy yếu khi tâm lý nhà đầu tư đã không còn lạc quan về triển vọng thị trường như giai đoạn trước đó.

Ở khung ngày, chỉ số đã có lần thứ hai liên tiếp thành công giữ vững đường SMA 200 ngày và hình ảnh bóng nến dưới dài xuất hiện tại đây thể hiện lực cầu bắt đáy trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản tại những phiên tăng điểm vẫn chưa có sự gia tăng ấn tượng cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang giữ tâm lý thận trọng và chưa sẵn sàng trở lại mặc dù thị trường đã có mức chiết khấu đáng kể khoảng 12%.

Hiện tại, TPS cho rằng VN-Index cần nối dài đà tăng trong tuần tiếp theo với điểm tựa từ đường SMA 200 ngày (quanh mức 1.100 điểm). Ngược lại, nếu chỉ số một lần nữa diễn ra phiên trả điểm và đánh mất mốc hỗ trợ trên, chỉ số sẽ rơi vào xu hướng giảm trong dài hạn.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù có trạng thái thận trọng trong phiên cuối tuần qua nhưng thị trường tiếp tục được hỗ trợ tại vùng MA 200 của VN-Index và dần hồi phục trở lại. Thanh khoản tăng nhưng ở mức thấp, cho thấy áp lực bán giá thấp vẫn chưa quyết liệt, đặc biệt là động thái bán mạnh của khối ngoại trong phiên trước đã không tiếp diễn.

Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, VDSC cũng có quan điểm rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục quá trình hồi phục kỹ thuật trong thời gian gần tới. Tuy nhiên diễn biến có thể gặp khó khăn do dòng tiền nhìn chung vẫn chưa có cải thiện đáng kể và áp lực cản từ vùng 1.140 điểm vẫn còn hiện hữu.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chung-khoan-tuan-nay-dang-co-tin-hieu-hinh-thanh-day-post27819.html