Chứng khoán tuần này: Rủi ro bước vào nhịp giảm

VN-Index hiện vận động ở vùng trên của kênh tích lũy trung hạn nên rủi ro thị trường bước vào nhịp giảm đang tăng lên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong tuần qua, VN-Index có ba phiên liên tiếp biến động hẹp dưới kháng cự 1.235 điểm. Phiên cuối tuần, chỉ số bất ngờ tăng điểm mạnh từ đầu phiên dưới ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng, lên mức 1.240 điểm. Sau đó, nguồn cung tăng đột biến trong phiên chiều khiến VN-Index quay đầu giảm mạnh, với khối lượng giao dịch đột biến (hơn 1,3 tỷ cổ phiếu), thể hiện áp lực phân phối ngắn hạn mạnh.

Dù vậy, kết thúc tuần, VN-Index vẫn tăng điểm nhẹ so với phiên cuối tuần trước, kết tuần ở mức 1.212 điểm, vượt lên vùng giá tâm lý 1.200 điểm. HNX-Index ở mức 231,08 điểm, giảm 0,84% so với tuần trước.

Trong tuần, tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 118.101 tỷ đồng, tăng mạnh so với tuần trước đó. Khối lượng giao dịch trung bình gần 1 tỷ cổ phiếu/phiên, trong đó phiên giao dịch 23/2 lên tới 1,327 tỷ cổ phiếu, cao nhất kể từ phiên ngày 18/8/2023.

Thanh khoản HNX-Index cũng tăng mạnh với 8.772 tỷ đồng được giao dịch. Diễn biến thanh khoản tăng kết hợp với phiên giảm điểm mạnh cuối tuần thể hiện rủi ro phân phối ngắn hạn ở nhiều mã/nhóm mã khi VN-Index ở vùng giá cao.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng giao dịch trong tuần và bán ròng mạnh 1.456 tỷ đồng trên HoSE; bán ròng trên HNX với giá trị 39,69 tỷ đồng. Trong đó, MWG bị bán ròng mạnh nhất về giá trị, đạt 530 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 11,63 triệu đơn vị. Tuy nhiên dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh về khối lượng là VPB, đạt xấp xỉ 23 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 454,69 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng MSB với khối lượng 46,28 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 694 tỷ đồng. Đứng ở vị trí tiếp theo là cổ phiếu VHM được mua ròng 353 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 7,84 triệu đơn vị.

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường đã tiệm cận cản mạnh 1.250 điểm và điều chỉnh. Phiên 23/2 mới là phiên điều chỉnh đầu tiên nên sẽ tiếp tục có rung lắc trong các phiên tới. Giai đoạn hiện tại, VN-Index đang vận động ở vùng trên của kênh tích lũy trung hạn nên rủi ro thị trường bước vào nhịp giảm đang tăng lên cho dù có thể có các phiên tăng điểm trở lại. Vì vậy, SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn không nên tham gia ở giai đoạn hiện tại.

Về góc nhìn trung hạn, SHS giữ nguyên quan điểm VN-Index đang dần vận động để hình thành kênh tích lũy rộng trung hạn 1.150 điểm - 1.250 điểm. Chỉ số giai đoạn vừa qua đã tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy (1.250 điểm) và do vậy khả năng sẽ bước vào nhịp giảm. “Diễn biến giảm điểm nếu xảy ra cũng là phù hợp với vận động tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại sau giai đoạn thị trường giảm sâu năm 2022, với thời gian hình thành nền mới dự báo sẽ kéo dài”, SHS nhận định.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện tại áp lực chốt lời có thể sẽ gây sức ép lùi bước cho thị trường khi bước vào phiên giao dịch mới. Tuy nhiên, khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.200 – 1.210 điểm và hồi phục trở lại để kiểm tra nguồn cung. Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát động thái hỗ trợ của dòng tiền để đánh giá lại trạng thái thị trường, tránh bán tháo đối với các cổ phiếu đã lùi lại vùng hỗ trợ, đồng thời chờ nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Phân tích kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, ở khung đồ thị tuần, 2 chỉ báo MACD và RSI vẫn đang cho tín hiệu hướng lên và VN-Index đang bám sát dải trên của dải Bollinger band, cho thấy thị trường vẫn đang trong nhịp tăng trung - dài hạn.

Ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo RSI và MACD đã tạo một đỉnh và chưa cho dấu hiệu hình thành đỉnh tiếp theo, cùng với VN-Index đang ở mốc 1.272 của thang đo Fibonacci mở rộng nên khó tránh khỏi việc thị trường xuất hiện phiên rung lắc điều chỉnh với biên độ lớn hơn 10 điểm, tương đương mức hỗ trợ 1.205 hay cũng là mốc 0.786 của thang đo Fibonacci thoái lui.

Với diễn biến thị trường hiện tại, VCBS cho rằng VN-Index có xác suất sẽ tiếp tục xuất hiện rung lắc tích lũy trong biên độ trên 10 điểm trước khi tăng điểm trở lại. Đơn vị phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng nhịp rung lắc trong tuần tới để tiếp tục gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu đang xây nền tích lũy tốt, trong đó chú ý nhóm ngành tài chính-ngân hàng và các doanh nghiệp sản xuất.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chung-khoan-tuan-nay-rui-ro-buoc-vao-nhip-giam-post31987.html