Chứng khoán tuần này: Rủi ro suy yếu vẫn tiềm ẩn

Phân tích mới nhất của các công ty chứng khoán về xu hướng thị trường tuần tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong tuần qua, VN-Index gặp áp lực điều chỉnh ngắn hạn sau 4 tuần liên tiếp phục hồi, tăng vượt qua vùng đỉnh giá năm 2023 và tiến tới vùng kháng cự mạnh tại 1.282 điểm - 1.287 điểm. Kết thúc tuần, chỉ số giảm 0,88% so với tuần trước về mức 1.261,93 điểm. HNX-Index cũng kết thúc chuỗi tăng giá tốt khi giảm điểm phiên cuối tuần, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn tăng nhẹ 0,09% lên mức 241,72 điểm.

Thanh khoản trên HoSE đạt 125.907,48 tỷ đồng, tăng mạnh 34,3% so với tuần trước, gia tăng trên mức trung bình, cho thấy mức độ đầu cơ ngắn hạn, xoay vòng gia tăng. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh với giá trị 3.134,9 tỷ đồng trên HoSE, phần lớn đến từ áp lực bán ròng của quỹ Fubon. Thời gian qua, quỹ này bán ròng liên tiếp, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30. Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng với giá trị 62,02 tỷ đồng.

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250 điểm -1.300 điểm, VN-Index đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm trong các phiên sắp tới, chỉ số vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm – 1.287 điểm.

Với góc nhìn trung hạn, SHS cho rằng VN-Index đã trở lại kênh 1.250 điểm - 1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Trường hợp tích cực, chỉ số có thể tiếp tục quá trình tích lũy trong vùng nói trên. Kịch bản kém tích cực hơn, chỉ số sẽ có thể hướng tới tích lũy trong kênh giá rộng từ 1.200 điểm – 1.250 điểm.

Theo đơn vị phân tích, mặc dù một số thông tin vĩ mô vẫn khá tích cực (như xuất nhập khẩu tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD...) nhưng áp lực tỷ giá vẫn cao khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu mới và lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng từ mức 4%/năm lên 4,2%/năm. Trong bối cảnh đó, SHS kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245 điểm -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.

Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), kết phiên thứ Sáu vừa qua, VN-Index hình thành cây giảm điểm mạnh với râu nến ở cả 2 đầu. Thêm vào đó, thanh khoản cũng tăng mạnh cho thấy phe bán đã chiến thắng trong phiên quyết định của nến tuần. Việc chỉ số giảm điểm sẽ làm những lo ngại về mô hình 2 đỉnh, về sự hụt hơi khi chạm gần đỉnh cũ trong tâm lý giao dịch được đẩy mạnh hơn nữa.

Trên khung đồ thị ngày (1D), RSI suy yếu trở lại từ vùng trung tính. VN-Index sau khi chạm vùng hợp lưu ở 1.250 điểm đã có động thái rút chân, đồng thời khoảng trống giá (gap) tăng điểm tại 1.260 điểm cũng đã được lấp. Trong những phiên tiếp theo, chỉ số đã mất đi vị thế đẹp như trước đó đã hình thành, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn và cần thời gian để điều chỉnh, hấp thụ những thông tin, tâm lý xấu để xây một nền giá vững (khoảng 1.240 - 1.250 điểm).

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tiếp tục bị cản khi kiểm tra lại vùng 1.285 điểm và sụt giảm. Thanh khoản phiên cuối tuần tăng so với phiên trước cho thấy nguồn cung tiếp tục có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là động thái bán mạnh của khối ngoại. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ tại vùng 1.250 điểm và có nỗ lực thu hẹp đà giảm. Diễn biến tranh chấp hiện tại có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và thăm dò cung cầu tại vùng 1.250 – 1.270 điểm, nhưng cần cân nhắc rủi ro suy yếu vẫn còn tiềm ẩn.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chung-khoan-tuan-toi-rui-ro-suy-yeu-van-tiem-an-post34982.html