Chứng khoán vẫn khó lường
Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành là thông tin rất tích cực cho thị trường chứng khoán.
Tại phiên giao dịch ngày 24/5, chỉ số VN - Index là 1067,04 điểm tăng 1,19 điểm tương đương 0,11%. Thanh khoản đạt hơn 7.900 tỷ đồng.
Tại báo cáo triển vọng ngành quý II của BSC Research cũng chỉ ra định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ không còn rẻ, đặc biệt sau kết quả kinh doanh quý I.
Giai đoạn đầu năm 2023, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ duy trì hiệu suất tương đối tích cực do dòng tiền co hẹp khiến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phù hợp khẩu vị của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc kết quả kinh doanh quý I/2023 của nhóm cổ phiếu này giảm mạnh so với cùng kỳ khiến định giá của hai nhóm cổ phiếu không còn hấp dẫn.
Báo cáo cũng chỉ ra nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có triển vọng phục hồi lợi trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, do khoảng cách chênh lệch so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tương đối lớn, kỳ vọng dòng tiền sẽ dần dịch chuyển về các cổ phiếu vốn hóa lớn với các ưu thế như đứng đầu ngành, tài chính ổn định và khả năng giành thêm thị phần nhờ ưu thế về quy mô đi kèm với mức định giá đã giảm tương đối so với thị trường.
Ông Trần Quân - nhà đầu tư kỳ cựu trên sàn chứng khoán nhận định: giai đoạn này vẫn chỉ đánh T+ để ăn lãi mỏng. Thông thường, khi lãi suất giảm thị trường sẽ phản ứng rất nhạy nhưng diễn biến hơn 1 năm qua cho thấy, thị trường đang rất khó lường.
Chốt phiên sáng 24/5, sàn HOSE có 191 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index giảm 1,09 điểm (-0,10%), xuống 1.064,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 317,4 triệu đơn vị, giá trị 5.151,6 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,6 triệu đơn vị, giá trị 542,3 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 1,21 điểm (+0,56%), lên 217,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45 triệu đơn vị, giá trị 739,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,24 triệu đơn vị, giá trị 7 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), diễn biến tình hình trên TTCK Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Theo đó, trên thế giới, mặc dù xu hướng tăng lãi suất có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn dự báo còn nhiều thách thức, khó lường. Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế vĩ mô quý I mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng đã có sự giảm tốc; đồng thời, sức khỏe doanh nghiệp niêm yết cũng chịu nhiều tác động của đại dịch Covid -19.
Tuy nhiên, nếu xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, đại diện UBCKNN bày tỏ kỳ vọng, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất cho vay… sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Hơn nữa, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Tất cả những yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-khoan-van-kho-luong-5718721.html