Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt ở Việt Nam
Chuyên gia từ CTCP Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) nhận xét, trong dài hạn kênh đầu tư chứng khoán vẫn mang lại hiệu suất tốt nhất, cao hơn nhiều so với trái phiếu hay bất động sản.
Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2022 đã gây không ít thất vọng cho giới đầu tư khi chịu tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực như việc FED liên tục tăng lãi suất, các vụ lùm xùm liên quan đến thao túng cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Ông Phạm Ngọc Bách, chuyên gia từ CTCP Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) trao đổi với Mekong ASEAN về diễn biến thị trường năm vừa qua và những kỳ vọng năm tới.
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh lãi suất cao và chênh lệch tỷ giá, xin cho biết đánh giá của ông về những kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4/2022 cũng như trong năm 2023?
Ông Phạm Ngọc Bách: Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành 2 lần trong 2 tháng liên tiếp là tháng 9 và 10 với cùng mức 1% cho mỗi lần, lãi suất tái chiết khấu cũng tăng từ 2,5% lên 4,5% với mục đích ổn định tỷ giá, giảm thiểu các tác động của lạm phát ảnh hưởng do nhập khẩu hàng hóa khi sức mạnh đồng USD tăng lên.
Với bối cảnh lãi suất cao như vậy, tôi cho rằng kết quả kinh doanh những quý đầu năm 2022 vẫn chưa phản ánh hết khó khăn của các doanh nghiệp.
TVFM kỳ vọng tác động của chi phí lãi vay cao lên chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ được thể hiện trong kết quả kinh doanh quý 4/2022 và đặc biệt là trong năm 2023. Theo nghiên cứu từ TVFM, cứ mỗi 1% lãi suất vay tăng thêm, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm đi từ 1,5% - 2%.
Trên TTCK, mô hình định giá doanh nghiệp mà các công ty đầu tư thường sử dụng là chiết khấu dòng tiền, trong đó chi phí vốn là biến số quan trọng. Chi phí vốn này căn cứ vào mức lãi suất phi rủi ro là lãi suất trái phiếu và tiền gửi ngân hàng, khi lãi suất phi rủi ro tăng thì sẽ làm tỷ lệ chiết khấu cao lên và hạ mức định giá cổ phiếu xuống.
Mekong ASEAN: VN-Index ở quanh mốc 1.000 điểm được đánh giá là định giá rẻ. Tuy nhiên để thu hút dòng tiền vào thì theo ông cần thêm những điều kiện gì?
Ông Phạm Ngọc Bách: Theo nghiên cứu của TVFM, hiện nay dòng tiền đầu tư nước ngoài đầu tư vào các thị trường chứng khoán mới nổi (Emerging market) đang tăng khá đều, vào các thị trường cận biên (Frontier Market) thì đang có dấu hiệu quay đầu giảm.
Ở thị trường Đông Nam Á, dòng tiền vào Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng giảm, chỉ có Indonesia tiếp tục tăng. Ở Việt Nam, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài suy giảm từ năm 2019 và duy trì trạng thái bán ròng trong 9 tháng đầu năm 2022. Điều này có thể là do việc Fed tăng lãi suất, khiến dòng tiền chảy ngược về Mỹ để hưởng lãi suất cao.
Trong năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỷ đồng tương đương 880 triệu USD, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ (theo Bloomberg). Trong các danh mục ETF hiện nay, nhóm ngân hàng, bất động sản, điện, tiêu dùng chiếm đa số về số lượng, vốn hóa. Năm 2022 đánh dấu là năm huy động thành công nhất của các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam.
Vốn hóa thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại là 175 tỷ USD. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài vào các thị trường cận biên chỉ là 95-100 tỷ USD, trong khi đó vào thị trường mới nổi là 6.800 tỷ USD, chênh nhau 760 lần.
Như vậy, để thu hút được dòng tiền một cách ổn định hơn, chúng ta phải nỗ lực để nâng hạng TTCK Việt Nam. Đây là một bài toán dài hạn. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục minh bạch hóa thị trường, cải thiện các hành lang pháp lý để thu hút đầu tư, cộng thêm việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục, tạo ra một nền kinh tế ổn định vững mạnh để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Mekong ASEAN: Thời kỳ “tiền rẻ” đi qua được coi là một trong những nguyên nhân khiến chứng khoán giảm sâu trong năm 2022. Vậy nhìn sang năm 2023, ông đánh giá như thế nào về chuyển động dòng tiền và cơ hội cho TTCK?
Ông Phạm Ngọc Bách: TTCK là thị trường của kỳ vọng, thường phản ánh trước tương lai của nền kinh tế. Theo nhận định của TVFM, việc chứng khoán về đáy trong năm 2022 có thể cũng phản ánh trước một phần trong thời gian tới đây, kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do những khó khăn đến từ ngoại cảnh. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2023 được dự đoán sẽ thấp hơn trong năm 2022. Mức tăng trưởng GDP mà IMF dự báo trong năm 2022 là 7% trong khi 2023 giảm xuống 6,2%; World Bank dự báo GDP năm 2022 là 7,2% và 2023 là 6,7%. Như vậy, rõ ràng là có sự xuất hiện của việc giảm tốc tăng trưởng GDP.
Mekong ASEAN: Các quỹ ngoại đang có dấu hiệu trở lại thị trường Việt Nam sau một thời gian rút ròng. Theo ông dòng tiền này có tiếp tục tích cực trong năm 2023?
Ông Phạm Ngọc Bách: TTCK trong năm 2023 nếu theo tính chu kỳ sẽ thiên về xu hướng giảm, thậm chí còn nhiều thách thức hơn năm 2022. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng có rất nhiều những yếu tố có khả năng hỗ trợ thị trường tốt, như việc dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam như đã nói ở trên. Thứ hai là định giá rẻ của chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác tại Đông Nam Á hay trên thế giới.
Hiện nay P/E trung bình của các thị trường mới nổi là 9 lần, trong khi đó tại cuối tháng 11 đầu tháng 12, P/E của thị trường Thái Lan, Philipines, Indonesia đang ở mức 15-17 lần. P/E ở thị trường Việt Nam đang ở mức 11 lần. Trong lịch sử, chỉ có giai đoạn trước khủng hoảng 2012 mới có mức định giá thị trường như thế này.
Bên cạnh đó còn những yếu tố cơ bản của nền kinh tế như là đặc trưng riêng có về địa lý, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam, GDP vẫn đang có sự tăng trưởng tốt. Đầu tư công được dự báo sẽ được giải ngân mạnh trong năm 2023 trở đi.
Ngoài ra, TVFM kỳ vọng các thông tin về giải quyết nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp hay việc việc Fed kiềm chế lạm phát cũng sẽ là các yếu tố tích cực cho TTCK trong năm 2023.
Mekong ASEAN: Theo ông, nhóm cổ phiếu nào đáng chờ đợi trong năm 2023?
Ông Phạm Ngọc Bách: Ở giai đoạn nền kinh tế giảm tốc và TTCK đang ở xu thế giảm, thì những ngành có tính chất phòng thủ nên được ưu tiên, bao gồm những ngành liên quan đến năng lượng, hàng thiết yếu, y tế, điện nước, khí đốt.
Bên cạnh đó, theo TVFM, ở giai đoạn này nhà đầu tư nên tập trung vào các mã cổ phiếu có nền cổ tức tốt so với mặt bằng giá.
Ngoài ra, do đặc thù của thị trường Việt Nam như đã nói ở trên, mặt bằng lãi suất tăng, đầu tư công được đẩy mạnh, thì nhà đầu tư có thể chú ý thêm về các lĩnh vực bảo hiểm, đầu tư công và thậm chí là cả ngân hàng.
Mekong ASEAN: Nhóm VN30 đã xuống thấp trong năm 2022 nhưng đã phục hồi đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông nhóm này còn có nhiều dư địa để tiếp tục tăng giá?
Ông Phạm Ngọc Bách: Nhóm VN30 chiếm 65-70% vốn hóa của thị trường. Theo thống kê, nhóm VNSML – nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm mạnh nhất, trong khi VN30 và VN-Index dù giảm mạnh nhưng lại tốt hơn. Vấn đề duy nhất của VN30 trong năm 2022 là thanh khoản giảm đáng kể, điều này thể hiện thực trạng dòng tiền rút ra nhiều.
Chúng tôi kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam, và họ thì thường đầu tư thông qua ETF và tập trung vào các mã cổ phiếu lớn. Do vậy chúng tôi đánh giá tiềm năng VN30 và VN-Midcap, nhóm 100 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index vẫn là những nhóm cổ phiếu cần được theo dõi trong thời gian tới.
Mekong ASEAN: Dù giảm mạnh trong năm 2022 nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về triển vọng nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới?
Ông Phạm Ngọc Bách: Cổ phiếu ngành bất động sản lao dốc xuất phát từ các sự việc liên quan đến trái phiếu và lan tỏa khiến nhiều mã của các doanh nghiệp dù không liên quan nhưng vẫn phải chịu chung xu hướng.
Bài toán đối với cổ phiếu bất động sản trong năm 2023 sẽ được chia thành 2 xu hướng, đầu tiên là những doanh nghiệp liên quan đến trái phiếu, những cổ phiếu này sẽ phải phụ thuộc vào việc “gỡ nút thắt” trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện đến đâu.
Đối với những doanh nghiệp không liên quan mà vẫn bị ảnh hưởng bởi trái phiếu doanh nghiệp, ví dụ như Nam Long hay Khang Điền, ta cần phải đi sâu vào giá trị thực tại của doanh nghiệp hiện đang như thế nào. Tức là giá trị tài sản/dự án của doanh nghiệp hiện có đang ở mức hấp dẫn so với giá cổ phiếu hay không.
Một điều đáng chú ý là cuối mỗi chu kỳ giảm của TTCK chính là thời điểm vàng để quay trở lại nhóm tài chính – bất động sản.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một sự hồi phục của nhóm cổ phiếu tài chính – bất động sản trong năm 2023, mà ở đó ngân hàng, chứng khoán hay ngay cả cổ phiếu bất động sản mà có giá trị nội tại tốt, vẫn sẽ là các cổ phiếu tiềm năng để đầu tư.
Cho đến hiện tại, nhà đầu tư sẽ có những thận trọng nhất định với trái phiếu đặc biệt là các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Tuy vậy, cổ phiếu lại là một câu chuyện khác. Với những kỳ vọng trong năm tới ở đầu tư công, ở dòng tiền đầu tư từ nước ngoài, tôi tin rằng TTCK vẫn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm.
Nếu xét trong dài hạn, kênh đầu tư chứng khoán ở Việt Nam vẫn mang lại hiệu suất tốt nhất. Trong vòng 20 năm thống kê của Bloomberg, đầu tư chứng khoán tại Việt Nam mang lại lợi nhuận trung bình là 15% - 19%, tốt hơn nhiều so với bất động sản chỉ ở mức 10% - 11% và trái phiếu doanh nghiệp 8-9%.
Chính vì vậy, nếu chúng ta nhìn vào dài hạn, kênh cổ phiếu vẫn rất đáng được quan tâm. Bản thân tôi cho rằng, những biến cố gần đây xảy ra trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực làm trong sạch và nâng hạng TTCK, đây là việc rất tốt cho tương lai.