Chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á
Thanh khoản của thị trường cổ phiếu Việt Nam trong năm 2024 luôn ở mức gần một tỷ USD/phiên cho thấy mức độ giao dịch khá sôi động, chưa tính đến khối lượng trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Thuộc top 35 tỷ lệ mức vốn hóa lớn nhất thế giới
Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực và cũng để lại nhiều dấu ấn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước nói chung, cũng như thị trường tài chính nói riêng.
Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thị trường chứng khoán Việt Nam có một chặng đường phát triển chưa dài nếu so sánh với thị trường trong khu vực. Thời gian hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay mới chỉ bằng một phần tư giai đoạn phát triển của các thị trường quốc gia trong khu vực như Philipines, Thái Lan, Malaysia…
Trong chặng đường phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và có thể vươn tới quy mô thị trường khá lớn trong khu vực. Đầu tiên chỉ với 2 mã cổ phiếu giao dịch trên thị thì tới hiện nay đã có hơn 1.800 mã cổ phiếu được đăng ký niêm yết giao dịch.
Về mục tiêu phát triển tới năm 2030, thị trường chứng khoán Việt Nam sắp hoàn thành một số tiêu chí thị về tỷ lệ vốn hóa/GDP, tổng số lượng nhà đầu tư/tổng dân số của Việt Nam… Nếu tính về con số tỷ lệ vốn hóa/GDP, thị trường đang giảm so với năm 2020, 2021, tuy nhiên, nếu tính về mức độ tuyệt đối, mức vốn hóa thị trường đang tăng rất mạnh và chiếm 70% GDP, theo ước đoán là khoảng 300 tỷ USD. Cùng với đó, số lượng nhà đầu tư đạt gần 9 triệu tài khoản và gần đạt với mục tiêu đề ra về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán.
“Nếu tính theo vốn hóa thị trường trên thế giới thì vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Việt Nam không hề thấp, có thể đứng thứ 34 hoặc 35 về tỷ lệ mức vốn hóa lớn nhất trên thế giới”, Phó Chủ tịch Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh.
Không những vậy, thị trường rất sôi động, mức thanh khoản giao dịch trung bình của thị trường trong năm 2024 luôn ở mức gần một tỷ USD/phiên, chưa tính đến khối lượng trên thị trường trái phiếu chính phủ (khoảng 8 – 9 nghìn tỷ đồng/phiên) và trái phiếu doanh nghiệp.
“Do vậy, có thể nói, nếu chỉ tính theo tính thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất tại Đông Nam Á”, ông Hải cho biết.
Cần sự chung tay để sớm hoàn thành mục tiêu
Nhìn lại lịch sử 24 năm qua, thị trường chứng khoán đã tạo ra giá trị rất lớn đối với nền kinh tế. Về công tác cổ phần hóa, sự ra đời của thị trường chứng khoán đã thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Phó Chủ tịch Bùi Hoàng Hải cho biết, nếu nhìn trên thị trường, trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch, có đến gần một nửa là các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đã có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước mở rộng sản xuất, kinh doanh và đem lại rất nhiều giá trị cho nhà đầu tư và nhà nước. Điển hình như REE – doanh nghiệp đầu tiên tham gia thị trường và trở thành doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, có thể thấy rất nhiều tập đoàn tư nhân niêm yết và ngày càng lớn mạnh. Nếu không có thị trường chứng khoán, chỉ với năng lực nội tại và nguồn vốn ngân hàng, thị trường khó có các tập đoàn lớn hiện nay đang niêm yết và cũng khó có những tập đoàn đứng trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Đông Nam Á.
Ông Hải cho rằng, việc doanh nghiệp niêm yết huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã lan tỏa tinh thần kinh doanh một cách công bằng và minh bạch. Hiện nay, với sự khuyến khích từ các chính sách, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng có trách nghiệm hơn với cả xã hội và môi trường thông qua thực hành theo nguyên tắc Môi trường – xã hội - quản trị (ESG), ngày càng đóng góp tốt hơn cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Theo ông Hải, khi xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý đặt ra mục tiêu khá tham vọng và không dễ dàng. Tuy nhiên, thị trường có nhiều cơ hội để về đích sớm trong chiến lược phát triển đã đề ra nếu có sự cố gắng từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường.
“Chúng tôi tin rằng, với nền tảng vững chắc của kinh tế và chính sách như nâng hạn thị trường, rà soát quy định pháp lý làm sao đảm bảo để tham gia thị trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán sẽ sớm về đích như kỳ vọng”, ông Hải chia sẻ.