Chứng khoán Việt Nam tìm lại đà tăng trưởng
Diễn biến thị trường chứng khoán tốt hơn kỳ vọng trong quí 2 đã giúp các công ty chứng khoán đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Đáng chú ý, trong số này có những doanh nghiệp tiếp tục tích lũy nội lực đáng kể, tăng mạnh vốn chủ sở hữu để chuẩn bị chu kỳ tăng trưởng mới.
Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng
Hàng loạt các công ty chứng khoán bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh với triển vọng tốt hơn dự kiến trước đó nhờ sự chuyển biến rõ rệt của thị trường từ đầu quí 2 vừa qua. Thống kê sơ bộ từ 36 công ty chứng khoán niêm yết cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế khoảng ước đạt gần 3.900 tỉ đồng trong quí 2-2024, tăng gần 90% so với quí 1. Tuy nhiên, con số lũy kế 6 tháng đầu năm thì vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 5.760 tỉ đồng so với 6.210 tỉ đồng.
Điều này cho thấy, đã có sự cải thiện mạnh mẽ ở nhiều doanh nghiệp trong quí 2 vừa qua. Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần chứng khoán Vietcap (mã cổ phiếu VCI), lợi nhuận sau thuế quí 2 đạt gần 117 tỉ đồng và lãi gần 190 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm.
Một điểm dễ nhận thấy nữa là thị trường có sự phân hóa khá rõ rệt. Có nhóm tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quí 2, thậm chí có doanh nghiệp tăng từ 10-50 lần so với quí 1 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng đi ngang. Cá biệt, có một vài doanh nghiệp kết quả kinh doanh chưa được cải thiện khi tăng trưởng ở mức âm.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức cao chỉ tính riêng trong quí 2 vì mặt bằng so sánh trong quí 1 và cuối năm 2022 là ở mức thấp vì thị trường chịu ảnh hưởng lớn của biến động kinh tế vĩ mô khi lãi suất cao, thị trường trái phiếu gặp khó.
Nhìn chung, so với mức đỉnh VN-Index lập ở mức 1.500 điểm năm ngoái, các hoạt động như doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ, các thương vụ tư vấn… vẫn chưa thể nhanh chóng trở lại ở hầu hết các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, thu nhập từ hoạt động môi giới trong quí 2 đã cải thiện hơn 30% so với quí 1 nhưng nếu so với 6 tháng đầu năm ngoái thì vẫn giảm 53%.
Vì vậy, nếu “soi” kỹ hơn, lợi nhuận từ các công ty chứng khoán trong kỳ này chủ yếu đến từ những con số tài chính, giá trị tài sản tài chính nắm giữ tăng lên khi thị trường phục hồi. Trong số đó, phần lớn doanh nghiệp ghi nhận khoản mục thu nhập tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL). Tuy nhiên, cũng có trường hợp công ty ghi nhận khoản lợi nhuận từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Một trong những đặc điểm của việc giá trị AFS tăng lên là công ty chưa thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh thay vào đó sẽ ghi nhận trong khoản mục đánh giá lại tài sản tài chính trong vốn chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu cải thiện là cơ sở quan trọng để các công ty chứng khoán có khả năng mở rộng thị trường trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, giúp chỉ số VN-Index vượt lên 1.200 điểm như mới đây.
Cơ hội mở rộng thị trường
Thị trường cải thiện đáng kể từ tháng 3 và bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 5 sau nhiều lần hạ lãi suất điều hành. Triển vọng nửa cuối năm cũng tương đối sáng, hưởng lợi nhờ chi phí vốn thấp hơn. Từ đó, doanh nghiệp có nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay ký quỹ, đẩy mạnh hoạt động tư vấn và các hoạt động mua bán sáp nhập nhằm gia tăng doanh thu.
Từ giữa năm 2022 đến nay, mặt bằng lãi suất tăng cao liên tục đã ảnh hưởng lớn đến thị trường. Tương tư như ngân hàng, các công ty chứng khoán cũng đối diện với bài toán chi phí vốn tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi xuống nặng nề khiến dòng vốn ngày càng đắt đỏ và hiếm hoi hơn.
Tuy nhiên, sau lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên vào tháng 3 và lần gần nhất là vào tháng 5 vừa qua, dòng tiền đầu tư của thị trường được cải thiện mạnh mẽ. Số liệu thống kê cũng cho thấy dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán đến hết quí 2-2023 ước tính lên đến 150.000 tỉ đồng, tăng 27.000 tỉ đồng so với cuối quí 1. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cũng tăng khoảng 24.000 tỉ đồng.
Trong bối cảnh ngành dịch vụ tài chính được đánh giá nằm trong nhóm đầu tiên hưởng lợi khi lãi suất có xu hướng giảm, lợi thế hiện nay sẽ thuộc về những công ty chứng khoán chuẩn bị về nội lực để bắt kịp đà tăng của thị trường trong thời gian tới.
Thực tế, trong quí 2 cũng có một số doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn để chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới. Một ví dụ điển hình như Vietcap, vốn chủ sở hữu tăng 20% trong quí 2, từ mức hơn 6.300 tỉ đồng lên 7.300 tỉ đồng, tương đương mức tăng gần 1.000 tỉ đồng. Con số tăng trưởng nguồn vốn này cao đáng kể so với các công ty chứng khoán khác trong quí 2.
Hoạt động duy trì vốn ngoại vẫn là một điểm sáng trên thị trường trong quí 2. Chẳng hạn, hồi tháng 4, Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 118 triệu đô la (khoảng 2.800 tỉ đồng).
Mới đây, Công ty chứng khoán Vietcap công bố ký kết khoản vay trị giá 45 triệu đô la Mỹ, tương đương với 1.062 tỉ đồng từ Ngân hàng Shanghai Commercial and Savings Bank, được thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking với lãi suất ngắn hạn dựa trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Trước đó, Vietcap huy động vốn thành công trong 4 đợt huy động (hai đợt vào năm 2022, còn lại là vào năm 2021, 2020) với tổng giá trị lên đến 345 triệu đô la Mỹ.
Việc liên tục huy động vốn ngoại cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và Vietcap nói riêng cũng được kỳ vọng sẽ là tiền đề thúc đẩy các giao dịch hợp vốn ở nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán trong tương lai.
Nhìn chung, việc mở rộng khoản vay nước ngoài với quy mô lớn và chi phí cạnh tranh sẽ giúp Vietcap có thêm nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Khi tâm lý thị trường ổn định trở lại, nguồn vốn dồi dào này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-viet-nam-tim-lai-da-tang-truong/