Chung một niềm tin

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Trách nhiệm lớn lao hơn được giao cho Mặt trận. Cũng vì thế, cán bộ Mặt trận phải nỗ lực hơn để được nhân dân tin yêu hơn. Trước thềm năm mới 2020, cùng Đại Đoàn Kết ghi nhận những niềm tin và kỳ vọng của những người làm Mặt trận vào một nhiệm kỳ mới.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình: Giám sát những vấn đề người dân quan tâm

Bà Nguyễn Thị Oanh,Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình.

Bà Nguyễn Thị Oanh,Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình.

Tôi cho rằng, muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Muốn hiểu được dân thì phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Muốn nói để dân tin, thì trước hết cán bộ Mặt trận phải gương mẫu đi đầu. Với phương châm hướng về cơ sở, ở các khu dân cư, chúng tôi luôn chỉ đạo cán bộ Mặt trận phải thường xuyên bám sát cơ sở, xuống từng địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của nhân dân để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ.

Thời gian qua, Mặt trận các cấp tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả trong các mặt công tác. Đáng chú ý, Mặt trận các cấp đã tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM, kết quả tỷ lệ hài lòng của người dân đối với từng tiêu chí đều đạt trên 87%. Từ sự tham gia có hiệu quả, trách nhiệm của Mặt trận các cấp đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng NTM của tỉnh. Đến hết năm 2019, tỉnh Hòa Bình đã có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Hòa Bình) về đích NTM, 1 đơn vị cấp huyện (huyện Lương Sơn) đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM, có 82/191 xã về đích NTM, có 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 98 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố Mặt trận các cấp đã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân, đến nay đã giảm được 576 thôn, xóm, tổ dân phố (từ 2058 xuống còn 1482 ). Đặc biệt thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp lại đơn vị hành chính, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân , tỉ lệ đồng thuận với chủ trương sắp xếp đạt rất cao, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 59 đơn vị hành chính cấp xã…

Một trong những nhiệm được nhiều kết quả đáng khích lệ, đó là hoạt động giám sát. Vào quý IV hàng năm, Mặt trận các cấp trong tỉnh đều nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc để xây dựng kế hoạch giám sát, báo cáo xin chủ trương của cấp ủy cùng cấp đối với nội dung và chương trình giám sát để thực hiện vào năm sau. Đặc biệt, năm 2019 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh; đã chủ trì tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong hoạt động giám sát. Việc ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp, thống nhất về nội dung, chương trình giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giám sát. Đáng chú ý, những kết quả tích cực trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Ban Thanh tra nhân dân đã thực hiện 524 cuộc giám sát, trong đó 75,4% số vụ việc kiến nghị được xử lý và trả lời; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện 853 cuộc giám sát, trong đó 97,8% số vụ được xem xét, giải quyết…

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh: Hiểu lòng dân, để khơi dậy sức dân

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.

Nhìn lại năm 2019 vừa qua, MTTQ Hà Tĩnh đã có những dấu ấn khá rõ nét. Đại hội đại biểu MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024, hệ thống Mặt trận ở Hà Tĩnh có sự đổi thay mạnh mẽ: Đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, vị thế Mặt trận được củng cố, đổi mới cả nội dung và hình thức hoạt động. Đặc biệt, việc đổi mới chương trình phối hợp, hiệp thương, thống nhất hành động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên hướng vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh đã đem lại những kết quả khả quan trong công tác Mặt trận… Tất cả đã đang và sẽ tạo tiền đề, động lực, là “cú hích” và tâm thế tốt để mỗi cán bộ trong hệ thống MTTQ Hà Tĩnh nỗ lực vươn lên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2020.

Với việc đổi mới này, 3 nhiệm vụ quan trọng đột phá mà Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019-2024 đặt ra, bước đầu đã được MTTQ các cấp thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và ở mỗi cấp đã có những sản phẩm nhất định. Bước vào năm mới 2020, để thực hiện sứ mệnh xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, đội ngũ cán bộ Mặt trận Hà Tĩnh đã và đang hình thành tâm thế mới là xây dựng lòng tin vững chắc trong nhân dân và hiểu lòng dân. Bởi dân tin thì mới khơi dậy được sức dân và hiểu lòng dân mới giải quyết những vấn đề mà nhân dân mong mỏi, kỳ vọng và từ đó góp phần vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Muốn làm được điều đó, theo tôi, vấn đề cốt yếu là phải xây dựng đội ngũ Mặt trận thực sự chuyên nghiệp, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Có cán bộ tốt mới có phong trào tốt”, đây cũng là vấn đề trọng tâm được Thường trực Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tập trung thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh: Đoàn kết nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội

Ông Nguyễn Đình Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.

Mặt trận chính là cầu nối giữa Đảng với dân, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong nhiệm kỳ mới, MTTQ tỉnh Bắc Ninh đặt ra quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội; cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với chủ đề “Bắc Ninh Đoàn kết-Đổi mới-Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Bảo vệ môi trường”; góp phần phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Thực hiện 5 chương trình hành động của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ tỉnh sẽ có những giải pháp đột phá để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của cử tri và nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, vướng mắc của nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật để kịp thời tuyên truyền, vận động, giải thích nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Từ đó kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những kiến nghị của cử tri và nhân dân. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân giải quyết kịp thời các vấn đề ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra, đó là Mặt trận thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, những vấn đề còn nhiều khó khăn, bức xúc cần tháo gỡ. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tiếp tục cụ thể hóa và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động, sáng tạo đưa nội dung phong trào vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư. Với đội ngũ cán bộ, MTTQ tỉnh tiếp tục xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ: Làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ.

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Thọ và 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Với tinh thần đó, MTTQ các cấp tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thực hiện 5 chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 đã đề ra.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận tỉnh Phú Thọ là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Do vậy, MTTQ các cấp trong tỉnh cần quán triệt và nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh; phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Thường xuyên tập hợp, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh với Đảng, chính quyền…

Những nhiệm vụ, thời cơ mới đòi hỏi MTTQ các cấp tỉnh phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động quyết tâm xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - quốc phòng - an ninh; tạo sự đồng thuận, nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển trên quê hương Đất Tổ.

Hơn bao giờ hết, mỗi người làm công tác Mặt trận phải có đủ tâm, thực sự gắn bó với dân, xuất hiện những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để tập hợp phản ánh kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền xử lý kịp thời và có hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ.

Những năm qua MTTQ các cấp của thành phố Cần Thơ luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị, các tổ chức thành viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản ánh kịp thời đến các cấp ủy đảng, chính quyền để xử lý có hiệu quả những vấn đề vướng mắc phát sinh từ cơ sở; tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” tiếp tục triển khai thực hiện đi vào chiều sâu, cụ thể năm 2017 với 107 điểm chỉ đạo ban đầu và 440 mô hình hoạt động có hiệu quả (trong đó, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia 218 mô hình, các tổ chức tôn giáo tham gia 31 mô hình), đến nay, toàn thành phố đã nhân ra và có tổng cộng là 208 điểm và 1.104 mô hình hoạt động có hiệu quả. Công nhận gia đình văn hóa đạt trên 95%; có 622/630 khu dân cư được công nhận và tái công nhận khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 98,73%; 82/85 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa; số xã được công nhận đạt chuẩn NTM đạt 36/36 xã, chiếm tỷ lệ 100% và 2 huyện được công nhận huyện NTM (Phong Điền, Vĩnh Thạnh); 35/49 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ vận động Quỹ Vì người nghèo trên 31,3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 566 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá trên 21,5 tỷ đồng…

Để góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng của địa phương, trong năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tiếp tục triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó, MTTQ các cấp sẽ tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động, như: Tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, dự thảo văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc; các nghị quyết của Trung ương Đảng có liên quan đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp ý kiến xây dựng tổ chức cơ sở đảng; giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư... với tinh thần phát huy dân chủ và trách nhiệm công dân.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; Tập trung xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội sát với yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có những kiến nghị kịp thời với cấp ủy, chính quyền cùng cấp giải quyết những điểm nóng phát sinh trên địa bàn.

Để thực hiện được những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trong thời gian tới, MTTQ thành phố sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có đức, có tài và phải có sự năng động, nhiệt huyết, phát huy khả năng sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tôi tin tưởng rằng, những đóng góp của MTTQ các cấp thành phố sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2020 của TP Cần Thơ: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân” và khẳng định vai trò, vị trí của TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL…

Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang: Đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở

Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang.

Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang.

Năm 2019 khép lại với nhiều dấu ấn tự hào đối với công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Là một địa bàn với thành phần dân cư đa dạng, nhiều dân tộc anh em cư trú, đồng thời, xuất phát điểm trong xây dựng NTM ở nhiều địa bàn còn chưa cao nhưng nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cả cộng đồng, Bắc Giang vươn lên mạnh mẽ qua phong trào xây dựng NTM.

Phải nói CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng Làng Văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng phải đến khi phong trào xây dựng NTM ra đời, một xung lực mới được cảm nhận rõ nét. Làng quê đổi mới cả về diện mạo, với những con đường khang trang, rộng rãi, những ngôi nhà mới mọc lên, những phương thức làm ăn mới được phát triển và cả về “chất” khi môi trường sống được cải thiện, đời sống tinh thần được nâng lên. Vai trò của Mặt trận thể hiện rõ nét trong các khâu như vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình công ích và vận động nhân dân bảo vệ môi trường, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa. Để làm được điều này, Mặt trận đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, chú trọng đến cơ sở. Mặt trận không chỉ “nói”, mà còn bắt tay vào làm cùng người dân. Nhiều cán bộ Mặt trận gương mẫu, đi đầu trong các phong trào nói chung, xây dựng NTM nói riêng, nhờ đó, được nhân dân tin yêu.

Nói như vậy không có nghĩa công tác Mặt trận mọi việc toàn những thuận lợi. Bắc Giang đang phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có cơ cấu kinh tế hợp lý, có kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, thuộc nhóm tiên tiến của cả nước và đứng đầu các tỉnh trung du, miền núi. Cùng với đó, tiếp tục phải tổ chức tốt vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo” và các Chương trình an sinh xã hội… Năm mới 2020 cũng là năm then chốt trong nhiệm kỳ mới của hoạt động Mặt trận. Tôi cho rằng, Mặt trận Bắc Giang cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được. Trong đó, quan trọng nhất là gần dân, sát dân, là cầu nối giữa ý Đảng– lòng dân; tham mưu cho Đảng song song với quan tâm nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện tốt điều này, tôi tin rằng, năm mới sẽ đi kèm với những thành tựu mới.

Ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định: Chủ động tham gia giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết

Ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định.

Ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định.

Bước sang năm mới 2020, đội ngũ cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở ở Nam Định mang theo “hành trang” là tinh thần phấn khởi. Bởi, cho đến nay, sau nhiều năm phát động, các phong trào mang “màu sắc” công tác Mặt trận ở Nam Định như xây dựng “Khu dân cư 5 không”, “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”, “Chùa tinh tiến”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”... vẫn đang ngày càng thấm sâu, lan tỏa ở khắp các làng quê, xứ đạo trong tỉnh. Đặc biệt, các phong trào đã huy động, phát huy được nguồn lực to lớn trong nhân dân, cả về công sức, trí tuệ, tiền bạc trong xây dựng NTM, đô thị văn minh. Nhờ có sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đến năm 2019 toàn tỉnh Nam Định đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới giai đoạn 2010-2020, với 100% xã, huyện đã đạt chuẩn. Các công tác quan trọng khác như công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; công tác giám sát, phản biện xã hội; công tác đoàn kết các tôn giáo luôn được MTTQ các cấp trong tỉnh chú trọng, duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả...

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, những người làm công tác Mặt trận ở Nam Định vẫn rất trăn trở khi kinh tế của tỉnh phát triển chưa nhanh, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh trong chăn nuôi gây thiệt hại lớn; năng suất lao động vẫn còn thấp; năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao, nguy cơ bị tụt hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận nhân dân trong tỉnh, nhất là nông dân, công nhân vẫn còn khó khăn. Công tác Mặt trận có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả...

Để giải quyết được những tồn tại trên, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Đối với công tác Mặt trận, chúng tôi xác định phải luôn chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy; sáng tạo, đổi mới trong phương thức hoạt động, trong đó phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hướng mạnh hoạt động về địa bàn khu dân cư, tham gia giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết. Tôi đơn cử, đến nay Mặt trận nhiều địa phương trong tỉnh đã phát động, xây dựng, duy trì nhiều mô hình nhân dân tự quản về bảo vệ môi trường; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn. Ngoài việc nâng cao chất lượng, chúng tôi chủ trương nhân rộng các mô hình này để phát huy hơn nữa công sức, trí tuệ của nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết...

H.Nguyên - H.Nhi - V.Mạnh - N.Phượng- Q.Trung - D.Hưng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/chung-mot-niem-tin-tintuc456031