Chứng nghiện game làm khổ cầu thủ chuyên nghiệp
Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp phải nhờ bác sĩ tâm lý giúp đỡ để cai nghiện game sau thời gian bóng đá tạm hoãn vì dịch Covid-19.
Steve Pope, một trong những bác sĩ trị liệu tâm lý hàng đầu nước Anh, tiết lộ rằng ông đang giúp đỡ 15 cầu thủ chuyên nghiệp và 30 cầu thủ nghiệp dư cai nghiện game. Số lượng bệnh nhân đã tăng gấp ba lần so với thời điểm trước khi bóng đá tạm hoãn vì dịch Covid-19.
"Nó đã tăng lên vượt mức kiểm soát. Khi bóng đá dừng lại và họ không còn gì khác để làm, các trò chơi vì thế càng trở nên hấp dẫn hơn. Giờ đây, dù quá trình tập luyện và thi đấu đã được duy trì trở lại, nghiện game vẫn là một vấn đề lớn vì các cầu thủ không thể làm ngơ trước nó", Pope chia sẻ với Sportsmail.
Ông nói thêm: "Các cầu thủ bị ám ảnh bởi trò chơi điện tử và họ có nhiều thời gian hơn bất cứ ai để chơi. Nó hủy hoại tinh thần của họ. Nó là một căn bệnh và không bao giờ nhận được sự quan tâm cần thiết".
Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp như Zlatan Ibrahimovic, Mesut Oezil, Neymar, Sergio Aguero... thường xuyên đăng tải những hình ảnh bên PlayStation hay Xbox lên mạng xã hội. Nhiều người trong số họ thậm chí còn "livestream" (phát trực tiếp - PV) trong thời gian rảnh rỗi hoặc đầu tư vào lĩnh vực eSports.
"Bạn nghiện gì không quan trọng, quan trọng là phải có một mạng lưới đủ lớn để hỗ trợ những người như bạn. Căn bệnh này không được quan tâm theo cách mà lẽ ra nó phải có. Bắt một thanh niên 20 tuổi rời tay cầm khi đã quen với việc chơi game 24 giờ không khác gì lấy những giọt whisky cuối cùng của người nghiện rượu", nhà vật lý trị liệu người Anh khẳng định.
Jeff Whitley, cựu tiền vệ Man City, chia sẻ: "Mọi người phải tự hỏi: 'Tôi chơi game vì thích hay bởi tôi phải làm vậy? Việc chơi game của tôi có ảnh hưởng đến những khía cạnh khác của cuộc sống, chẳng hạn như công việc và các mối quan hệ hay không?'. Nếu những lĩnh vực khác đang bị bỏ quên, đó là dấu hiệu cho thấy bạn gặp một vấn đề cần phải giải quyết".
Nhiều nhà phát hành, trong đó có EA Sport, thường xuyên gửi tặng những phiên bản giới hạn của các tựa game, điển hình như FIFA, cho các cầu thủ như một cách quảng bá thương hiệu. Đây cũng là tựa game được phần lớn cầu thủ yêu thích. Năm 2019, HLV Ralph Hasenhuttl của Southampton tiết lộ rằng sau khi nhận thấy chứng nghiện game cũng giống như nghiện rượu và ma túy, ông đã tắt wifi của các khách sạn để giúp các cầu thủ giữ mình.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-nghien-game-lam-kho-cau-thu-chuyen-nghiep-post1152410.html