Chung niềm vui thiện nguyện
30 năm qua, ông Phan Đức Long giúp vợ làm từ thiện. Nhưng theo ông, điểm nhấn của cuộc đời ông chính là được bà tin tưởng chọn làm người đứng sau xe lăn của mình
Sáng chủ nhật, khi bà Bùi Thị Hồng Nga (60 tuổi; ngụ đường 30-4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dạy miễn phí Anh văn cho lớp học của những trẻ là con em người khuyết tật thì chồng bà - ông Phan Đức Long - đi mua hai cây hoa sim vừa chúm chím nụ về trồng trong mảnh vườn nhà rộng khoảng 300 m2. Những nụ hoa duyên dáng, khiêm nhường rung rung trong gió mát như hài lòng về với chủ mới. Mảnh vườn này đã có hơn 100 loài hoa đẹp, cây cảnh được chăm bẵm.
Đồng điệu
"Hai cây dừa trĩu quả này ư? Là để tôi hái dừa non cho bà Nga uống mát giọng thêm đó chú à" - ông Long nói với tôi, rồi ngâm nga: "Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím. Áo nàng màu tím hoa sim". Đôi mắt ông hiền từ, đẹp và tĩnh lặng đến nao lòng trong bầu trời suy tưởng. Bà Nga cũng vậy, xưa nay cứ duyên dáng trong tà áo dài màu tím.
Láng giềng kể 30 năm nên nghĩa phu thê, căn nhà đơn sơ của vợ chồng ông Long luôn đầy ắp lời ca, tiếng hát bằng tiếng Anh của học trò đủ lứa tuổi. Còn người giúp việc đã già, hát bằng tiếng Việt, cũng rất mùi mẫn, đó là ông Long. Ông đã 67 tuổi nhưng vóc dáng vẫn nhẹ nhàng, nhanh nhẹn và tươi trẻ.
"Không có con, ông và bà buồn không?" - tôi tò mò. "Nói không buồn thì không thật lòng. Nhưng với tôi và Nga, chỉ cần yêu thương chân thành và hết mình với nhau là quá đủ rồi! 30 năm rồi mà chúng tôi vẫn hạnh phúc như ngày đầu đó thôi" - ông Long bộc bạch.
Bà Nga nhẩm tính đến nay đã có những 30 đứa con nuôi, con kết nghĩa ở khắp các tỉnh, thành ĐBSCL. Ông Long thì dường như trẻ lại khi hồi tưởng: "Tôi kết hôn năm 37 tuổi. Nhờ bà ngoại của bà Nga gá nghĩa châu trần. Bắt đầu bằng một đám cưới đơn giản, nhẹ nhàng nhưng là tình yêu từ nỗi đồng điệu chung mang tên thiện nguyện. Thu nhập của bà Nga là 8 triệu đồng/tháng, đủ lo cuộc sống cho gia đình và người cha 90 tuổi của bà ấy đang sống chung. Tôi ăn chay trường, không rượu bia, không cà phê, thuốc lá".
30 năm qua, "nghề" chính của ông Long là giúp vợ đi mua đồ, kêu gọi từ thiện, xây nhà cho người nghèo… Nhưng theo ông, điểm nhấn của cuộc đời, duyên nợ của ông với người khuyết tật chính là do được bà Nga thương yêu, tin tưởng chọn làm người đứng sau xe lăn của mình, lăn đến cả nhiều nước trên thế giới nữa, tham dự nhiều cuộc họp quốc tế rất quan trọng và ý nghĩa với người khuyết tật.
Niềm vui chung
Bà Nga tự hào kể trong hai lần được cử làm đại diện cho người khuyết tật Việt Nam dự hội thảo quốc tế về người khuyết tật ở Thái Lan vào năm 2002 và 2004, bà đều được cử phát biểu trong khai mạc và bế mạc bởi khả năng tiếng Anh được đánh giá là rất dễ nghe, dễ đi vào lòng người.
"Tôi đền đáp lại gì cho ông Long ư? Đó là tình yêu thương hết mình. Bất chấp tôi phải ngồi xe lăn, ông ấy cứ đẩy xe phục vụ. Tôi sống vui, sống có ích để đáp lại tình cảm của ông ấy và chúng tôi có một niềm vui chung là nỗ lực hết mình, tranh thủ thời gian còn lại của cuộc đời để giúp những người yếu thế trong xã hội mà nhiều khi người ta vô tình bị bỏ quên" - bà Nga tâm sự.
Bà Nga cười thật tươi, không giấu được niềm tự hào trong ánh mắt dịu dàng, kể: "Bên lề Đại hội Đại biểu MTTQ TP Cần Thơ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, biết câu chuyện cảm động của vợ chồng bà, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đề nghị ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, phải khen thưởng kịp thời cho ông Long". "Nghe được lời của anh Mẫn như thế là tôi mát lòng, mát dạ lắm" - ông Long cười, đầy bao dung.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Long trong làm thiện nguyện 30 năm qua là lần ông đưa vợ đến giúp một gia đình có 4 người khuyết tật và bệnh nặng: Chồng hở van tim, lê bước đi không nổi; vợ bị tật bẩm sinh ở cả hai chân; hai đứa con đều có vấn đề về thần kinh, không thể đi học. Căn nhà lá ở xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ của họ toang hoác, mưa đến dời chiếu tứ bề vẫn đẫm nước. Bà Nga rất đồng cảm với trường hợp này bởi bà từng đau đớn, chịu đựng di chứng của sốt bại liệt từ khi mới 8 tháng tuổi nên cả cuộc đời phải gắn với chiếc xe lăn.
Bà Nga kể vô tình biết được trong thời gian này, một ca sĩ Việt kiều Mỹ về TP Cần Thơ làm từ thiện. Bà tìm đến gặp và mời ca sĩ này cùng chồng đến xã Trường Thành thăm gia đình bất hạnh này. Đến nơi, ca sĩ này quay phim cảnh sống của gia đình có 4 người khuyết tật và về Mỹ phát trên Facebook, sau đó quyên góp được 6.700 USD gửi về giúp. Số tiền này cùng 40 triệu đồng của huyện Cờ Đỏ trợ giúp, rồi vợ chồng bà góp thêm 2 triệu đồng nữa để giúp xây dựng họ có một căn nhà tường khang trang, mưa gió không ngại nữa.
Bây giờ, bà Nga tiếp tục quay clip, gửi cho ca sĩ trên nhờ vận động thêm, giúp gia đình này có "cần câu cơm" để sinh sống. Ông Long cười, nói với tôi: "An cư mới lạc nghiệp mà chú! Từ đó mới lo được cuộc sống cho người nghèo một cách bền vững."
Giấc mơ đang có thật
Tôi đến dự một buổi dạy miễn phí Anh văn của bà Nga cho trẻ em là con em người khuyết tật. Những em này cũng phần lớn là khuyết tật. Đây cũng là lớp học đầu tiên như thế được tổ chức ở TP Cần Thơ.
Bà Nga là cựu giáo viên Anh văn của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ). Bà tổ chức dạy Anh văn miễn phí cho con em người khuyết tật từ năm 2005 đến nay, đã mời được 230 giáo viên và tình nguyện viên từ Hà Lan, Bỉ… đến dạy cho các em.
Khi tôi đến, bà Nga đang dạy kèm cho từng em một. Em nào xong thì lần lượt ra phòng học khác ở phía sau nhà để làm bài tập với sự hướng dẫn của một tình nguyện viên tên Trần Thái Hữu, sinh viên ngành thú y năm cuối của Trường Đại học Cần Thơ. Sinh viên này đến từ tỉnh Lâm Đồng trong một gia đình rất hiếu học, vì mê tiếng Anh mà tự học, nay trình độ tiếng Anh đã rất khá. Hữu chủ động gặp bà Nga xin làm tình nguyện viên dạy Anh văn 2 buổi/tuần, đến nay dạy đã được 3 tuần. Hữu nói: "Em rất mê lớp học này của cô Nga nên mỗi tuần 2 buổi đến tiếp cô dạy dây chuyền".
Em Thùy Linh, 11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Lê Bình 1 (Cần Thơ), đang chờ đến lượt vào học với cô Nga, nói với tôi rằng em là cháu của một người khuyết tật vừa qua đời. Ba mẹ là công nhân sản xuất giày dép và xây dựng. Em học tiếng Anh đã 4-5 năm rồi, vào đây học thêm vì muốn giỏi hơn nữa. Em thích cô giáo khuyết tật của em, vì cứ khiến em suy nghĩ mình đã may mắn hơn cô nên sẽ cố gắng nhiều hơn.
Từ độ 2 tháng nay, bà Nga mở thêm lớp dạy hội họa miễn phí tại nhà cho con em người khuyết tật. Lớp tiếng Anh do bà dạy, cùng nhiều tình nguyện viên đến từ Trường Đại học Cần Thơ, tham gia trợ giảng. Lớp hội họa do cô Hồng Trang, cũng là một tình nguyện viên, đảm nhiệm. Các lớp học ở đây còn có những tiết học do tình nguyện viên đến từ châu Âu và Mỹ dạy, rồi còn dẫn các em đi dã ngoại. Những tình nguyện viên này do thầy Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc một trung tâm ngoại ngữ tại TP Cần Thơ, giới thiệu.
Chuyện học tiếng Anh miễn phí với người nước ngoài là giấc mơ của nhiều học sinh. Và giấc mơ đó cũng đang có thật với cả con em người khuyết tật ở xứ Tây Đô gạo trắng nước trong, bằng tấm lòng thiện nguyện của vợ chồng một phụ nữ khuyết tật.
Nhiều người ngưỡng mộ
30 năm qua, dù phải ngồi trên xe lăn nhưng vợ chồng bà Bùi Thị Hồng Nga vẫn được nhiều người ngưỡng mộ vì không chỉ dạy nghề, dạy tiếng Anh cho người khuyết tật mà còn vận động cho những người không may mắn được 4.000 xe lăn, 700 xe lắc và hơn 1.000 cây gậy cho người mù, xây 5 căn nhà tình thương và một cây cầu ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - nơi có nhiều người khuyết tật sinh sống.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chung-niem-vui-thien-nguyen-20191019213552719.htm