Chung sống an toàn với Covid-19 nhưng tuyệt đối không chủ quan
'Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan'.
Tại cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương chiều 17/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh trách nhiệm, sự linh hoạt trong ứng phó dịch bệnh bám sát theo từng địa bàn của từng địa phương. Đặc biệt, là trách nhiệm của tất cả các cấp các ngành, chứ chỉ ngành y tế không là chưa đủ.
Phân vùng nguy cơ đến từng thôn, xã
Theo đó, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, từng ngành có biện pháp ứng phó phù hợp. Như với ngành giao thông, sẽ phải có hướng dẫn, yêu cầu cụ thể với tài xế và hành khách khi đi taxi thậm chí là đi xe ôm. Với giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp…cần rà soát, bổ sung và thực hiện phù hợp các giải pháp để khi kiểm soát được dịch bệnh kiểm soát được thì học sinh trở lại trường phải an toàn.
Cũng theo Ban chỉ đạo, vấn đề sản xuất, kinh doanh cũng phải tính đến an toàn. Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh rất cụ thể theo từng địa phương. Đặc biệt, đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán…như thế nào cho an toàn.
“Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh.
Không chỉ là giải pháp ứng phó theo cụ thể từng ngành, mà còn cần giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng để đảm bảo vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện các địa phương trên cả nước được chia làm 3 nhóm: Nguy cơ cao, Có nguy cơ và Nguy cơ thấp. Và tới đây, sẽ phân nhóm xuống cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn…để có thể điều hành sát sao hơn, ứng phó linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Điều chỉnh tích cực
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng, thời gian qua, những nỗ lực vất vả trong công tác phòng, chống dịch, đã góp phần hình thành nhiều thay đổi tích cực, mang lại những hiệu quả và cả những giá trị rất đáng trân trọng. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau…đã được khơi dậy, nhân lên. Đó là hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế, và đặc biệt dù còn nghèo Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước.
Thời gian tới, cần tiếp tục đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0 việc vận dụng công nghệ đã được thúc đẩy nhanh hơn, để tận dụng thời cơ của thời đại số hóa. Từ các cuộc họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến đến tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử... đã được triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả trước mắt.
Trong sinh hoạt, đời sống của người dân cũng có nhiều chuyển biến. Những lề thói, phong tục không còn phù hợp mà chúng ta kêu gọi thay đổi nhưng vẫn còn chậm như chen lấn, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng, ở các lễ hội xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống…nay đã dần thay đổi để phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại./.