Chung sống để chiến thắng thiên tai

Những ngày này, trong khi cả nước chung tay góp sức cùng đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão thì dải đất miền Trung lại đang căng mình ứng phó với cơn bão số 4. Là quốc gia nằm ở vị trí đặc biệt, bình quân mỗi năm Việt Nam gánh chịu trực tiếp từ 5-7 cơn bão và hàng chục trận lũ, lụt cùng các hình thái thiên tai khác, gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong 20 năm trở lại đây, tình hình thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường và rất khốc liệt. Đặc biệt, mưa bão, lũ lụt xảy ra với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng, để lại hậu quả nặng nề trong đời sống và sản xuất của người dân. Ví như năm 2020, thiên tai đã làm 356 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng. Mùa mưa bão năm 2022, cả nước đã có 175 người chết, mất tích, tổng thiệt hại gần 19.500 tỷ đồng. Mới đây, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 329 người chết và mất tích, gần 2.000 trường hợp bị thương, tổng thiệt hại về tài sản khoảng 50.000 tỷ đồng… Những số liệu nêu trên cho thấy, diễn biến của thiên tai vô cùng thảm khốc dù ngành chức năng đã dự báo trước tình hình và có thời gian chuẩn bị, ứng phó.

Có thể nói, những hậu quả nặng nề do thiên tai tàn phá không còn là điều mới lạ đối với nước ta, bởi trên dải đất hình chữ S này năm nào cũng xảy ra bão, lũ lụt, giông lốc, mưa đá, sạt lở đất… Từ xa xưa, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, ông cha ta đã luôn song hành hai nhiệm vụ “chiến lược” là chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chống thiên tai, chinh phục tự nhiên để phát triển kinh tế. Minh chứng cho hoạt động chống thiên tai, chinh phục tự nhiên của ông cha ta ngày trước là hệ thống đê điều ngăn lũ, mạng lưới kênh đào, mương dẫn nước và tiêu thoát lũ. Các hoạt động trồng cây gây rừng, trồng rừng ngập mặn nhằm làm giảm sức mạnh của gió, bão… và những kinh nghiệm quý báu trong ứng phó với thiên tai được truyền từ đời này sang đời khác. Điều này cho thấy, ông cha ta đã chọn cách chung sống với bão lũ, các hình thái thiên tai và chủ động thích ứng để chiến thắng các hiện tượng cực đoan của tự nhiên, đưa đất nước, dân tộc trường tồn và phát triển rực rỡ đến ngày nay.

Hiện diễn biến của thiên tai ngày càng phức tạp và để lại nhiều hậu quả khủng khiếp, tiếp tục là sự cảnh báo đối với con người trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, ngoài các phương án phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả mà Việt Nam đang thực hiện trong thời gian qua còn có những việc phải làm ngay. Đó là nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng việc trồng rừng làm cân bằng lại hệ sinh thái, điều tiết khí hậu, đồng thời vừa cản sức gió của bão vừa giữ đất, chống xói lở, lũ quét. Tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm điều tiết lưu lượng nước cho các dòng sông, tránh nguy cơ lũ quét ở thượng nguồn và ngập lụt ở vùng hạ lưu. Đã đến lúc Việt Nam cần hạn chế tối đa những dự án xây dựng nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, bởi đây là một trong những nguyên nhân vừa gây mất rừng vừa tạo ra lũ chồng lũ tại nhiều địa phương trong thời gian qua.

Đối với nhân dân, phải thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình bão, lũ tại nơi mình đang sống để chủ động ứng phó. Vào đầu mùa mưa bão cần chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà cửa, làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng nước tiếp tục lên cao và sẵn sàng di tản đến nơi an toàn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/162935/chung-song-de-chien-thang-thien-tai