''Chung sống'' hài hòa với tự nhiên

Đã có một thời, trên thế giới phổ biến quan điểm 'chinh phục thiên nhiên' nhằm phục vụ các mục tiêu canh tác, khai thác, sản xuất... nên của cải vật chất và hàng tiêu dùng để phục vụ cho con người. Nhiều nước đã đặt lợi ích phát triển kinh tế lên trên yếu tố bảo vệ môi trường.

Suốt qua trình đó, dù ít dù nhiều, hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học của các loài đã bị tác động và thay đổi khá nhiều, đặc biệt ở những quốc gia đang “bùng nổ” về sản xuất và nỗ lực phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, điều may mắn là sau nhiều sự cố về môi trường, ngày nay quan điểm này đã thay đổi. Thay vì phát triển với tâm thế “chinh phục” tự nhiên thì nhiều quốc gia đã sớm chuyển hướng thành “chung sống hài hòa” với tự nhiên và đề cao yếu tố bảo vệ môi trường.

Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xem trọng yếu tố bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn đa dạng sinh học được hiểu là bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, hệ sinh thái đặc thù hoặc hệ sinh thái mang tính đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nét đẹp độc đáo của tự nhiên…

Đồng Nai cũng là một trong số các địa phương được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái phong phú. Trong đó, đặc biệt nhất là Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2005 với một hệ sinh thái độc đáo, phong phú và đa dạng. Vườn quốc gia Cát Tiên có 5 kiểu hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Đông Nam bộ như: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, rừng lồ ô tre nứa thuần loại và thảm thực vật rừng ở vùng đất ngập nước ven sông mang tính chất đặc biệt của Vườn quốc gia Cát Tiên và là vùng đất ngập nước Ramsar (Bàu Sấu) có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế với hàng ngàn loài động, thực vật phong phú và nhiều loài có tên trong Sách đỏ.

Chính vì vậy, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đã được tỉnh chú trọng thực hiện từ khá lâu với nhiều chính sách cụ thể, nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh thái, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên rừng - hồ - thác… và chú trọng cả công tác bảo vệ lẫn tái tạo môi trường. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định, sẽ không “đánh đổi” phát triển kinh tế với môi trường, đặt mục tiêu bảo vệ môi trường lên hàng đầu, các hoạt động từ sản xuất công nghiệp đến sản xuất nông nghiệp hay phát triển du lịch đều phải ưu tiên bảo vệ môi trường và không gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Giữ gìn môi trường sống hài hòa, bền vững cũng được xem là trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202105/chung-song-hai-hoa-voi-tu-nhien-3059197/