Chung sức bảo vệ biên cương
Những năm qua, nhân dân trên tuyến biên giới Bình Phước đã chung sức, đồng lòng cùng lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh khu vực biên giới, qua đó củng cố vững chắc 'thế trận lòng dân'.
Mối quan hệ “quân với dân” đã tạo thành động lực to lớn xây dựng hệ thống chính trị ổn định, phát triển thế mạnh kinh tế vùng biên, tạo ra một biên cương phát triển trù phú, gây dựng mối quan hệ với nước bạn Campuchia trên tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
Thực hiện “3 cùng, 4 bám”
Với phương châm trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, các cán bộ, đảng viên Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, gặp gỡ, tiếp xúc, giúp đỡ nhân dân. Từ đó, người dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Hơn 3 năm công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh (Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước), Đại úy Nguyễn Hồng Thuận, Đội trưởng Đội vận động quần chúng trở nên thân thuộc với người dân và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn mình phụ trách. Thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, đảng viên trẻ Nguyễn Hồng Thuận luôn gần gũi, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp người dân.
Anh Thuận chia sẻ: Năm 2020, được Ban Chỉ huy đồn phân công phụ trách 5 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Tôi trực tiếp đến gặp gỡ từng gia đình, nắm bắt tình hình kinh tế, tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm để tư vấn cho các hộ dân phát triển kinh tế hộ gia đình.
Gia đình ông Lâm Nghen ở ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh được Bộ đội biên phòng hỗ trợ áp dụng những kiến thức khoa học-kỹ thuật phát triển kinh tế. Đến nay gia đình ông có cuộc sống ổn định nhờ trồng lúa nước (5 sào lúa nước, mỗi vụ thu hoạch khoảng 2 tấn lúa) và nuôi, nhận nuôi bò cho các hộ trong vùng.
Theo ông Nghen, cuộc sống đổi thay tích cực của người Khmer ở ấp Tà Thiết hôm nay là nhờ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và Bộ đội biên phòng đã luôn gắn bó, hết lòng giúp đỡ đồng bào.
Là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Tà Thiết (xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh), ông Lâm Khay luôn sát cánh cùng cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh để đến nhà dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Biên giới quốc gia, các hiệp định về biên giới. Đồng thời, nắm bắt tình hình ở cơ sở để kịp thời hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội.
“Cùng với đó, Bộ đội biên phòng còn thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ địa phương như: con nuôi đồn biên phòng, đỡ đầu học sinh khó khăn, các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế... Do đó, đồng bào ở đây ai cũng đồng lòng và gắn bó với bộ đội”, ông Lâm Khay cho biết.
Theo Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Lê Trường Sơn, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước đã tham gia cùng cấp ủy địa phương trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân khu vực biên giới trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, thực hiện Kết luận số 68-KL/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch số 10-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về chủ trương “Tăng thêm cấp ủy viên cấp xã, cấp huyện biên giới là cán bộ biên phòng”, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước đang duy trì 1 cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện, 9 cán bộ tham gia cấp ủy cấp xã, trong đó có 5 người là cán bộ tăng cường. Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng thống nhất với huyện ủy 3 huyện biên giới tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ đề nghị bổ sung cấp ủy viên cấp huyện, cấp xã đã điều động vị trí khác do yêu cầu nhiệm vụ.
Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước phân công hơn 100 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 85 chi bộ thôn, ấp; phân công 257 cán bộ, đảng viên phụ trách, giúp đỡ 931 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, triển khai các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đồng bào là tai mắt của biên phòng
Nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, Bình Phước có đường biên giới dài 258,939km, tiếp giáp 3 tỉnh: Kratie, Mondulkiri, Tbong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia, với 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ, 4 cửa khẩu, 1 lối mở.
Cùng với lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, mỗi người dân đang từng ngày bám biên giới mưu sinh là những “cột mốc sống” bảo vệ vững chắc từng tấc đất, chủ quyền lãnh thổ, cho biên cương thêm xanh, ổn định và phát triển.
Để xây dựng được tuyến phòng thủ vững chắc, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền mọi người dân chung sức, đồng lòng bảo vệ biên cương.
Ông Điểu Ngon ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Trong ấp này rất nhiều hộ dân có người thân đang sinh sống và làm việc tại xã Tuần Lung, huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Khmum, Vương quốc Campuchia. Chúng tôi đều được tuyên truyền và nắm chắc việc gia đình, người thân qua lại hai bên biên giới luôn phải thực hiện đúng quy định. Do đó, mỗi lần có việc quan trọng qua biên giới, chúng tôi đều phải báo trạm, báo chốt, báo Bộ đội biên phòng.
Không chỉ chấp hành quy chế biên giới, đồng bào sống cặp biên giới đều đăng ký cam kết và tự nguyện tham gia các đợt tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc, phát quang, vệ sinh môi trường chung quanh mốc giới.
Ông Điểu Bé, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện nói: “Bà con nơi đây gắn bó máu thịt với Bộ đội biên phòng lâu đời, bộ đội đi đâu, đồng bào theo đó, bộ đội nói dân nghe và theo ngay.
Có nhà cửa kiên cố ở thị trấn Lộc Ninh, huyện biên giới Lộc Ninh, song hơn 10 năm trước, anh Vũ Hữu Trong bén duyên làm quản lý cao-su tiểu điền rồi bám trụ lại ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.
Với anh Trọng, mỗi ngày sống ở khu vực vành đai biên giới thì mình như chiếc “camera chạy bằng cơm” giám sát người lạ qua lại biên giới, khi thấy có dấu hiệu khả nghi báo cáo kịp thời với lực lượng chức năng để xử lý.
Anh Trong chia sẻ: Vườn cao-su mà tôi quản lý trải dài trong khu vực vành đai, bao trọn 3 cột mốc giới quốc gia. Năm 2021, vào thời điểm bùng phát dịch Covid-19, có người đến hỏi cho mượn đường đi qua vườn cây để đưa người qua biên giới Campuchia. Lúc đó tôi bình tĩnh xử lý tình huống, đồng thời báo cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước mật phục bắt giữ các đối tượng. Một lần khác, khi Bộ đội biên phòng tỉnh bắt đoàn người vượt biên trái phép, trong đó có một phụ nữ nghi nhiễm Covid-19, vợ chồng tôi không ngần ngại cùng phối hợp hỗ trợ đưa đối tượng về đồn biên phòng.
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực vành đai biên giới cũng luôn xem mình là “camera” bảo vệ an ninh trật tự và mốc giới quốc gia. Đơn cử như ông Điểu Minh ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh đã 20 năm qua ông ký cam kết với Bộ đội biên phòng cùng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Chỉ tính riêng năm 2022, ông Điểu Minh đã báo khoảng 10 có giá trị cho lực lượng chức năng.
Ông Điểu Minh cho biết, nhờ được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức giữ vững chủ quyền an ninh biên giới nên tôi luôn tuân thủ quy chế biên giới và phối hợp chặt chẽ với các chiến sĩ đồn biên phòng phòng chống tội phạm trên biên giới. Tôi không nhớ hết số lần gọi báo tình hình cho cán bộ biên phòng, nhưng hễ có ai lạ hay như đợt nước ngập làm ảnh hưởng cột mốc tôi cũng gọi điện báo cho biên phòng. Tôi luôn nghĩ, mình bảo vệ cột mốc cũng là bảo vệ cho dân mình.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”. Và ở mỗi vị trí, vai trò của những người lính mang quân hàm xanh luôn ghi nhiều dấu ấn đậm nét, giữ vững bình yên tuyến biên giới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chung-suc-bao-ve-bien-cuong-post776797.html