Chung sức giữ 'hồn làng'

Đi qua bao mùa mưa nắng, trải qua hàng trăm cơn bão hoành hành, những ngôi nhà rông tại xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vẫn sừng sững giữa làng, vẹn nguyên nét truyền thống của người Xơ Đăng. Bởi vào tháng 9 và tháng 10 hằng năm, nếu nhà rông có dấu hiệu xuống cấp, dân làng sẽ cùng chung tay tu sửa để giữ hồn làng.

Bà con Xơ Đăng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức sửa chữa nhà rông. Ảnh: Văn Tùng

Bà con Xơ Đăng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức sửa chữa nhà rông. Ảnh: Văn Tùng

Những ngày đầu tháng 10, nắng vàng rợp mọi nẻo đường đến xã Đăk Na. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lê Văng A Piếu đứng ngắm nhà rông của làng với vẻ mặt đầy hài lòng. Nhà rông của làng đang được bà con tu sửa để kịp đón lễ hội mừng lúa mới. “Đây là nhà sinh hoạt truyền thống của người Xơ Đăng bao đời nay, vừa được tu sửa từ những đóng góp của cả cộng đồng làng, mà không dựa vào bất kỳ hỗ trợ kinh phí nào từ chính quyền” - anh A Piếu nói với tôi bằng vẻ mặt đầy tự hào.

Sau nhiều năm phơi nắng, gánh mưa, “linh hồn” của làng dường như mất đi một phần sinh lực. Khe hở trên mái nhà lộ ra nhiều hơn, nhiều cây rui mè mục nát, anh A Piếu sợ rằng nhà rông sẽ không trụ vững trong những buổi sinh hoạt của làng sắp tới. Một cuộc họp “đánh giá hiện trạng” nhà rông được tổ chức với sự tham gia của đại diện các gia đình, người có uy tín, cán bộ thôn. Với kinh nghiệm mà cha ông để lại, các thành viên bắt đầu tính toán số lượng lá lợp, rui mè để chuẩn bị hành trình thay áo mới cho “hồn làng”.

Sau buổi đánh giá, 5 giờ sáng một ngày đầu tháng 10, ba hồi kẻng vang vọng khắp làng. Trong tiết trời se lạnh, sương mù còn bảng lảng, thấp thoáng những bóng người tiến về phía nhà rông, chẳng mấy chốc, dân làng Lê Văng đã có mặt đông đủ. "Bà con ta phải chung tay góp sức sửa chữa nhà rông để có nơi sinh hoạt" - giọng anh A Piếu vang lên dõng dạc.

Sau khi nghe Bí thư Chi bộ A Piếu phổ biến một số nội dung để chuẩn bị sửa chữa nhà rông, người dân trong thôn đều tán thành. Nhiệm vụ được phân công cụ thể, rõ ràng, thanh niên trai tráng, đàn ông khỏe mạnh phụ trách phần việc chặt tre, nứa rồi sẽ cùng chị em phụ nữ lo thêm phần tìm lá lợp mái. “Hla Dza” là loại lá mà người Xơ Đăng vẫn thường dùng để lợp mái nhà rông, theo tiếng phổ thông là lá tranh. Để có đầy đủ số lá, dân làng Lê Văng buộc phải chia thành nhiều nhóm cắt mất gần cả tuần.

Những người thợ làm vật dụng trang trí nhà rông. Ảnh: Văn Tùng

Những người thợ làm vật dụng trang trí nhà rông. Ảnh: Văn Tùng

Bí thư Chi bộ A Piếu kể, khó nhất là phần chặt tre, các loại dây rừng để buộc chặt. Ngày xưa, dây rừng có nhiều, dễ dàng kiếm nhưng giờ đây, muốn có đủ số dây buộc phải vào rừng sâu, vượt qua nhiều triền núi hiểm trở. Khi vật liệu đã tập kết đầy đủ, toàn bộ dân làng tập trung trước sân. Phụ nữ phân chia lá thành từng bó nhỏ, người già thì chẻ mây, thanh niên khỏe mạnh thì trèo lên mái nhà. Từng lớp lá cũ được tháo ra đưa xuống, từng cây rui mè mục được thay mới. Khi xong phần khung mái nhà rông cũng là lúc “hồn làng” sắp sửa được khoác “áo” mới. Đây có lẽ là phần việc mà dân làng thích nhất, vì mọi người có thể vừa làm, vừa hát những câu hát của người Xơ Đăng và ngắm công trình của làng dần hoàn thiện. Từng lớp lá mới được chuyển lên cho những “người thợ” lợp theo sự hướng dẫn của những người già. Với sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần đoàn kết cao độ của dân làng Lê Văng, công trình trọng đại đã được hoàn thiện, sẵn sàng đón những ngày hội sắp đến.

Ông A Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Không riêng làng Lê Văng, nhiều ngôi làng trên địa bàn xã Đăk Na cũng giữ gìn được vẻ đẹp truyền thống của nhà rông người Xơ Đăng nhờ vào sự đoàn kết, tinh thần cộng đồng của dân làng. “Điều đáng nói, những nhà rông ở đây được sửa chữa từ tinh thần đoàn kết, đóng góp của cộng đồng, từ sự gương mẫu của những đảng viên, không trông chờ vào bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước” - ông Dũng nói.

Văn Tùng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-suc-giu-hon-lang-post483269.html