Chung sức hỗ trợ công nhân trong mùa dịch

Những ngày này, cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế trong điều tra, truy vết trường hợp liên quan đến dịch Covid-19, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp, kịp thời hỗ trợ công nhân đang ở tại các khu nhà trọ trên địa bàn.

"Mỗi người một tay, đánh bay Covid"

Đã hơn chục ngày nay, cứ 6 giờ sáng, chị Lương Thị Ngần (SN 1980) quê ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), công nhân Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu lại đến gõ cửa từng phòng trong dãy nhà trọ ở thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên) thống kê nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu của từng người rồi chuyển cho chủ nhà trọ.

Dựa trên những thống kê của chị Ngần, chủ nhà trọ ra "siêu thị 0 đồng” ở trong thôn nhận, chuyển về tận tay công nhân.

Lãnh đạo UBND xã Vân Trung (Việt Yên) kiểm tra lượng hàng hóa tại "siêu thị 0 đồng" ở thôn Trung Đồng.

Lãnh đạo UBND xã Vân Trung (Việt Yên) kiểm tra lượng hàng hóa tại "siêu thị 0 đồng" ở thôn Trung Đồng.

Được biết, khu nhà trọ nơi chị Ngần đang ở có 10 phòng với 25 người, chủ yếu là công nhân làm việc tại KCN Quang Châu và đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Khi dịch bùng phát, chị Ngần cùng toàn bộ công nhân đang ở trọ phải ở lại phòng. Từ đó, các chủ nhà trọ trở thành cầu nối giữa công nhân và chính quyền địa phương trong tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, từ các nguồn tài trợ, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho 1.262 công nhân lao động với số tiền 145,7 triệu đồng; cung cấp hàng hóa tại 21 "siêu thị 0 đồng”, tổng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng; 1 "ATM gạo" ở xã Vân Trung. Ngoài ra, công đoàn cấp huyện, cơ sở vận động ủng gần 13,7 tỷ đồng.

Nhận thấy mình có thể tham gia, chung sức phòng, chống dịch (PCD), chị Ngần tình nguyện góp sức, chịu trách nhiệm theo dõi, lên dach sách các mặt hàng công nhân đang có nhu cầu. “Với mong muốn chung tay PCD, tôi tình nguyện tham gia tổ cộng đồng của nhà trọ, hỗ trợ chủ nhà tuyên truyền, vận động công nhân chấp hành nghiêm quy định PCD, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người để cùng tháo gỡ. Việc làm tuy nhỏ song tôi thấy vui vì cũng góp phần cùng địa phương đánh bay Covid”

Các tình nguyện viên tham gia vận chuyển hàng hóa đến các thôn, tổ dân phố ở huyện Việt Yên.

Các tình nguyện viên tham gia vận chuyển hàng hóa đến các thôn, tổ dân phố ở huyện Việt Yên.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn tỉnh có 196.345 công nhân lao động nghỉ việc, trong đó có 196.046 công nhân của 572 doanh nghiệp phải nghỉ do thực hiện cách ly, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch Covid-19 và các doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất ở 4 KCN.

Riêng tại huyện Việt Yên và các xã: Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư (Yên Dũng) có khoảng 24 nghìn công nhân không phải người địa phương đang ở lại thực hiện cách ly, theo dõi tại nơi ở trọ và công nhân lao động ngoài tỉnh ở lại không về địa phương.

Ghi nhận tại huyện Việt Yên cho thấy, huyện thành lập các tổ nắm bắt khó khăn, nguyện vọng của công nhân, tổ PCD cộng đồng, đồng thời công khai số điện thoại của lãnh đạo các xã, thị trấn tại các khu nhà trọ, kịp thời tiếp nhận, giải quyết vướng mắc, khó khăn cho công nhân. Tại khu nhà trọ, mỗi chủ nhà trở thành “người vận chuyển” khi chịu trách nhiệm tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ rồi đưa đến từng phòng trọ và sẵn sàng lên đường mua giúp công nhân các mặt hàng cần thiết.

Người dân bảo đảm khoảng cách khi mua bán hàng tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng).

Người dân bảo đảm khoảng cách khi mua bán hàng tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng).

Tương tự, tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng), đồng hành cùng hơn 7 nghìn công nhân đang ở trọ, UBND xã giao các thôn vận hành, duy trì hiệu quả 5 "gian hàng 0 đồng”. Hằng ngày, căn cứ vào số hàng hóa hỗ trợ từ tỉnh, huyện, nhà hảo tâm, địa phương sẽ phân phát đến các gian hàng theo lượng công nhân tại mỗi địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nội Hoàng Dương Thế Thuần cho biết: “Nhờ phân phối hàng hóa hợp lý nên tất cả công nhân đều có đủ lương thực cũng như nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống. Cùng với đó, chúng tôi duy trì một số cơ sở bán các mặt hàng không có tại các gian hàng như: Thịt lợn, hoa quả, cháo dinh dưỡng… Khi công nhân có nhu cầu sẽ đăng ký để chủ nhà trọ đi mua giúp”.

Không để công nhân nào bị đói, khát

Với quyết tâm “không để công nhân nào bị bỏ đói, bỏ khát”, những ngày qua, tỉnh cũng như các địa phương có nhiều cách làm hiệu quả, huy động cộng đồng, doanh nghiệp cũng như các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ.

Với vai trò cầu nối của người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cử 10 cán bộ công đoàn tham gia Tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn PCD Covid-19 tại doanh nghiệp, kêu gọi ủng hộ hàng hóa nhằm hỗ trợ người lao động cũng như duy trì hoạt động của các "siêu thị 0 đồng”.

Phun khử khuẩn đối với phương tiện vận chuyển hàng hỗ trợ.

Phun khử khuẩn đối với phương tiện vận chuyển hàng hỗ trợ.

Tại các địa phương, tùy vào đặc thù địa bàn, mỗi nơi lại có cách làm riêng song đều có chung một mục tiêu là đưa hàng hóa đến tay công nhân nhanh nhất, đầy đủ nhất. Ví như tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên), trên cơ sở hàng hóa được hỗ trợ, ban quản lý thôn giao Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm phân loại, chia các mặt hàng cho từng người. Trong khi đó hội viên phụ nữ thôn gánh vác vai trò “anh nuôi” đối với các trường hợp không thể tự nấu ăn tại phòng trọ.

Ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ ổn định đời sống cho công nhân ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn trong thời gian thực hiện cách ly PCD Covid cho biết: “Để bảo đảm cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, ổn định đời sống công nhân đang ở trọ, Tổ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể. Dựa trên kế hoạch này, các thành viên trong Tổ tăng cường vận động, huy động sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Cùng đó hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện, bảo đảm 100% công nhân được nhận lương thực cùng nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống, sinh hoạt”.

Tương tự, tại thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái (Việt Yên), sáng sớm, 4 đoàn viên thanh niên trong thôn đi xe máy đến từng nhà trọ thống kê các mặt hàng theo nhu cầu của công nhân trước khi cùng các tình nguyện viên phân chia, vận chuyển hàng hỗ trợ đến từng xóm trọ. Anh Đinh Xuân Cường (SN 1989) ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Xuân (Nghệ An), công nhân KCN Đình Trám nói: “Những ngày qua, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền, các ban, ngành và người dân địa phương. Dù cuộc sống, sinh hoạt không thể như những ngày bình thường song chúng tôi nhận được đầy đủ các mặt hàng thiết yếu”.

Để hỗ trợ công nhân, người lao động, mới đây tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống công nhân là người tỉnh ngoài đang ở tại địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Việt Yên rà soát, xây dựng kế hoạch mở lại các cửa hàng thiết yếu, tập trung chuyển hết hàng hóa ủng hộ, tài trợ về tận thôn, tổ dân phố. Thực hiện chỉ đạo này, cùng với phân chia các mặt hàng về cơ sở, huyện thành lập các tổ giám sát để kiểm tra, giám sát, tính toán số lượng công nhân, nhu cầu đáp ứng các mặt hàng thiết yếu. Các xã, thị trấn ven KCN đang tập trung rà soát các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, lên danh sách những cơ sở đủ điều kiện mở lại.

Hàng hóa được tập kết để hỗ trợ công nhân đang ở trọ tại xã Vân Trung.

Hàng hóa được tập kết để hỗ trợ công nhân đang ở trọ tại xã Vân Trung.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên nói: “Đến thời điểm này, trên địa bàn không có tình trạng công nhân bị đói, khát. Với những trường hợp phản ánh thiếu một số nhu yếu phẩm, chúng tôi đã cho kiểm tra, hỗ trợ ngay. Riêng về việc mở lại các cửa hàng kinh doanh hành hóa thiết yếu, địa phương sẽ tính toán để mở lại song số lượng không nhiều và sẽ tổ chức mua hàng theo giờ, ngày để tránh tập trung đông người”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/360076/chung-suc-ho-tro-cong-nhan-trong-mua-dich.html