Chung sức vì mái ấm người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vựa lúa gạo, vựa trái cây, vựa thủy sản lớn nhất cả nước, với dân số chiếm khoảng 1/5 dân số cả nước. Người dân ĐBSCL sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, có sức đóng góp đến 20% GDP của cả nước hàng năm. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người dân ở khu vực này luôn thấp hơn thu nhập bình quân đầu người của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, trong những thập niên gần đây, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân ở ĐBSCL luôn đặt lên hàng đầu, nhiều năm qua các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL thực hiện nhiều chính sách, vận dụng các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, trong đó, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được xem là một trong những giải pháp tạo nền tảng vững chắc để hộ nghèo 'an cư lạc nghiệp', vươn lên thoát nghèo bền vững…

Kỳ 2: Tạo động lực cho hộ nghèo

Cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực chỉ đạo, triển khai các giải pháp hỗ trợ giúp cho hàng ngàn hộ nghèo xây dựng nhà mới kiên cố. Từ đó, tạo thêm động lực và niềm tin để những hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Những đêm không ngủ

Nhiều năm qua, gia đình ông Hồ Hồng Sơn ở Ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) luôn nơm nớp lo âu khi trú ngụ trong căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê, dù cố gắng đến mấy thì tiền làm ra cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho hai vợ chồng ông. Vì vậy, việc tiết kiệm tiền để xây dựng một ngôi nhà kiên cố đối với gia đình ông là điều xa vời.

Ước mơ có nhà mới đã trở thành hiện thực khi trong năm 2021, từ Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở của tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Phú và chính quyền địa phương đã khảo sát và hỗ trợ gia đình ông Sơn 50 triệu đồng. Từ nguồn lực này, cùng với sự hỗ trợ của người thân, ông Sơn đã xây dựng được căn nhà rộng hơn 50m2 thay thế cho căn nhà lụp xụp trước đây. Ông Sơn xúc động chia sẻ: “Có được căn nhà kiên cố thế này, tôi thoát khỏi cảnh ngủ nhờ bên nhà mẹ vợ hay những đêm mưa to gió lớn phải ngồi thức tới sáng”.

Trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng nhà tại TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đặt viên gạch chia sẻ niềm vui với hộ dân được hỗ trợ. Ảnh: QUỐC KHA

Trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng nhà tại TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đặt viên gạch chia sẻ niềm vui với hộ dân được hỗ trợ. Ảnh: QUỐC KHA

Không an tâm ngủ vào những đêm mưa to gió lớn là tâm trạng chung của nhiều hộ nghèo khi sống trong căn nhà xập xệ, mái thì bị dột, cột thì xiêu vẹo. Theo nhiều người, dù đã cố gắng chắt chiu từng đồng để có thể sửa chữa lại căn nhà xuống cấp nhưng những chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải cần đến, nhất là khi tuổi cao sức yếu thì việc mưu sinh càng khó khăn hơn nên đành gác lại ước mơ về nhà ở. Kể về hoàn cảnh của mình, bà Lý Thị Liêm ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) không khỏi ngậm ngùi: “Tôi đang tuổi xế chiều, trong người mang nhiều bệnh không làm ra tiền được, lại sống một mình nên vào những đêm mưa gió lớn nhà bị dột, tôi hay qua nhà người khác ngủ nhờ, có đêm thì thức luôn vì sợ nhà sập”.

Những nỗi lo ấy đang dần được xua đi khi các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Mùa mưa năm nay, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn cũng đã quẳng gánh âu lo, an tâm sinh sống trong những căn nhà kiên cố do ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động nguồn lực hỗ trợ. Không chỉ hộ bà Lý Thị Liêm ở tỉnh Sóc Trăng đã được hỗ trợ nhà ở kiên cố mà còn rất nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn khác cũng được trợ lực để có nhà.

Bà Ngô Thị Nhồng ở ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chia sẻ: “Ở tuổi ngoài 50, tôi sống một mình lại bị tật ở một bên mắt nên khi có căn nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp, tôi rất vui mừng. Bởi nhiều năm qua, dù chắt chiu từng đồng từ việc nuôi heo, tôi vẫn không đủ tiền để xây nhà, đành chịu cảnh nhà dột cột xiêu”. Theo bà Nhồng, căn nhà gần 40m2 được xây dựng với tổng trị giá 50 triệu đồng đến từ sự hỗ trợ của ngành chức năng đã giúp bà an tâm hơn trong tuổi xế chiều, mỗi dịp Tết đến, con cháu sum họp cũng rộn rã tiếng cười hơn.

Niềm vui lan tỏa

Việc triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở đã giúp nhiều hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát, thể hiện sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay vì người nghèo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và tạo động lực cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên.

Theo ông Đặng Văn Bụng ở ấp Nội Ô, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thu nhập từ nghề chạy xe ôm của ông và việc bán vé số của vợ ông chỉ đủ trang trải qua ngày, trong khi gia đình còn chăm lo cho người em bị bệnh nên việc xây một căn nhà kiên cố thay cho căn nhà cũ nát hàng chục năm qua đối với ông là điều xa xỉ. Đến khi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng cùng số tiền tích cóp và mượn thêm thì gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang với diện tích khoảng 60m2. Giờ đây, các thành viên trong gia đình ông được đảm bảo an cư và chỉ còn lo tập trung lao động để cuộc sống tốt hơn.

Chị Nguyễn Kiều Diễm ở ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) an tâm chăm lo cho con cái trong căn nhà mới. Ảnh: QUỐC KHA

Chị Nguyễn Kiều Diễm ở ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) an tâm chăm lo cho con cái trong căn nhà mới. Ảnh: QUỐC KHA

Niềm vui có nhà mới cũng đến với gia đình chị Nguyễn Kiều Diễm ở ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khi tháng 7/2021 căn nhà tường rộng 50m2 có nền lót gạch men, mái tôn vững chắc được xây xong. Đó cũng là thời điểm kết thúc chuỗi ngày vợ chồng và đứa con trai của chị phải nương nhờ nhà người thân vì căn nhà trước đó của gia đình chị bị sập do cơn lốc ập tới. Chị Diễm trải lòng: “Hai vợ chồng tôi đi tỉnh Bình Dương làm công nhân, sau thời gian tích cóp được một số tiền, chúng tôi về quê cất nhà với tổng chi phí khoảng 30 triệu đồng. Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì nhà bị sập. Thấy hoàn cảnh chúng tôi khó khăn nên chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với 20 triệu đồng của gia đình dành dụm, chúng tôi mới xây lại được căn nhà này”. Để căn nhà thêm ấm cúng, các đơn vị hỗ trợ còn tặng một số nội thất cho gia đình chị và 1 chiếc xe máy để vợ chồng chị làm phương tiện đi lại khi làm thuê.

Hộ dân là đồng bào Khmer ở Sóc Trăng tiếp khách bên căn nhà kiên cố được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Ảnh: QUỐC KHA

Hộ dân là đồng bào Khmer ở Sóc Trăng tiếp khách bên căn nhà kiên cố được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Ảnh: QUỐC KHA

Tại tỉnh Bến Tre, công tác hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở cũng được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm thực hiện bằng những hoạt động thiết thực. Đáng chú ý, nhờ phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương trong việc vận động xã hội hóa để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã giúp nhiều hộ gia đình an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Theo anh Lê Xuân Mạnh ở ấp Giồng Sậy, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, từ việc được hỗ trợ nhà ở kiên cố đã tiếp thêm động lực cho anh rất nhiều trong việc phát triển kinh tế gia đình. Anh Mạnh kể: “Bản thân mình bị thoái hóa cột sống không thể làm lụng nặng nhọc được, kinh tế gia đình còn eo hẹp nên luôn trăn trở về chuyện xây nhà mới để cho vợ con không còn phải chen chúc nhau trong một chiếc giường né mưa khi nhà bị mưa dột. May mắn là các cấp chính quyền và cộng đồng đã hỗ trợ gia đình tôi 50 triệu đồng, gia đình tôi cũng góp thêm 20 triệu đồng để có căn nhà kiên cố hơn”. Khi có nhà mới, anh Mạnh còn được hỗ trợ cho vay thêm 40 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi bò và dê, chăn nuôi ngày càng phát triển đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Nếu căn nhà lúc vừa xây xong chỉ gần 50m2 thì khi kinh tế ngày càng phát triển, anh Mạnh đã mở rộng thêm diện tích căn nhà rộng hơn để việc sinh hoạt trở nên tiện nghi hơn.

Mỗi hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng khi được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các hộ có nơi ở mới, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cũng được khởi nguồn từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

TRỌNG NHÂN - CHÍ BẢO - QUỐC KHA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/chung-suc-vi-mai-am-nguoi-ngheo-o-dong-bang-song-cuu-long-58969.html