Chung sức vì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông

Thêm một nỗ lực hợp tác nhằm đáp trả tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông khi Vương quốc Anh và Zew Zealand vừa cùng ra Tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ một khu vực Biển Đông tự do và rộng mở dựa theo những quy định của luật pháp quốc tế.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng tàu hải quân Singapore ở Biển Đông hồi tháng 7-2021

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng tàu hải quân Singapore ở Biển Đông hồi tháng 7-2021

Không thể ngồi yên trước thách thức an ninh chung

Trong một tuyên bố chung được đưa ra giữa Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson và người đồng cấp Jacinda Ardern trong chuyến thăm chính thức Anh đầu tiên sau khi nhậm chức của tân Thủ tướng New Zealand, hai người đứng đầu Chính phủ Anh và New Zealand đã tái khẳng định ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và ở những khu vực rộng hơn theo quy định của luật pháp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo Anh và Zealand cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hòa bình và ổn định cũng như giải pháp hòa bình thông qua đối thoại.

Tuyên bố trên được dư luận quan tâm, chú ý nếu nhìn vào ứng xử cũng như lập trường của New Zealand bởi đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương này luôn cố gắng “làm mọi thứ tốt nhất có thể” nhằm duy trì mối quan hệ ổn định và hữu hảo với Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand chứ không phải cường quốc kinh tế số một thế giới là Mỹ hay các nền kinh tế phát triển ở châu Âu.

Tuyên bố thể hiện lập trường đáng chú ý của New Zealand được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động gây lo ngại ở Thái Bình Dương, tập trung ở Biển Đông, và mới đây can dự cả tới khu vực Nam Thái Bình Dương xa xôi với Trung Quốc nhưng lại là sát gần với New Zealand. Điều này khiến tất cả quốc gia có lợi ích chiến lược liên quan tới các vùng biển này không thể không phòng ngừa, ứng phó.

Trung Quốc sau khi bị Tòa trọng tài trường trực quốc tế (PCA) bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đổng đã ráo riết tiến hành quân sự hóa, gia tăng các hành động hung hăng, gây hấn và bắt nạt nhằm dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền. Điều này không chỉ đe dọa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác liên quan mà còn đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở tuyến vận tải biển, hàng không được xem là huyết mạch quan trọng ở khu vực và thế giới.

Biển Đông là cửa ngõ hàng hải của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế toàn cầu. Vùng biển này kết nối Ấn Độ Dương với châu Á-Thái Bình Dương, với giá trị vận tải biển hằng năm khoảng 3,5 nghìn tỷ USD. Với vị trí địa chính trị và kinh tế quan trọng, Biển Đông là một trung tâm trong chiến lược toàn cầu của các cường quốc thế giới.

Viễn cảnh Trung Quốc “độc chiếm”, kiểm soát Biển Đông sẽ làm mất cân bằng chiến lược trong khu vực cũng như toàn cầu, tác động nghiêm trọng tới chủ quyền, lợi ích của không chỉ các nước khu vực mà cả các cường quốc thế giới cũng như các quốc gia liên quan. Là quốc gia ở Thái Bình Dương, New Zealand cùng nhiều quốc gia khác gần đây đã bày tỏ lo ngại ngày càng tăng với hành động của Trung Quốc, trong đó có hoạt động tăng cường ảnh hưởng tại Thái Bình Dương và hành vi quân sự hóa ở Biển Đông.

Trong phát biểu tại Chatham House (Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh) ở Thủ đô London ngày 1-7 nhân chuyến thăm Vương quốc Anh, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nêu rõ sự quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern nhận xét một cách lo ngại rằng, Bắc Kinh “ngày càng trở nên quyết đoán trong khu vực của chúng ta”, “sẵn sàng thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”.

Cùng răn đe tham vọng “độc chiếm” Biển Đông

Nhận diện thách thức chung là cơ sở, tiền đề để các quốc gia khu vực, cộng đồng quốc tế cùng hợp tác để ứng phó với thách thức chung, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Vương quốc Anh trước tuyên bố chung với New Zealand ngày 1-7 đã có những hành động để khẳng định ủng hộ một khu vực Biển Đông tự do và rộng mở dựa theo những quy định của luật pháp quốc tế.

Trong một động thái quan trọng thể hiện sự lo ngại cũng như nhằm bảo vệ lợi ích toàn cầu của mình, ba cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức vào tháng 9-2020 đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc chính thức thể hiện lập trường chung nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Trong công hàm chung này, cường quốc châu Âu khẳng định tính toàn diện của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), khẳng định cần phải thực hiện quyền tự do trên vùng biển này, đặc biệt là quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại hòa bình trong khu vực. Các nước châu Âu cũng khẳng định các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông cần phải được giải quyết theo các nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc.

Không chỉ thể hiện lập trường bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Vương quốc Anh còn khẳng định điều này bằng hành động thực tế. Với lực lượng Hải quân hoàng gia đầy sức mạnh, Vương quốc Anh bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Các tàu chiến của Hải quân hoàng gia Anh nhiều lần di chuyển tự do trên Biển Đông, thậm chí có lần đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của các thực thể trên Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hành động như một lời thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý, khẳng định sự ủng hộ đối với quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế trong khu vực chiến lược quan trọng này.

Trong hành động mang tính biểu tượng mạnh mẽ, chuyến tuần tra đại dương đầu tiên của tàu tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth hiện đại nhất của Hải quân Hoàng gia Anh với chi phí chế tạo hơn 3 tỷ bảng Anh (tương đương 4,26 tỷ USD) sau khi được đưa vào biên chế là dẫn đầu nhóm tác chiến gồm 2 tàu khu trục, 2 khinh hạm, 1 tàu ngầm và 2 tàu hỗ trợ đi vào Biển Đông hồi tháng 7-2021. Cao ủy Anh tại

Singapore Kara Owen khi nhận định sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã nêu rõ, sự kiện này đánh dấu cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn trong lĩnh vực an ninh và quân sự giữa Vương quốc Anh và các nước ASEAN.

Nhiều quốc gia có lợi ích liên quan tới hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông như Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Pháp, Đức, Canada… cũng gia tăng các hoạt động nhằm răn đe tham vọng chủ quyền phi pháp cũng như khẳng định hành động mạnh mẽ để duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không trên vùng biển này. Trong những động thái được cho là chưa có tiền lệ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp Karrenbauer vào tháng 11-2021 thông báo, Đức có kế hoạch đưa quân tham gia cuộc tuần tra tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; Đại sứ Đức tại Australia thậm chí từng tuyên bố Đức muốn tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông.

Đồng thời với việc đi đầu trong các hành động mạnh mẽ và thường xuyên nhằm khẳng định một khu vực Biển Đông tự do và rộng mở, Mỹ cùng thúc đẩy hợp tác với các cường quốc khác nhằm răn đe tham vọng “độc chiếm” Biển Đông. Một trong các hành động thể hiện sự chung sức ứng phó với thách thức an ninh chung ở Biển Đông, Nhóm “Bộ tứ” (Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản) thường xuyên tiến hành các chuyến tuần tra, tập trận ở Biển Đông.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chung-suc-vi-tu-do-hang-hai-va-hang-khong-tren-bien-dong-post509513.antd