Chúng ta đang lãng phí di sản nghệ thuật
Hai trong ba bức phù điêu nổi tiếng do các nhà điêu khắc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Đông Dương là Vũ Cao Đàm, Lê Tiến Phúc và Georges Khánh thực hiện đầu thế kỷ 20 vừa được giới thiệu tới công chúng bằng phiên bản. Chia sẻ với chúng tôi, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (ảnh nhỏ) - người cùng cộng sự thực hiện công việc ý nghĩa này, cho rằng, cần nhìn nhận lại việc bảo tồn các giá trị di sản nghệ thuật của Việt Nam hiện nay.
Phục dựng để di sản tiếp cận công chúng
- Anh đánh giá như thế nào về giá trị của các bức điêu khắc ra đời vào đầu thế kỷ 20 trên tường giảng đường Trường Mỹ thuật Đông Dương của Vũ Cao Đàm, Georges Khánh và Lê Tiến Phúc?
- Xét về lịch sử, các bức điêu khắc này thuộc về ngoại diện trang trí kiến trúc. Trong lịch sử mỹ thuật, hình ảnh con người trong nội diện trang trí kiến trúc thì nhiều, đình làng là một điển hình. Còn ngoại diện chủ yếu là long, ly, quy, phượng chứ không có hình ảnh con người. Ba bức điêu khắc này đặt nền móng đầu tiên cho điêu khắc trang trí hiện đại, làm bằng chất liệu xi-măng ở một không gian mở là giảng đường, mọi người đi lại tham quan tự do. Hình ảnh những người nông dân và ngư dân như những thước phim tư liệu, sống động. Đó là di sản mở trong không gian hiện đại. Mấy bức phù điêu này có một lịch sử huy hoàng là từng trưng bày ở Nhà đấu xảo Paris năm 1931. Hiện giờ ở Pháp, họ vẫn giữ lại hình ảnh về Việt Nam như một cách lưu giữ một kỷ niệm đẹp về Đông Dương. Trong khi đó, chúng ta đang sở hữu các bức điêu khắc này nhưng không ai có cơ hội nhìn thấy nó cả. Rõ ràng, đó là hai ứng xử khác nhau.
- Đã nhiều năm trôi qua, nhưng câu chuyện “giải cứu” các bức phù điêu này vẫn chưa có lời giải. Vì sao anh chọn giải pháp làm phiên bản các di sản này?
- Hiện nay chúng ta chỉ có hai bức “Nông nghiệp” và “Ngư nghiệp”. Bức “Công thương nghiệp” chỉ có bên Pháp hoặc có thể đã thất lạc. Có ý kiến cho rằng, nên gỡ những bức phù điêu đó mang đi chỗ khác nhưng theo tôi, làm như vậy chúng ta chỉ giữ được phần xác của tác phẩm mà thôi. Ba bức phù điêu đó nằm trên một tuyến đường, khi thiết lập các nghệ sĩ có ý đồ tạo nên một mạch điêu khắc động, phù hợp với sự dịch chuyển của con người, từ ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội), vận chuyển hàng hóa đi khắp nơi. Hình ảnh ba bức điêu khắc như đoàn tàu dừng bánh. Tôi đã đề xuất ý tưởng sẽ phục dựng lại, lúc đầu chỉ nghĩ phục dựng bằng hình ảnh 3D nhưng khi Bảo tàng Hà Nội biết được thông tin đó đã hỗ trợ chúng tôi kinh phí để đổ phù điêu.
- Anh chưa từng được xem tác phẩm gốc. Vậy anh tiếp cận với các bức phù điêu này như thế nào để bảo đảm được yếu tố gốc khi phục dựng?
- Việc làm phiên bản rất khó khăn, tôi và các cộng sự chưa được nhìn thấy phù điêu đó bằng mắt. Chúng tôi chỉ dùng tư liệu ảnh do ông Ngô Kim Khôi bên Pháp gửi về, những ảnh các thầy ngày xưa sang Pháp chụp. Năm 2014, Trường đại học Mỹ thuật được phép sang chụp hai bức phù điêu này. Tôi làm tỷ lệ chỉ được 40% so với kích thước. Bản thực tế những người nông dân cao bằng 120% người thật. Nếu người bình thường hồi đó cao 1m60 thì trong phù điêu cao 1m80 - 1m90. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam chưa có bức tượng nào người nông dân cao 1,9 m cả. Đó là hình ảnh kỳ vĩ của người nông dân, thật quá sức tưởng tượng của chúng ta. Với tâm thức nghệ thuật ấy, ba bức phù điêu còn thể hiện khát khao cháy bỏng của người nghệ sĩ muốn được nhìn nhận dân tộc mình. Khi tôi xem ảnh tư liệu do ông Ngô Kim Khôi gửi về, chân dung người nông dân rất đẹp. Đó là những con người cần cù, chất phác, đôn hậu và say mê công việc. Nó thể hiện tình yêu của người nghệ sĩ đối với đất nước, quê hương. Đó là những giá trị vĩnh hằng, chừng nào còn nghệ thuật Việt Nam, chừng đó người nghệ sĩ còn phải thể hiện tình yêu với đất nước, dân tộc mình và tình yêu đó là bất biến.
Cần một trái tim khi ứng xử với di sản
- Công chúng tiếp nhận phiên bản các bức phù điêu này như thế nào?
- Việc dựng phiên bản đó chỉ là hành động nhỏ bé của chúng tôi. Tôi thấy lạc quan khi có nhiều người ngỏ ý muốn có phiên bản sao vì nó quá đẹp. Nhóm chúng tôi cũng nghĩ công việc này sẽ góp phần cho việc hoàn thiện hồ sơ cho ngôi nhà thuộc về di sản cấp thành phố, cấp quốc gia và hoàn thiện thêm hồ sơ để truy tặng ông Vũ Cao Đàm những giải thưởng cao quý. Ông là một trong những nghệ sĩ lỗi lạc của thế kỷ 20, người đầu tiên làm tượng Bác Hồ khi Bác sang Pháp. Ông cũng là người ủng hộ tài chính cho cuộc kháng chiến. Ông gắn bó với Việt Nam rất sâu sắc và cống hiến rất nhiều cho Việt Nam khi sống tại Pháp.
- Rõ ràng, việc ứng xử với di sản, nhất là các di sản nghệ thuật, hội họa ở Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Vậy theo anh, bất cập nằm ở đâu?
- Năm nay có mấy sự kiện buồn, tranh là Bảo vật quốc gia bị hỏng nặng, tranh rởm của các họa sĩ nổi tiếng bị đưa lên bán ở các sàn đấu giá nước ngoài. Tôi cho rằng, những bất cập không phải do luật. Có thể chúng ta hơi vô tình, và thiếu hiểu biết. Nếu trái tim mách bảo đó là một bảo vật, chúng ta sẽ biết cách gìn giữ nó.
- Việc gìn giữ và bảo vệ các giá trị văn hóa, nhất là các di sản nghệ thuật có lẽ không chỉ là câu chuyện về sự trân trọng với quá khứ. Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị văn hóa đang ngày càng có vị trí đặc biệt trên hành trình phát triển của xã hội hiện đại?
- Chúng ta đang lãng phí tài nguyên văn hóa. Với cách thức vận hành của ngành công nghiệp sáng tạo rất cần những câu chuyện. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện nhưng lại không biết cách khai thác. Một vật thể văn hóa bị chi phối bởi rất nhiều thứ, có thể là sự thờ ơ của công chúng, cũng có thể là sự thờ ơ của nhà quản lý. Ở đây công chúng không thờ ơ nhưng nhà quản lý đang có sự sao nhãng. Cứ đà này di sản sẽ biến mất hết.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh.