Chúng ta dường như hướng tới các tập đoàn lớn mà bỏ quên doanh nghiệp nhỏ

Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, tại buổi công bố ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance thực hiện, ngày 11/10.

Ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance bày tỏ, đặc sản gồm 300 trang, xuyên suốt là tinh thần cởi mở và tiến bộ, cổ vũ cho khát vọng và hoạt động đầu tư, kinh doanh của mọi tầng lớp nhân dân.

Tất cả vì mục tiêu, tới năm 2030 nước ta có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 70 doanh nghiệp sở hữu quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1 tỷ USD, 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD, 10 tỷ phú USD… và trên hết là vì một Việt Nam hùng cường.

Ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance.

Ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance.

Theo ông Minh, giờ đây, dấu ấn của kinh tế tư nhân ở khắp nơi, có những lĩnh vực tưởng như chỉ có doanh nghiệp nhà nước có thể đảm trách, thì khi chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân lại càng hiệu quả hơn, chẳng hạn như hàng không, thương mại, xuất nhập khẩu… Có những con người rời khỏi khu vực nhà nước, khi bước ra thương trường lại trở thành những doanh nhân xuất sắc.

Dẫn câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nhân tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1986, TS Võ Trí Thành cho rằng, đó là giai đoạn "xanh cỏ và đỏ rực", gắn liền với những cải cách và đổi mới trong khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Thành nhấn mạnh: khác với nhiều quốc gia, cải cách trong kinh tế tư nhân của Việt Nam theo hướng "bottom-up", tức phát triển từ dưới lên. Doanh nghiệp tư nhân "vượt rào" rồi từ đó tạo ra những thay đổi trong chính sách của Nhà nước.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, thế nhưng, đến nay, ông Thành nhận định, chúng ta có những doanh nghiệp tư nhân đủ lớn. Song, với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chiếm phần lớn, TS Võ Trí Thành khẳng định, muốn tạo ra được một lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp giỏi thì kinh tế tư nhân phải "xây nhà từ móng" và phải có được thương hiệu toàn cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

"Chúng ta hoàn toàn có thể như hoặc hơn Hàn Quốc. Để làm được điều đó, Việt Nam phải có những sự kiện mà thế giới phải nhớ đến. Nếu như Hàn Quốc có Kpop, có nữ nhà văn đạt giải Nobel, tổ chức World Cup… thì Việt Nam có thể được những dấu ấn đó từ nay đến năm 2045 không? Tôi nghĩ rằng với những khát vọng của khối tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này", TS Võ Trí Thành nói.

Nói về kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm phép so sánh là ở tại nhà khách của Nhà nước và khách sạn của tư nhân, mùi và chất lượng khác nhau. Từ đó, ông cho rằng, doanh nghiệp tư nhân thổi làn gió mới và chất lượng quản trị khác.

Dù vậy, đại diện VCCI cũng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang thiệt thòi, đặc biệt tư nhân nhỏ, vừa vì còn phải vượt qua nhiều định kiến và chưa có nhiều thể chế hỗ trợ.

"Chúng ta dường như vẫn hướng tới các tập đoàn lớn, tập đoàn nước ngoài, cái đấy không sai nhưng có chút chạnh lòng cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta hành động theo bối cảnh nhưng sự quan tâm cho doanh nghiệp tư nhân vẫn còn ít và chưa hiệu quả", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế đóng góp nhiều bài viết cho Đặc san.

Các chuyên gia kinh tế đóng góp nhiều bài viết cho Đặc san.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nói về nguyên nhân doanh nghiệp tư nhân "không lớn được". Đó là, doanh nghiệp càng lớn càng đón thanh tra, kiểm tra nhiều. Có lợi thế về quy mô nhưng càng lớn thì chi phí tuân thủ, hành chính càng cao…

Trước thực tế trên, để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, ông Tuấn cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

"Chính sách phải vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân; xây dựng chính sách phải luôn lắng nghe ý kiến, tiếng nói của doanh nghiệp và người dân. Việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp và người dân sẽ thực hiện tại mọi khâu, mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật", ông Tuấn nói.

Mặt khác, theo ông Tuấn, cần kiên quyết bảo vệ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chúng ta phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp. Thực hiện tốt chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chung-ta-duong-nhu-huong-toi-cac-tap-doan-lon-ma-bo-quen-doanh-nghiep-nho-192241011205953326.htm