Chúng ta hãy cùng nhau 'mài sắc ý chí'

Cho đến giờ, mặc dù đã 30 năm trôi qua, nhưng nói đến việc thành lập Tổng công ty Than Việt Nam ngày 10/10/1994 thì người đầu tiên tôi nhớ đến là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có ý định thành lập các Tổng công ty Nhà nước, hay còn gọi là Tổng công ty 91 (TCT). Và ông đã chọn ngành Than, ngành điện và xi măng để lập 3 TCT đầu tiên.

Ông Đoàn Văn Kiển - Chủ tịch HĐQT TKV (2007 - 2009)

Ông Đoàn Văn Kiển - Chủ tịch HĐQT TKV (2007 - 2009)

Tháng 7/1994, đồng chí Võ Văn Kiệt đi kiểm tra bằng máy bay trực thăng, lúc bấy giờ vùng than Quảng Ninh đang tan hoang do khai thác than trái phép. Và khi kết thúc cuộc thị sát, họp với lãnh đạo của Bộ Năng lượng và tỉnh Quảng Ninh, ông tuyên bố phải thành lập TCT Than Việt Nam để quản lý toàn bộ than Việt Nam, bao gồm cả những lực lượng của tỉnh Quảng Ninh làm than và của Bộ Quốc phòng làm than. Tất cả nhập vào một đơn vị quản lý chung, đó là TCT Than Việt Nam.

Và từ đó cho đến tháng 10 thì chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là về mặt nhân sự. Ngày 10/10/1994, Thủ tướng ký quyết định thành lập TCT Than Việt Nam và TCT Điện lực Việt Nam.

Thời ấy khi lập các TCT này, Thủ tướng chỉ đạo ông Thái Phụng Nê - Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ Phan Ngọc Tường chọn cán bộ chủ chốt, tức là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc (TGĐ), 2 chức danh do Thủ tướng ký quyết định và phải chọn các Phó TGĐ. Lẽ ra tôi không làm TGĐ vì trước đó Bộ trưởng Thái Phụng Nê đã nói chuyện với tôi nhưng tôi xin phép không dám làm vì tôi đang làm ở Công ty Than 3 (Hà Nội) và tôi cũng có một số việc gia đình. Nhưng cuối cùng Bộ trưởng báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng bảo nếu nó không nhận thì để tôi gặp. Tôi không dám phiền đến Thủ tướng và tôi đã nhận nhiệm vụ đó.

Cái mà tôi tâm đắc nhất là Thủ tướng yêu cầu các Bộ giao toàn bộ tài nguyên khoáng sản than ở các vùng trên lãnh thổ Việt Nam cho TCT Than Việt Nam để quản lý, thăm dò và khai thác bảo vệ. Thủ tướng cũng quyết định giao vốn Nhà nước do Bộ Năng lượng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Quốc phòng đang quản lý về cho TCT Than Việt Nam.

Nếu không có những biện pháp mang tính đột phá đó, chúng tôi không thể khôi phục lại trật tự trong khai thác kinh doanh than không thể phát triển ngành Than ở giai đoạn đầu. Điều lệ tổ chức hoạt động của TCT Than Việt Nam do Thủ tướng ký dưới hình thức là nghị định, đó là Nghị định 13/CP.

Lễ công bố thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Lễ công bố thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Đức Lương và lãnh đạo một số bộ, ngành trực tiếp rà soát từng điều một trong dự thảo của điều lệ. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương trực tiếp làm với Chủ tịch và TGĐ của các TCT này.

Ngày 15 tháng Giêng năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định 13/CP của Than Việt Nam, 14/CP là của TCT Điện lực Việt Nam và 15/CP là của TCT Xi măng Việt Nam.

Cho đến ngày hôm nay, chưa có điều lệ của doanh nghiệp Nhà nước nào thông thoáng như điều lệ được ban hành bởi Nghị định 13/CP cho TCT Than Việt Nam. Nghị định giao trọn quyền cho lãnh đạo, tức là cho HĐQT và TGĐ điều hành TCT theo định hướng của Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

TCT Than Việt Nam có quyền huy động vốn, có quyền được quyết định đầu tư, có quyền bán sản phẩm xuất khẩu trong nước như thế nào để phát triển được TCT. Và nhiệm vụ quan trọng nhất là phải bảo đảm đủ than cho nền kinh tế.

Sau này, những điều lệ cứ bó lại dần và bây giờ lại càng hẹp nữa… Nhưng điều lệ mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành thì đối với tôi là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng để phát triển TCT Than Việt Nam.

Và chúng tôi đã thực hiện theo điều lệ đó.

Chúng tôi đã lập lại được trật tự trong khai thác, kinh doanh than. Và cái khó nhất lúc bấy giờ, là vừa phải lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh than, vừa phải bán than. Vì than lúc bấy giờ dư thừa, làm ra không bán hết được, công nhân thiếu việc làm, đói ăn. Thế thì làm sao để tiêu thụ được than? Mà 1 tấn than trong nước so với xuất khẩu tiền chỉ bằng một nửa, thậm chí không bằng một nửa. Cho nên chúng tôi phải mở thị trường xuất khẩu và chúng tôi phải đi công tác nước ngoài, phải có những đợt đi để bán vài ba nghìn tấn than chứ không phải hàng trăm nghìn tấn như bây giờ. Bán sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, sang Tây Âu, Nam
Phi và Mỹ.

Ông Đoàn Văn Kiển trao đổi với CBNV-NLĐ

Ông Đoàn Văn Kiển trao đổi với CBNV-NLĐ

Với rất nhiều nỗ lực, chúng tôi đã mở được thị trường xuất khẩu. Và tăng được sản xuất lên, lập lại được trật tự trong sản xuất kinh doanh than. Khi đó, sản lượng than tăng lên, công nhân phấn khởi có thêm việc làm và chúng tôi đã bảo đảm cung cấp đủ than trong nước, kèm theo đó là xuất khẩu. Khi xuất khẩu mang được ngoại tệ về, chúng tôi đã dùng hợp đồng xuất khẩu than đó để thông qua ngân hàng tự bảo lãnh cho mình vay vốn nước ngoài để đầu tư phát triển ngành Than. Và chúng tôi đã vay được khoản tiền đầu tiên là 30 triệu đôla Mỹ không hề có bảo lãnh của Bộ Tài chính, mà do tự bảo lãnh bằng hợp đồng xuất khẩu than của mình. Đấy là điều hiếm có ở Việt Nam, một doanh nghiệp tự bảo lãnh để vay vốn nước ngoài.

Thế hệ lãnh đạo sau này không phải đi lo thị trường vì không đủ than để bán, ở trong nước còn phải nhập khẩu thêm. Chứ thời chúng tôi là lo đi bán từng tấn than một. Mỗi một thời kỳ có câu chuyện của nó, có cái phức tạp, có cái gian khổ và có cả những cái thuận. Quan trọng là mình biết nó thế nào để mình nắm lấy nó và mình hành động cho phù hợp. Biết đâu là cơ hội, đâu là thách thức để mà xử lý.

Lúc đó, anh Nguyễn Viết Hòe là Chủ tịch HĐQT, tôi là TGĐ và 3 Phó TGĐ là anh Long, anh Hào, anh Quang được người ta gọi là “ngũ hổ” Hòe - Kiển - Long - Hào - Quang. Và tôi vẫn nói đùa Long - Hào - Quang, tên của 3 đồng chí Phó TGĐ làm rực rỡ TCT Than Việt Nam, mang ánh hào quang cho TCT. Với sắp xếp đội hình như thế, chúng tôi đã bảo nhau mà làm.

***

Nói về bauxite Tây Nguyên thì phải nói một điều, từ những năm80 Đảng và Chính phủ đã có chủ trương hợp tác với Liên Xô trong khuôn khổ tương trợ kinh tế để thăm dò khai thác phát triển bauxite Tây Nguyên chứ không phải mãi đến sau này. Và nói đến bauxite Tây Nguyên phải nhắc nhớ đến Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Bởi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên và dùng 2 Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi để cung cấp điện trực tiếp sản xuất nhôm. Tuy nhiên, điều đó chưa thực hiện được. Trong văn kiện của Đại hội Đảng đã đưa việc thăm dò và khai thác, chế biến bauxite Tây Nguyên ba lần. Nhưng rồi cũng chưa làm được. Chính phủ giao cho Bộ Công nghiệp, sau này là Bộ Công Thương mà đơn vị được giao là TCT Khoáng sản Việt Nam. Dự án đầu tiên ở Tân Rai bây giờ là huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án ấy Thủ tướng Chính phủ đã quyết, phê duyệt đầu tư. Nhưng vì TCT Khoáng sản chưa đủ lực nên chưa thực hiện được. Tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tập đoàn Than Việt Nam, tập đoàn kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

Đến tháng 10/2005, trong một cuộc họp bàn về khai thác bauxite Tây Nguyên, Thủ tướng Phan Văn Khải có gọi tôi với anh Long - Chủ tịch HĐQT bảo: “Các cậu nhắc TCT Khoáng sản và Tập đoàn các cậu đi mà đầu tư khai thác, thực hiện dự án ở bauxite Tây Nguyên. Hai lần đưa ra Đại hội Đảng rồi, vào văn kiện rồi, sắp Đại hội Đảng tiếp theo mà không làm được gì”. Sau đó Thủ tướng giao cho anh Phạm Viết Muôn - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp xuống làm việc với anh Long và tôi để làm đề án nhập TCT Khoáng sản vào Tập đoàn Than Việt Nam. Từ đó mới có tên là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, giữa than và khoáng sản có gạch ngang để anh em khoáng sản thấy bình ổn, tốt đẹp.

Tháng 12/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên cơ sở tổ chức lại Tập đoàn Than Việt Nam và TCT Khoáng sản Việt Nam. Mục tiêu thì nhiều, nhưng Thủ tướng giao phải phát triển ngay dự án Tân Rai, nên chúng tôi tiếp nhận và làm dự án đó đầu tiên. Song song đó chúng tôi chuẩn bị cả dự án Nhân Cơ và Đắk Nông. Khi ấy, có câu chuyện người ta đưa lên truyền thông là khai thác cái đó thì mất văn hóa Tây Nguyên, rồi nên để trồng chè, trồng cà phê, đất sẽ tốt hơn là đi khai thác bauxite, hủy hoại môi trường... Và người ta lập hẳn trang bauxite Việt Nam của nhóm nhân sĩ tri thức để phản bác chủ trương làm bauxite Tây Nguyên.

Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rất rõ rằng, vấn đề khai thác có liên doanh thì Việt Nam dứt khoát phải giữ cổ phần chi phối. Còn làm nhà máy chế biến alumin thì nước ngoài có thể nhiều vốn hơn. Nhưng khai thác bauxite thì dứt khoát TKV phải giữ cổ phần chi phối. Đấy là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, rất rõ ràng. Trước đó đã có dự án ở địa điểm 1/5 ở Đắk Nông do TCT Nhôm Trung Quốc đã khảo sát và chuẩn bị phương án. Nhưng vì họ muốn chiếm đa số cổ phần chi phối cho nên phía ta không đồng ý. Thì chúng tôi tự làm 2 dự án của mình trước. Và những luồng ý kiến trái chiều phản đối rất mạnh trên truyền thông, thậm chí còn nhắn gửi đe dọa chặt đầu tôi để treo ở chợ Gia Nghĩa nếu còn làm bauxite.

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng

Thời điểm đó, cả 2 dự án chúng tôi cùng chuẩn bị song song. Ở Đắk Nông thì trong năm 2008 Ban QLDA tiếp đến hơn 300 đoàn lớn nhỏ đến thăm. Và đoàn đông nhất là hơn 300 người của các báo cáo viên ở khu vực phía Nam đến tìm hiểu. Tôi với tư cách là Chủ tịch HĐQT lúc bấy giờ phải báo cáo trước 3 khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cho các báo cáo viên về dự án này. Tất nhiên, đó cũng là điều tốt để họ có thể hiểu về các dự án. Còn khi không hiểu thì người ta gây áp lực, người ta bảo là không có hiệu quả kinh tế. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã phải chủ trì cuộc hội thảo tại Hà Nội sau khi có sự cố truyền thông như thế. Anh Hoàng Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu trước Phó Thủ tướng: “Chúng tôi biết rất rõ vùng đất ấy. Chúng tôi biết chỗ nào trồng được cà phê. Nơi mà có bauxite thì cà phê và chè nếu có trồng thì năng suất cũng rất thấp. Khai thác nó thì Nhà nước có lợi, nhân dân được lợi. Tại sao lại không làm?”.

Còn Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông thì phát biểu: “Người ta chỉ muốn chúng tôi đóng khố cởi trần để người ta đến quay phim chụp ảnh, người ta không muốn chúng tôi mặc complete. Họ muốn chúng tôi nghèo mãi. Chúng tôi không đến nỗi dốt mà không biết chỗ nào không trồng được cà phê. Đất bauxite cỏ mọc ở trên tí thôi, có chỗ mọc hẳn lên thì làm sao mà trồng cây được. Để mà bảo trồng cà phê với trà các thứ, chúng tôi có đủ đất trồng. Còn đây cả tỉnh Đắk Nông chỗ nào cũng có bauxite, không khai thác thì để lãng phí, để nghèo mãi à?”.

Lãnh đạo địa phương cực kỳ ủng hộ, người dân thì rất hưởng ứng chuyện khai thác đó. Tôi đến gặp người dân và nhận được sự ủng hộ rất tuyệt vời, củng cố cho niềm tin để chúng tôi thực hiện 2 dự án đó. Và phải khẳng định điều này, sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông là điểm mấu chốt cho thành công của 2 dự án này.

Còn về chuyện người ta bảo các dự án không mang lại hiệu quả kinh tế thì xin thưa, thực chất mà nói, đây chính là “máy in tiền” của TKV, nộp thuế cho Nhà nước rất nhiều, cùng với địa phương xây dựng trường học, đường sá, cầu cống, đào tạo con em, quan trọng nhất là việc làm, sinh kế của người dân. Từ khi bắt tay vào làm là chúng tôi đã có chủ trương, đối với các gia đình nằm trong đất của dự án, nếu có con em tốt nghiệp trung học cơ sở là có thể nhận được, chứ chờ các em tốt nghiệp phổ thông trung học thì sẽ rất khó. Sau đó mình cho đi học tiếp, con em những gia đình giao lại đất cho mình thì phải đào tạo trở thành công nhân hoặc cán bộ kỹ sư, tùy theo năng lực của các em. Chúng tôi đào tạo tại Đắk Nông, Lâm Đồng, rồi đưa cả sang Trung Quốc để đào tạo. Trong khi chuẩn bị dự án thì chúng tôi đào tạo để cho con em người dân ở đấy có việc làm.

Nhu cầu về nhôm ngày càng cao trên thế giới, gồm nhu cầu cho công nghiệp vũ trụ, công nghiệp ôtô, sinh hoạt, xây dựng... Mà mình có đến 10 tỷ tấn quặng. Đấy là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ, thúc đẩy.

Mới đây TKV mời 5 người lãnh đạo đầu tiên là anh Nguyễn Viết Hòe - Chủ tịch, tôi TGĐ, các Phó TGĐ Nguyễn Văn Long, Nguyễn Anh Hào, Đào Quốc Quang vào Tây Nguyên thăm anh em. Bây giờ anh em quản lý và điều hành ở 2 dự án này đều rất giỏi về công nghệ, kỹ thuật, quản lý, thực hiện số hóa rất cao. Nhìn thấy các thế hệ lớp sau của mình làm tốt như vậy thì mình càng thêm tự hào. Anh em ai cũng phấn khởi và vui mừng.

Còn nhớ, những năm 80, khi tôi làm giám đốc xí nghiệp, sở dĩ tôi trụ được là nhờ những người thợ lò đã huấn luyện tôi, những người công nhân ấy đã chỉ cho tôi rõ và cùng phối hợp với tôi để làm. Tôi nhớ trong xí nghiệp có một đội đào lò mà chưa bao giờ không hoàn thành nhiệm vụ. Khi được hỏi lý do, cậu đội trưởng đã nói: “Anh hãy mài sắc ý chí!”.

Và bốn từ “mài sắc ý chí” ấy tôi cũng muốn nhắn lại với anh em sau này, bởi thời nào cũng có những phức tạp, cũng có sự khó khăn của nó, nhưng đừng nghĩ nó khó hết, nó có cơ hội của nó đấy. Hãy nhìn rõ cơ hội, hãy khắc phục khó khăn, hãy “mài sắc ý chí” chiến đấu để đi lên giàu mạnh. Chúng ta có hai thứ, một là tài nguyên khoáng sản, hai là có nguồn nhân lực. Nhưng nguồn nhân lực thì phải đào tạo chứ không phải tự dưng mà có. Anh phải dạy em, cấp trên dạy cấp dưới, bạn bè đồng nghiệp dạy nhau… “Mài sắc ý chí” để mà đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tuyệt vời nhất để khai thác có hiệu quả nhất tài nguyên khoáng sản mà Nhà nước đã giao cho mình.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chung-ta-hay-cung-nhau-mai-sac-y-chi-718746.html